Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao hiệu quả sản xuất: Nhìn từ những sáng kiến trong lao động

00:31, 01/05/2013

Không chỉ làm việc đơn thuần bằng cách dồn công góp sức, từ những trải nghiệm thực tiễn, niềm đam mê sáng tạo đã chắp cánh cho nhiều sáng kiến ra đời trên nhiều lĩnh vực, giúp người lao động tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất, làm ra nhiều sản phẩm cho xã hội...

Nâng cao chất lượng mạng bằng sáng kiến thay đổi đường kính dây thuê bao

Là chuyên viên phòng mạng và dịch vụ Công ty Viễn thông Dak Lak (VNPT Dak Lak), thời gian qua kỹ sư Trương Hồng Sơn đã có rất nhiều sáng kiến khoa học phục vụ sản xuất kinh doanh, trong đó đề tài “Thay đổi đường kính dây thuê bao” được đánh giá cao với nhiều ưu việt.

Trước đó, mạng ngoại vi sử dụng nhiều chủng loại cáp với các đường kính lõi đồng khác nhau, đa số cáp gốc loại 0,4mm, cáp ngọn loại 0,5mm và dây thuê bao loại 0,65mm. Do đó, hầu hết một đôi dây thuê bao từ tổng đài đến đầu cuối phải mất 2 lần thay đổi đường kính dây dẫn. Trong khi đó, theo quy phạm 68 QP-01:04-VNPT thì một đôi dây không được vượt quá 2 lần thay đổi đường kính, việc thay đổi đường kính sẽ làm phát sinh suy hao phản xạ, là nguyên nhân làm suy giảm chất lượng tín hiệu qua đường dây. Hiện nay chiều dài của cáp đồng và dây thuê bao được rút ngắn lại rất nhiều bằng việc thiết lập thêm các điểm chuyển mạch, không nhất thiết phải sử dụng loại dây 0,65mm mà có thể chuyển sang sử dụng loại dây 0,5mm. Xuất phát từ thực tế ấy, anh Sơn đã nảy ra ý tưởng thay đổi đường kính dây thuê bao. Về kinh tế, hiện nay giá thành của dây thuê bao đường kính 0,65mm rất cao. Mỗi năm VNPT Dak Lak sử dụng trung bình 6 triệu mét dây thuê bao. Giá dây thuê bao với loại dây có đường kính 0,65mm trung bình 1.370 đồng/m trong khi loại dây có đường kính 0,5mm chỉ 1.100đ/m. Theo tính toán, chi phí chênh lệch khi thay đổi đường kính giảm được 20% chi phí mua dây thuê bao hàng tháng cho đơn vị, tính ra mỗi năm tiết kiệm được 1,5 đến 1,7 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, việc sử dụng dây đường kính 0,5mm còn có thể tiết kiệm chi phí dành cho mua dây sub được hơn 30%. Về kỹ thuật, sử dụng dây thuê bao 0,5mm sẽ có đường kính bằng với đường kính của cáp ngọn, nhờ đó đã giảm số lần thay đổi đường kính lõi đồng, nâng cao chất lượng đường truyền tín hiệu vì đã giảm suy hao đáng kể khi đường kính dây thay đổi ít nhất. Bên cạnh đề xuất thay đổi đường kính dây thuê bao, anh Sơn còn đề xuất bổ sung thêm thành phần carbon đen vào vật liệu chế tạo vỏ cáp dây thuê bao, tối thiểu là (2,5 ± 0,5)%. Việc bổ sung này giúp tăng hấp thụ tia UV của ánh nắng mặt trời, tăng tuổi thọ của dây.

Đề tài “Thay đổi đường kính dây thuê bao” của kỹ sư Trương Hồng Sơn được Hội đồng sáng kiến VNPT Dak Lak đánh giá cao và đã đưa vào áp dụng trên toàn hệ thống của VNPT Dak Lak. Không chỉ tiết kiệm chi phí sản xuất, kinh doanh, thay đổi đường kính dây thuê bao tạo chuyển biến tích cực trong công tác cải tạo, bảo trì bảo dưỡng nâng cao chất lượng mạng lưới. Theo đó,  tỷ lệ báo hỏng của VNPT Dak Lak giảm nhanh và hiện chỉ nằm ở mức khoảng 7% tổng số thuê bao hiện có.

Điện lực Lak: Phát huy sức mạnh của sáng kiến kỹ thuật

Được thành lập năm 2007, hiện Điện lực Lak hiện quản lý 163 km đường dây trung áp, 115 km đường dây hạ áp  và 92 trạm biến áp, 2.300 khách hàng. Trong những năm qua, bằng các phương pháp điều hành linh hoạt, phát huy sức mạnh sáng kiến, giải pháp kỹ thuật, Điện lực Lak đã bảo đảm cung cấp điện an toàn, hiệu quả...

Công nhân Điện lực Lak  thi công lưới điện phục vụ  sản xuất, sinh hoạt  của người dân.    Ảnh:  Lê Hương
Công nhân Điện lực Lak thi công lưới điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân. Ảnh: Lê Hương

Năm 2012, sáng kiến Thu hồi dây dẫn cũ bằng máy trộn bê tông dùng động cơ diesel của Huỳnh Minh Tú đã giúp việc thu hồi dây dẫn cũ sau cải tạo được nhanh chóng, giảm chi phí nhân công. Ông Đặng Xuân Vũ, Giám đốc Điện Lực Lak cho biết: “Trong các năm qua, Điện lực Lak đã thực hiện cải tạo lưới điện hạ thế với khối lượng khá lớn. Riêng hai năm 2009 và 2010, đơn vị đã thay mới hơn 26.000m dây cáp vặn xoắn ABC các loại và thu hồi trên 90.000m dây nhôm các loại với nhiều kích cỡ khác nhau. Do lưới điện đi qua địa hình đồi núi, nhiều cây cối mà lực lượng công nhân ít, chủ yếu làm bằng thủ công nên việc thu hồi dây dẫn cũ với khối lượng khá lớn như trên gặp rất nhiều khó khăn. Sáng kiến Thu hồi dây dẫn cũ bằng máy trộn bê tông dùng động cơ diesel với thiết kế khá đơn giản là dùng một ru lô bằng sắt phi 12 chụp lên trên cối trộn bê tông dùng động cơ diesel mà đơn vị hiện có để quấn dây khi thu hồi đã mang lại hiệu quả thiết thực. Cụ thể, năng suất tăng lên gấp chục lần so với phương pháp làm thủ công bằng tay, giảm được khó nhọc cho công nhân. Với ru lô đặt trên cối trộn bê tông này, chỉ cần 3 người vận hành là có thể vừa kéo vừa quấn dây một cách nhẹ nhàng, nhanh chóng mà lại gọn gàng, dễ dàng vận chuyển.

Trước năm 2010, việc viết phiếu công tác và phiếu thao tác tại Điện lực Lak chủ yếu thực hiện bằng tay trên mẫu in sẵn hoặc soạn trên máy tính. Công việc này tốn thời gian nhưng lại không chính xác do sự nhầm lẫn của người viết phiếu. Chương trình viết phiếu công tác, phiếu thao tác trên máy tính của Trần Thanh Sơn đã góp phần giảm thiểu thời gian viết phiếu công tác và phiếu thao tác mà bảo đảm tính chính xác cao. Chương trình này đã được Điện lực Lak thực hiện thử nghiệm vào đầu năm 2010 và được thực hiện chính thức từ đầu năm 2011. Những sáng kiến dễ dàng ứng dụng vào thực tiễn của hoạt động sản xuất, kinh doanh đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý và vận hành hệ thống lưới điện, giảm cường độ lao động chân tay, giảm thời gian thao tác, tiết kiệm chi phí và đem lại nhiều tiện ích. Hằng năm, đơn vị luôn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, doanh thu tăng từ 8,55 tỷ đồng năm 2008 lên 20,11 tỷ đồng năm 2012. Bên cạnh việc thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, công tác kiểm tra an toàn – bảo hộ lao động được Điện lực Lak quan tâm thực hiện từ khâu hồ sơ đến hiện trường sản xuất như: triển khai thực hiện tốt các nội dung bảo hộ lao động, các văn bản hướng dẫn, yêu cầu, kiến nghị của đoàn kiểm tra các cấp và của người lao động; thường xuyên tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho CBCNV; tăng cường kiểm tra các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn để chấn chỉnh, nhắc nhở và khắc phục các tồn tại sau mỗi đợt kiểm tra. Chính nhờ sự quan tâm sâu sát về công tác bảo hộ lao động của lãnh đạo đơn vị đến các tổ sản xuất và từng CBCNV trong từng quá trình sản xuất, ý thức chấp hành kỷ luật lao động, tuân thủ Quy trình Quy phạm của mỗi CBCNV trong đơn vị được nâng cao, cho nên trong những năm qua Điện lực Lak đã không để xảy tai nạn lao động, sự cố về con người và thiết bị.

“Cây sáng kiến” trong công tác tài chính

Nhiều năm qua, Thượng tá Phạm Thái Văn, Trưởng Ban Tài chính, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Bí quyết của anh là tận tâm, trách nhiệm và say mê sáng tạo trong công việc.

Nổi bật nhất phải kể đến tinh thần trách nhiệm của anh trong công tác quản lý tài chính. Để quản lý chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm các nguồn tài chính đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, anh đã chủ động tham mưu cho Đảng ủy, chỉ huy đơn vị ban hành kịp thời Quy chế lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác tài chính nhiệm kỳ 2010-2015; xây dựng và ban hành các quyết định, chỉ thị, hướng dẫn về quản lý tài chính, vật tư, tài sản... tạo hành lang pháp lý để các đơn vị tổ chức thực hiện. Nhiều văn bản trước khi ban hành được đưa ra lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, đơn vị nên đã phát huy được trí tuệ tập thể, tạo bầu không khí dân chủ trong đơn vị. Trong công tác bảo đảm tài chính, tất cả các khoản chi kinh phí đều được kiểm tra, kiểm soát trước, trong và sau quá trình cấp phát thanh toán; thực hiện quản lý toàn diện, thống nhất và chặt chẽ các nguồn tài chính, nên việc chi tiêu sử dụng kinh phí đạt hiệu quả cao; hạn chế được tình trạng chi sai nội dung, chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, chi dồn vào những tháng cuối năm.

Năm 2011, anh có sáng kiến: “Sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin và sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong hệ thống sổ sách tại các bếp ăn trong quân đội”, sáng kiến được Cục Quân nhu - Bộ Quốc phòng chọn để tổ chức thực hiện trong toàn quân. Kể từ khi sáng kiến được đưa vào sử dụng, công tác ghi chép sổ sách ở các đơn vị đã có những chuyển biến tích cực. Cụ thể, đã khắc phục được việc ghi chép bằng thủ công (viết tay), việc tính toán số liệu trên hệ thống sổ sách bảo đảm tính thống nhất, chính xác, khoa học; hạn chế được việc sửa chữa số liệu sai quy định; rất thuận tiện cho công tác kiểm tra của cơ quan cấp trên vì không phải tính toán lại số liệu chi tiêu hằng ngày như phương pháp ghi sổ thủ công. Hệ thống sổ sách được thiết kế theo chiều ngang của khổ giấy A4 nên tiết kiệm được kinh phí in ấn. Cùng với việc chủ động đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý tiền ăn, anh còn nghiên cứu, đề nghị các cơ quan nghiệp vụ cấp trên sửa đổi, bổ sung một số nội dung chưa thật phù hợp trong hệ thống sổ sách mẫu biểu hiện hành để góp phần tăng cường công tác quản lý lương thực, thực phẩm và xây dựng nền nếp chính quy trong công tác quân nhu tại các bếp ăn.

Tiếp nối những thành công, năm 2012, anh có thêm sáng kiến về “Phương pháp quản lý và hạch toán kế toán hoạt động tăng gia sản xuất”, sáng kiến được đăng trên Tạp chí Hậu cần Quân đội để các đơn vị nghiên cứu và vận dụng. Bên cạnh đó, anh còn đầu tư thời gian nghiên cứu, vận dụng sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin thiết kế hệ thống mẫu biểu, chứng từ, sổ sách để thống nhất sử dụng trong toàn đơn vị. Chính vì vậy, mà những năm gần đây công tác tài chính của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh được Sở Tài chính Dak Lak, Phòng Tài chính - Quân khu 5 và Kiểm toán nhà nước đánh giá là một trong những đơn vị chi tiêu, sử dụng ngân sách đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức; các chứng từ thanh quyết toán đều hợp pháp, hợp lệ; hệ thống chứng từ được sắp xếp khoa học: dễ hiểu, dễ tìm, dễ thấy, dễ lấy.

Say mê với công việc và không ngừng nghiên cứu, năm 2013, anh mạnh dạn ứng dụng các tiện ích của công nghệ thông tin xây dựng được “Hệ thống văn bản pháp luật” để cung cấp các văn bản về công tác quốc phòng, quân sự; các văn bản liên quan đến chế độ, chính sách về tài chính cho các cơ quan, đơn vị. “Hệ thống văn bản pháp luật” được sắp xếp khoa học, dễ sử dụng đã thể hiện được những ưu việt như: tiết kiệm thời gian tìm và tra cứu văn bản; tiết kiệm được chi phí in ấn,... đặc biệt là giúp công khai các chế độ chính sách về tài chính để cán bộ, chiến sĩ cùng nắm, cùng biết và cùng kiểm tra.

Nói về người cán bộ tâm huyết này, Đại tá Êban Y Phu, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết: “Thượng tá Phạm Thái Văn là tấm gương sáng về lòng yêu nghề, trách nhiệm trong công việc, say mê nghiên cứu khoa học và có nhiều sáng kiến trong công tác; đồng chí sống giản dị, chân thành, tận tình, hết lòng vì đồng đội và được mọi người tin yêu”.

Hy vọng rằng trong thời gian tới với nỗ lực phấn đấu và tinh thần say mê nghiên cứu, học hỏi, anh sẽ có nhiều sáng kiến mới có giá trị hơn nữa góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong các mặt công tác và xây dựng đơn vị.

Giang Lê Đàm 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.