Doanh nghiệp trong... “bão”
Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2013 cũng vẫn sẽ là một năm làm ăn khó khăn đối với doanh nghiệp. Những dự báo ấy đã có câu trả lời từ thực tiễn và từ thực tiễn cũng đã cho thấy nhiều cái thiếu trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp...
Thông đường, trợ sức
Trước tình hình khó khăn, không thể phủ nhận những nỗ lực của tỉnh trong triển khai các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp “vượt bão”. Đầu tiên phải kể đến Nghị quyết số 27/2011/NQ-HĐND ngày 22-12-2011 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Dak Lak giai đoạn 2012-2015. Nghị quyết này quy định chính sách khuyến khích, hỗ trợ về đào tạo lao động, lãi vay tín dụng, xây dựng đường giao thông, đường điện hạ thế cho các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu tiên kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh. Với Quy chế quản lý doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh (ban hành kèm theo Quyết định số 06/2012/QĐ-UBND ngày 15-3-2012 của UBND tỉnh), quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiếp tục được khẳng định và bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Quy chế cũng quy định nguyên tắc kiểm tra đối với doanh nghiệp nhằm mục tiêu tránh việc kiểm tra chồng chéo, nhiều lần đối với một đơn vị trong một năm; đối tượng kiểm tra phải được mở rộng theo thứ tự luân phiên, không tập trung vào một số đối tượng cố định, đồng thời khi tiến hành kiểm tra nhiều vấn đề khác nhau đối với cùng một đơn vị, thì phải thực hiện cùng một thời điểm theo hình thức tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành. Tỉnh cũng đã quy định mức miễn, giảm tiền thuê đất đối với các dự án xã hội hóa thuộc lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường thực hiện trên từng địa bàn. Góp phần giải quyết bài toán đau đầu của nhiều doanh nghiệp - tiền thuê đất, Quyết định số 33/2012/QĐ-UBND ngày 6-9-2012 của UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 04/2011/QĐ-UBND ngày 20-1-2011 của UBND tỉnh về việc ban hành tỷ lệ phần trăm (%) để xác định đơn giá thuê đất trên địa bàn tỉnh, đã điều chỉnh theo hướng giảm tỷ lệ phần trăm (%) để giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp tìm hướng đi trong “bão” bằng mạnh dạn đổi mới dây chuyền công nghệ. |
Ngoài ra, hiện nay tỉnh vẫn đang tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, nhằm giảm chi phí thuê hạ tầng cho các nhà đầu tư. Theo đó, việc đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp được ngân sách địa phương hỗ trợ đầu tư các hạng mục: chi phí lập dự án đầu tư; chi phí rà phá bom mìn, đền bù, giải phóng mặt bằng; xây dựng đường trục chính; công trình xử lý nước thải tập trung; hệ thống cổng - tường rào bao quanh cụm công nghiệp; chi phí lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho cụm công nghiệp.
Chưa đủ lực
Với hàng loạt chính sách hỗ trợ, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, thực tế doanh nghiệp vẫn đang “vượt bão” khá trầy trật. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm hơn so với năm trước, trong khi số giải thể, ngừng hoạt động tăng lên rất nhiều. Cụ thể, tính 4 tháng đầu năm 2013, số đăng ký hoạt động và thành lập mới là 6 hợp tác xã, 196 doanh nghiệp dân doanh, 20 chi nhánh của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, trong khi có đến 434 doanh nghiệp giải thể; 295 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và 420 doanh nghiệp bỏ kinh doanh; 148 doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do vi phạm Luật doanh nghiệp, Luật Quản lý thuế; 103 HTX tồn tại hình thức (ngừng hoạt động nhưng chưa tiến hành giải thể); 97 chi nhánh chấm dứt hoạt động. Theo đó, đến nay số doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh còn đang hoạt động là 5.343 đơn vị, số chi nhánh còn hoạt động là 795 đơn vị. Số doanh nghiệp dân doanh có nộp báo cáo quyết toán tài chính cho cơ quan đăng ký kinh doanh năm 2011 là 647 doanh nghiệp (đạt tỷ lệ 14,15%), năm 2012 là 1.117 doanh nghiệp (đạt tỷ lệ 20,78%).
Năm 2012, trong tổng số 58 doanh nghiệp nhà nước, chỉ có 36 doanh nghiệp kinh doanh có lãi (chiếm 62%); 5.009 doanh nghiệp dân doanh hoạt động, con số kinh doanh có lãi là 2.239 doanh nghiệp, còn lại hơn nửa là lỗ và hòa vốn.
Xung quanh việc thu tiền thuê đất, thuê mặt nước tăng cao so với trước đây theo Nghị định số 121/2010/NĐ-CP của Chính phủ, một số doanh nghiệp xin trả lại đất đã thuê hoặc dừng thực hiện dự án. Hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2093/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất trong năm 2011 và năm 2012 đối với một số tổ chức kinh tế, tuy nhiên mới chỉ giải quyết về giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp sản xuất, trong khi việc thuê đất của các doanh nghiệp kinh doanh thương mại - dịch vụ chưa được xem xét.
Trong lĩnh vực xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, tình trạng công trình đã bàn giao xong nhưng chưa có vốn thanh toán hoặc khối lượng thi công nhiều nhưng nguồn vốn thanh toán rất hạn chế... đã làm cho nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn để tiếp tục hoạt động và thanh toán tiền lương cho người lao động, tiền vật liệu xây dựng, cũng như hoàn trả vốn vay khi đến hạn và thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định. Nhiều doanh nghiệp đã phải xin tạm ngừng hoạt động, thông báo cho công nhân nghỉ việc; bán máy móc, thiết bị để thanh toán nợ cho ngân hàng, khách hàng, bán vật tư trả tiền lương cho người lao động.
Tiếp tục tìm đường “vượt bão”
Ngoài tác động chung của bối cảnh kinh tế, trong “bão” doanh nghiệp đã bộc lộ điểm yếu mang tính chủ quan - thiếu vốn tự có mà Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương đã từng ví von khi trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Dak Lak là “đi bơi không mặc áo tắm”... Có nghĩa, trước đây tín dụng dồi dào, vay quá dễ dàng, một số lượng lớn doanh nghiệp đầu tư kinh doanh dựa vào vốn tín dụng quá nhiều. Giống như một hội cùng bơi, khi mọi thứ thuận buồm xuôi gió thì ai cũng vui vẻ nhưng khi thủy triều rút xuống, tín dụng giảm mới lộ ra ai “bơi không mặc áo tắm”, tức kinh doanh toàn bằng vốn ngân hàng, chẳng có vốn của mình. Doanh nghiệp của tỉnh hầu hết có quy mô nhỏ, tình trạng thiếu vốn cho sản xuất là khó khăn lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có số vốn kinh doanh ít, nên nhu cầu vay vốn để đầu tư cho sản xuất kinh doanh là rất lớn. Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng trong năm 2012 và 2013 giảm so với năm 2011, lãi suất cho vay cũng được điều chỉnh giảm, nhưng doanh nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay. Các doanh nghiệp có đủ điều kiện vay vốn thì không có nhu cầu vay để mở rộng sản xuất kinh doanh vì giá nguyên liệu đầu vào cao, thị trường cho sản phẩm đầu ra không ổn định, kinh doanh không có lãi; các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn nhưng không thể đáp ứng được điều kiện cho vay của các ngân hàng (không có tài sản thế chấp, phương án sản xuất, kinh doanh thiếu tính khả thi). Cũng theo ông Doanh, dù nhiều người coi là “chuyện biết rồi” nhưng vẫn phải nói rằng: doanh nghiệp khi thành lập phải có vốn của bản thân mình để có phần chủ động, không hoàn toàn bị lệ thuộc, có như vậy mới vững vàng trước sóng gió thương trường.
Từ thực tế cho thấy, đối với các doanh nghiệp hoạt động liên quan đến sử dụng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, trường hợp ngân sách Nhà nước chưa cân đối được nguồn thanh toán cho doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp lại nợ thuế, các khoản phải thu của ngân sách, cần xem xét có quy định cụ thể cơ chế thanh toán và nộp thuế hợp lý để đảm bảo quyền bình đẳng theo hợp đồng và tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm khoản vốn vay để thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Đối với doanh nghiệp xây dựng các công trình của Nhà nước, do nguồn vốn ngân sách khó khăn, chưa trả nợ khối lượng xây dựng đã hoàn thành của doanh nghiệp, cần có giải pháp cho khoanh nợ tiền vay ngân hàng của các doanh nghiệp này, đồng thời trên cơ sở số nợ vốn xây dựng cơ bản của Nhà nước đối với doanh nghiệp được xác nhận, đề nghị xem xét có giải pháp để Ngân hàng cho doanh nghiệp vay vốn tiếp tục sản xuất, kinh doanh…
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc