“Hai mía” ở vùng đất Krông Bông
Bà con nông dân ở huyện Krông Bông gắn cho anh biệt danh “Hai mía”, bởi ngoài sở hữu 12 ha đất chuyên canh mía anh còn đứng ra tổ chức sản xuất mía theo hướng hàng hóa. Trồng mía trở thành nghề chính của anh và nhiều nông dân khác trên địa bàn.
Bước khởi đầu
Đây là lần thứ 2 Võ Bảo Sơn vinh dự được tuyên dương về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Năm 2005, anh là một trong 5 cá nhân, tập thể tiêu biểu đại diện cho thanh niên tỉnh Dak Lak tham dự Đại hội thanh niên tiêu biểu làm theo lời Bác toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội. Mới đây, tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, anh vinh dự được Huyện ủy Krông Bông giới thiệu cho tỉnh khen thưởng. Vẫn như 8 năm về trước, với chất giọng Quảng Nam đặc sệt, tính tình cởi mở, anh đã khiến cho những ai gặp mặt đều cảm phục về sự cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, nhất là việc anh đã hoàn tất các thủ tục để thành lập hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp với hy vọng bà con nông dân sẽ được Nhà nước hỗ trợ nhiều hơn trong phát triển sản xuất. Trong căn nhà gỗ xập xệ, anh cùng chúng tôi tìm về những năm tháng khởi nghiệp ở vùng đất Cư K’ty khắc nghiệt. Năm 1988, không thi đỗ đại học, Sơn rời quê hương Thăng Bình (Quảng Nam) vào Krông Bông làm kinh tế với ba mẹ. Đất đai cằn cỗi, hoang vu, phương tiện sản xuất thô sơ không ít lần khiến Sơn chùn bước. Phải mất một thời gian khá dài, Sơn mới thích ứng và gắn bó với đất và người Cư K’ty. Lúc này, 4 sào đất trồng hoa màu của ba mẹ không thỏa chí lớn của chàng thanh niên với khát vọng làm giàu cháy bỏng, anh thường tự hỏi, tại sao nông dân ở đây không thể làm giàu trên chính đồng đất của mình, rồi anh nhận ra, ngoài đất canh tác ít, thiếu vốn, kỹ thuật thì thiếu liên kết trong sản xuất là nguyên nhân để nghèo vẫn hoàn nghèo! Thế là Sơn bắt tay vào khai hoang, mở rộng diện tích đất canh tác, mạnh dạn cải tiến một số khâu sản xuất. Đậu và ngô là 2 loại cây trồng chủ lực được anh chọn để “lấy ngắn nuôi dài”, nhưng phải là ngô lai thì hiệu quả kinh tế mới cao. Liên tục nhiều năm liền, ngô lai đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo của gia đình Sơn và bà con trong xã. Một lần nữa, thực tế sản xuất đặt ra buộc Sơn phải chuyển đổi cây trồng bởi đất đai, nguồn nước không thuận lợi cho sản xuất hoa màu. Sau nhiều lần cân nhắc, Sơn quyết định chọn cây mía.
Anh Võ Bảo Sơn (thứ 3 từ trái qua) đang trao đổi kỹ thuật chăm sóc mía. |
Thành công từ cây mía
Cây mía không xa lạ với gia đình Sơn cũng như nhiều bà con nông dân xã Cư K’Ty, tuy nhiên lâu nay trồng nhỏ lẻ, mỗi hộ khoảng vài sào và tự chế biến thủ công nên hiệu quả kinh tế không cao. Chưa hết, ngày ấy việc liên kết giữa người trồng mía với nhà máy lỏng lẻo, đầu ra không ổn định nên tình trạng “mía đắng” cứ xảy ra như “cơm bữa”! Không ít người trong xã khi thấy Sơn chuyển sang trồng mía cho rằng anh liều, có người đã khuyên anh nên chọn lúa, ngô, nếu không bán được còn có thể trữ lại ăn hoặc làm thức ăn chăn nuôi, bởi trồng mía không bán được, không lẻ ép nước uống trừ bữa! Mặc mọi người xì xầm, Sơn quyết định trồng 4 ha mía. Thật ra để phát triển cây mía, Sơn đã có sự chuẩn bị khá kỹ, trước tiên là chọn giống, nhất định phải thay đổi những giống mía cũ năng suất, chất lượng thấp bằng những giống mới năng suất cao hơn, lại thích nghi với vùng đất của địa phương. Vấn đề chăm sóc, bón phân cho cây mía cũng rất quan trọng, nếu được chăm sóc tốt thì lượng đường tăng lên, càng bán được giá. Lâu nay, nông dân canh tác mía theo phương pháp thủ công, truyền thống từ khâu làm cỏ bón phân, phun thuốc đến thu hoạch nên tốn nhiều công sức, chi phí mà lợi nhuận không cao. Sơn quyết định mày mò nghiên cứu, cải tiến thành công máy làm cỏ cũ để góp phần giải phóng sức lao động cho mình và cho bà con, nhờ vậy, mỗi hộ có thể trồng 4-6 ha mía mà không cần phải kêu công làm cỏ, chi phí giảm 3 lần so với trước. Do đặc thù của cây mía là nếu sản xuất đơn lẻ rất khó thành công, nên Sơn đã vận động, tổ chức các hộ trồng mía thành các đội sản xuất theo hướng chuyên môn hóa: 8 đội bốc xếp mía, 5 đội chặt đốn và khi hết mùa thu hoạch, những nông dân này trở thành những đội bón phân, làm cỏ, phun thuốc. Để đầu ra cho cây mía ổn định, Sơn đứng ra ký kết với Công ty mía đường Dak Nông xây dựng vùng nguyên liệu tại địa bàn huyện và hàng năm bao tiêu cho 108 hộ nông dân trên 10.000 tấn mía nguyên liệu, trị giá khoảng 8 tỷ đồng. Nhờ cải tiến kỹ thuật, tổ chức lại sản xuất... nên đã giúp một số bà con trong xã thoát nghèo bền vững.
Võ Bảo Sơn là nông dân kiểu mẫu của xã Cư K’ty, anh đã gắn kết các hộ trồng mía, xây dựng vùng chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa rộng gần 200 ha, mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống của nhiều hộ gia đình trong xã. Không chỉ giỏi sản xuất anh còn tham gia nhiệt tình công tác xã hội như đóng góp kinh phí tu sửa đường giao thông nội đồng, xây dựng quỹ tình thương để giúp nhau lúc ốm đau hoạn nạn.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc