Huyện M’Drak: Người dân làm giàu từ trồng rừng
Với lợi thế có nhiều kinh nghiệm trồng rừng và tiềm năng để phát triển kinh tế đồi rừng, những năm gần đây, nông dân tại một số xã trên địa bàn huyện M’Drak như: Ea Trang, Cư Króa, Cư Mta, Cư Prao, Ea Riêng… đã mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích trồng rừng tại các vùng đồi núi, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy. Từ phong trào trồng rừng, không ít gia đình đã tìm ra hướng đi mới để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, làm giàu chính đáng.
Sau 5-7 năm, nông dân đã có thể thu hoạch gỗ rừng trồng. |
Trước đây, kinh tế gia đình chị Nguyễn Thị Hà (thôn 19, xã Ea Riêng) chủ yếu dựa vào chăn nuôi nhỏ và trồng các loại cây ngắn ngày như: đậu, ngô… nhưng vì năng suất thấp, giá cả bấp bênh nên đời sống rất khó khăn. Năm 2007, khi trong xã dấy lên phong trào trồng keo, cũng như nhiều hộ nông dân khác, gia đình chị Hà đã mạnh dạn vay mượn để mua 2 ha diện tích đất đồi rừng và chuyển sang trồng keo. Đến nay, sau khi bán 1 ha với giá 60 triệu đồng, thu hoạch trên diện tích còn lại, sau khi trừ chi phí gia đình chị thu lãi gần 50 triệu đồng.
Gia đình Anh Nguyễn Ngọc Hùng (thôn 4, xã Ea Trang) là một trong số hơn 390 hộ nông dân tham gia trồng rừng theo Dự án Phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên (FLITCH) tại huyện M’Drak. Được hỗ trợ kinh phí mua cây giống, phân bón, công chăm sóc trong 3 năm (bình quân mỗi héc-ta là 500 USD), sau khi thu hoạch, gia đình anh Hùng chỉ phải nộp lại 30% số tiền được đầu tư cho UBND xã để phục vụ công tác quản lý và bảo vệ rừng. Đến nay, 2 ha rừng keo năm thứ 4 của gia đình anh cho thu nhập từ 70 – 80 triệu đồng.
Cũng như gia đình chị Hà, anh Hùng, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện M’Drak đang chọn trồng rừng nguyên liệu là hướng đi để phát triển kinh tế gia đình. Theo nhiều người dân cho biết, việc trồng rừng tuy kéo dài thời gian nhưng không phải tốn công chăm sóc và đầu tư nhiều. Mỗi lứa keo sinh trưởng trong thời gian trung bình từ 5 - 7 năm, với tổng chi phí từ 10 – 12 triệu đồng/ha, có thể phát triển đường kính gốc từ 15 – 25cm, cao từ 6 – 8m, cho thu hoạch lên đến 100 ster gỗ và nguyên liệu giấy. Với cách làm này, tính bình quân 1 ha đất đồi núi sau 5 năm có thể mang lại thu nhập cho người trồng rừng từ 35 - 80 triệu đồng (tùy theo vị trí và mật độ cây). Có thể nói, từ việc trồng rừng, hiện nay trên địa bàn huyện ngày càng có nhiều gia đình trở nên khá giả; bên cạnh đó còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giúp nông dân ứng phó trước biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp.
Thu Nguyệt
Ý kiến bạn đọc