Multimedia Đọc Báo in

Làm sao để báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp?

06:00, 22/06/2013

Báo chí và DN có mối quan hệ liên kết chặt chẽ: Đối với báo chí, DN là đối tượng để thông tin, tác nghiệp; với DN, báo chí giữ cầu nối giữa DN với xã hội, người tiêu dùng, kênh cung cấp thông tin, phương tiện quảng bá thương hiệu… Chỉ tiếc rằng, mối quan hệ này chưa được thường xuyên vun đắp, khiến xảy ra những trường hợp “bằng mặt không bằng lòng”…!

 Các nhà báo đang tác nghiệp.   (Ảnh  minh  họa)
Các nhà báo đang tác nghiệp. (Ảnh minh họa)

Có thể khẳng định rằng, quan hệ giữa báo chí và DN có lúc, có nơi chưa được bền chặt, còn khoảng cách xuất phát từ “lỗi” của cả hai phía. Về phía báo chí, đây đó còn những trường hợp tác nghiệp thiếu tinh thần trách nhiệm, thông tin chưa chính xác; đến DN chỉ để đặt vấn đề làm quảng cáo. Nói chuyện về quan hệ báo chí và DN, anh bạn tôi là giám đốc một công ty chuyên sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tuyên bố thẳng thừng: không bao giờ tâm sự thật với báo chí nữa! Việc anh này “ghét” báo chí xuất phát từ câu chuyện cách đây mấy năm, trong một lần tham gia hội chợ triển lãm tại Hà Nội, anh có quen với một số người tự xưng là nhà báo của tạp chí này nọ. Thấy họ quan tâm tìm hiểu đến các sản phẩm của công ty nên anh đã mời họ dùng bữa cơm thân mật để có thời gian trò chuyện. Mấy tháng sau, một trong số các “nhà báo” mà anh đã từng gặp tại hội chợ “lặn lội” vào tận Dak Lak biếu anh mấy cuốn tạp chí có đăng bài viết về công ty, đồng thời đề nghị anh hỗ trợ một phần kinh phí in ấn, xuất bản! “Nói là bài viết về công ty nhưng tôi chỉ nhận ra mỗi cái tên công ty, tất cả nội dung còn lại đều sáo rỗng, chỉ phù hợp với những ai thích tâng bốc. Tôi rất bực mình về kiểu làm ăn của tờ tạp chí trên nhưng cũng đành bấm bụng chi 5 triệu đồng để… khỏi phải gặp họ nữa” - vị giám đốc này tâm sự. Câu chuyện đặt DN vào thế đã rồi như trên cũng chưa phải là nỗi ám ảnh đối với lãnh đạo một số DN bằng việc báo chí mời tham gia quảng cáo. Những năm gần đây, tình trạng “nhà báo dỏm”- cộng tác viên của một số báo, tạp chí chuyên ngành – thường xuyên dùng điện thoại mời các DN tham gia quảng cáo. Không trả lời điện thoại thì mất lịch sự, còn trả lời điện thoại thì mất… thời gian, thậm chí rước bực tức vào thân. Lãnh đạo nhiều DN phàn nàn rằng, trong nhiều trường hợp, các “nhà báo” này còn dọa DN sẽ phải đối diện với điều này, điều nọ nếu từ chối tham gia quảng cáo!

Nói đi cũng phải nói lại, DN cũng có lỗi trong việc khiến cho quan hệ giữa báo chí và DN ngày càng lỏng lẻo. Một lần, tôi và cô bạn đồng nghiệp suýt không giữ được bình tĩnh khi nghe vị giám đốc của một DN nọ phán rằng: báo chí mà làm được gì! Đây là một DN Nhà nước, chuyên sản xuất, kinh doanh cà phê nên chúng tôi có hẹn làm việc với lãnh đạo để tìm hiểu về tình hình tái canh cà phê. Việc đăng ký làm việc với lãnh đạo DN này diễn ra suôn sẻ, chính giám đốc DN vui vẻ hẹn làm việc với chúng tôi. Ấy vậy mà đến buổi làm việc, vừa dứt lời chào nhau, vị giám đốc này đã phán một câu như thế. Ông cho rằng, tái canh cà phê là vấn đề lớn, đã được nhiều cấp, nhiều ngành bàn bạc, xây dựng giải pháp triển khai, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được gốc rễ vấn đề, nên báo chí có “nhảy” vào cũng chẳng làm được gì! Chưa hết, khi chúng tôi vừa xin phép kết thúc buổi làm việc thì vị giám đốc này liền gọi điện thoại cho một ai đó và ra lệnh: “lấy 2 phong bì, bỏ mỗi cái 500.000 đồng mang xuống đây cho tôi!” Đến đây thì quả thật là chúng tôi bị sốc nặng trước thái độ xem thường báo chí của vị giám đốc này. Đây không phải là trường hợp cá biệt, bởi có DN giao hẳn việc “canh gác” báo chí cho bộ phận tổ chức hành chính, ngay lập tức thông báo giám đốc đi vắng khi có nhà báo đến làm việc. Cũng có những trường hợp DN cấm nhân viên cung cấp số điện thoại cá nhân của ban giám đốc cho báo chí… Nhìn chung, tình trạng DN tỏ thái độ không thân thiện với báo chí, thậm chí cực đoan “cấm cửa” báo chí không còn là chuyện hiếm, khiến công luận lo ngại và điều này đã làm vẩn đục mối quan hệ vốn rất cần thiết giữa báo chí và DN.

Có thể nói rằng, mối quan hệ báo chí và DN là sự tương hỗ hai chiều, DN cần báo chí và báo chí cũng cần DN. Báo chí là kênh thông tin quan trọng, cầu nối giúp DN có thêm thông tin về thị trường, đối tác, nhu cầu tiêu dùng xã hội và các chính sách pháp luật của nhà nước; DN cần báo chí để quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình. Ngược lại, báo chí cũng cần DN để có đối tượng phản ánh. Gương các DN có tâm, có tầm đang ngày đêm vượt khó, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, mang lại lợi ích cho cộng đồng, được xã hội tôn vinh… luôn là mảng đề tài phong phú, mang lại nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận cho các nhà báo. Chuyển tải thông tin DN, doanh nhân đến với cộng đồng trong nước và thế giới không chỉ là nhu cầu tự thân, nhiệm vụ chính trị mà còn là sứ mạng cao cả của báo chí vì mục tiêu chung là phát triển đất nước. Nói điều này để thấy rằng, mối quan hệ báo chí – DN được hình thành một cách khách quan, tất yếu, dù muốn hay không vẫn phải gắn kết hữu cơ, thật sự là bạn đồng hành. Do vậy, DN và báo chí không còn cách nào khác là phải nâng cao tầm văn hóa và trí tuệ cho phù hợp với những biến đổi đang diễn ra hàng ngày. Nghĩa là, mỗi nhà báo phải nâng cao trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân và đạo đức nghề nghiệp để thông tin khách quan, trung thực về DN; hết sức cẩn trọng xử lý những thông tin nhạy cảm, liên quan đến lợi ích của DN. Về phía DN, cần coi trọng việc cung cấp thông tin cho báo chí một cách đầy đủ, chính xác và kịp thời; nâng cao ý thức tiếp thu sự phê bình của báo chí. Cùng với đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiêm túc xử lý các trường hợp cản trở báo chí tác nghiệp cũng như tình trạng lợi dụng báo chí để trục lợi… góp phần củng cố, phát triển mối quan hệ hữu cơ, tất yếu và truyền thống của hai lực lượng này.

Lê Ngọc


Ý kiến bạn đọc