Multimedia Đọc Báo in

Một mô hình trang trại nuôi gà đẻ trứng hiệu quả

09:46, 18/06/2013

Rộng khoảng 3 ha với tường rào bao quanh từ trước ra sau; có hệ thống nhà nuôi gà nối với nhau; có xưởng chế biến thức ăn, lò ấp; những ngôi nhà cấp 4 dành cho công nhân ở và sinh hoạt… là những điều kiện không phải trang trại chăn nuôi nào cũng đạt được như của trang trại nuôi gà đẻ trứng Trường Giang (thôn Đoàn Kết, xã Ea Tyh, huyện Ea Kar).

Công nhân trang trại thu trứng.
Công nhân trang trại thu trứng

Với hệ thống các dãy nhà được làm khép kín, gà nuôi trong lồng bằng kẽm, không tiếp xúc với mặt đất để tránh các mầm gây bệnh dịch; mùa hè có quạt mát, mùa đông có lò sưởi ấm cùng với sự áp dụng khoa học kỹ thuật, tiêm phòng dịch đầy đủ… nên hiện nay tỉ lệ gà nuôi lớn và cho sinh sản tại trang trại đạt hơn 95%, năng suất gà đẻ trứng dao động từ 90-94%.

Anh Đặng Văn Công (43 tuổi, quê ở Thanh Hóa) công nhân trại gà Trường Giang cho biết: Trang trại gà có 20 công nhân, hầu hết là những cặp vợ chồng từ các tỉnh phía Bắc được người quen giới thiệu vào làm việc. Anh Công đảm nhiệm một nhà gà 4.000 con và công việc hằng ngày của anh bắt đầu từ 5 giờ sáng đi nhặt trứng (mỗi ngày anh nhặt hơn 3.800 quả), sau đó cho thức ăn, nước uống và quét dọn phân gà. Mỗi tháng anh Công nhận được 3 triệu đồng và sẽ được tăng lương theo các năm…

Ông Nguyễn Văn Lâm (57 tuổi, quê ở Hà Tĩnh) cũng là công nhân của trại gà chia sẻ: “Tôi cùng vợ và con trai đều làm ở trang trại này được 4 năm rồi. Tôi làm bảo vệ, còn vợ và con trai thì mỗi người phụ trách chăm sóc một nhà gà 4.000 con. Công việc cũng khá vất vả, quanh quẩn trong trại gà nhưng đổi lại cuộc sống của gia đình ổn định. Cả gia đình tôi có 3 công trong trang trại, nhưng hằng tháng chỉ ứng khoảng hơn 1 triệu đồng để ăn uống và sinh hoạt; số còn lại sẽ được chi trả hết vào cuối năm. Năm vừa rồi gia đình tôi được nhận gần 100 triệu đồng…”.

Anh Đặng Trường Giang, chủ trang trại cho biết: “Trại gà Trường Giang xây dựng vào năm 2004, với số vốn đầu tư gần 1 tỷ đồng. Thời gian đầu trang trại chỉ nuôi 4.000 con gà siêu đẻ trứng; đến năm 2013 trại gà đã có 14 nhà gà, nuôi 65.000 con trong lồng kẽm, mỗi ngày trại xuất bán 47.000 quả trứng và 6 tấn phân gà trộn bã trấu cho các lái buôn trong và ngoài tỉnh, thu về khoảng 40 triệu đồng/ngày. Gà giống bắt đầu cho lên lồng nuôi, sau 2 tháng sẽ đẻ trứng liên tục trong vòng 15 tháng và đẻ thưa dần trong những ngày tiếp theo; lúc đó gà đã hết năng suất, đem bán lấy thịt cho các lái buôn với giá 60.000 đồng/kg. Ngoài ra trang trại còn cung cấp con giống, thức ăn, thuốc thú y và tư vấn kỹ thuật chăn nuôi gà cho các hộ dân nuôi gà nhỏ lẻ của huyện và nhiều nơi trong tỉnh”.

 Quang Vinh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.