Multimedia Đọc Báo in

NHÂN ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN CƯ KUIN LẦN THỨ II (NHIỆM KỲ 2013-2015)

Bước chuyển... Cư Kuin

09:06, 19/06/2013

Xuất phát điểm khó khăn, thiếu thốn đủ bề nhưng Cư Kuin đã nỗ lực vượt bậc trong việc tranh thủ sự hỗ trợ, đầu tư của Trung ương, tỉnh cũng như phát huy thế mạnh, tiềm năng sẵn có để phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

Từ những nỗ lực...

Ngay từ ngày đầu thành lập, Đảng bộ huyện Cư Kuin đã tập trung lãnh đạo tăng cường công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, trong đó thực hiện tốt việc tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Công tác tuyên truyền hướng vào trọng tâm thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, phổ biến gương điển hình tiên tiến; đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc, trái với quan điểm, đường lối của Đảng; các hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội; nâng cao cảnh giác và đấu tranh chống âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Qua đó đã phát huy sức mạnh của toàn Đảng bộ, sự đồng thuận trong nhân dân; củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào công cuộc đổi mới và sự lãnh đạo của Đảng; ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ I (nhiệm kỳ 2008-2013). Phương thức lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện từng bước được đổi mới, khoa học, sâu sát cơ sở, trong đó, phân công các đồng chí Huyện ủy viên hàng tháng về tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, buôn, vừa nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, vừa kịp thời tháo gỡ những khó khăn, giải quyết các vấn đề phát sinh tại cơ sở.

Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn đã được kiên cố hóa, góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy phát triển sản xuất.
Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn đã được kiên cố hóa, góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy phát triển sản xuất.

Công tác xây dựng chính quyền các cấp được quan tâm, quản lý Nhà nước ngày càng hiệu quả, bộ máy của HĐND, UBND từ huyện đến xã đi vào hoạt động có nền nếp, chất lượng phục vụ nhân dân ngày một tăng lên tạo tiền đề để Cư Kuin đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở theo hướng “vì nhân dân phục vụ” thông qua việc triển khai sâu rộng quy chế dân chủ ở cơ sở trên 100% xã và các cơ quan đơn vị, đặc biệt là Pháp lệnh số 34/2007-UBTVQH (thực hiện quy định dân chủ ở xã, phường, thị trấn). Các cơ quan Nhà nước đã triển khai đồng bộ chương trình cải cách hành chính, 100% số xã có phòng làm việc “một cửa”, tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu đối với công dân giảm rõ rệt…

... đến bước phát triển ấn tượng

Với những nỗ lực trên, nhiệm kỳ qua, Cư Kuin luôn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm 12,2% (Nghị quyết tăng từ 12%-13%); tổng vốn đầu tư toàn xã hội  giai đoạn 2008-2013 đạt 2.167 tỷ đồng (vượt 1,87 lần so với Nghị quyết). Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được chú trọng đầu tư xây dựng, trong đó tập trung phát triển các công trình thủy lợi, đáp ứng 76% nhu cầu tưới. Hệ thống giao thông được mở rộng, cải tạo và nâng cấp các tuyến đường cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân. Mạng lưới thông tin, truyền thông tiếp tục được đầu tư, mở rộng đến nông thôn, 100% số thôn, buôn có điện lưới quốc gia và 99,5% số hộ dùng điện (đạt 100% so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra); hệ thống giáo dục, y tế cũng từng bước phát triển, hiện Cư Kuin có 16/53 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ hơn 30% tổng số trường. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều chuyển biến, nhất là mạng lưới y tế cơ sở từng bước được đầu tư, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân… Nhiệm kỳ qua, toàn huyện đã phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 13,5%, vượt 0,15% kế hoạch.

Bí thư Đảng ủy xã Ea Ning (bìa phải) thăm mô hình sản xuất cà phê,  hồ tiêu của hộ dân trên địa bàn.
Bí thư Đảng ủy xã Ea Ning (bìa phải) thăm mô hình sản xuất cà phê, hồ tiêu của hộ dân trên địa bàn.

Mặc dù vậy, Ban chấp hành Đảng bộ huyện vẫn nghiêm túc nhìn nhận, kinh tế trên địa bàn phát triển nhưng chưa bền vững, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm, quy mô các cơ sở Tiểu thủ công nghiệp chưa thực sự tương xứng với tiềm năng lợi thế; chất lượng các loại hình dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân, nhất là tài chính ngân hàng, dịch vụ công cộng. Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi vào nhà trẻ, lớp mẫu giáo chưa cao, trình độ chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ không đồng đều, một số chưa thực sự gắn trách nhiệm của người thầy thuốc với bệnh nhân… Để khắc phục những hạn chế trên, trong nhiệm kỳ tới, Cư Kuin đặt ra mục tiêu huy động và sử dụng tốt các nguồn lực để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển nông nghiệp và nông thôn. Phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCS đảng và đảng viên; xây dựng Đảng bộ vững mạnh về mọi mặt, đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Một số chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ 2013-2015: phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm từ 12-13%; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 đạt khoảng 26,39 triệu đồng/người/năm. Đến năm 2015 bảo đảm tưới tiêu chủ động cho 77% diện tích cây trồng, nhựa hóa 100% đường đến trung tâm xã, 100% số thôn, buôn có điện, tỷ lệ số hộ dùng điện đạt 99,7%, nâng độ che phủ của rừng đạt 6%. Tăng thu ngân sách bình quân năm sau cao hơn năm trước khoảng 9% và đến năm 2015 dự kiến thu ngân sách trên địa bàn 140 tỷ đồng. Vốn đầu tư toàn xã hội bình quân/năm giai đoạn 2013-2015 dự kiến trên 400 tỷ đồng.

Ngọc Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.