Nhận diện nông thôn mới
Với mục tiêu đến năm 2015 Dak Lak có 26 xã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới (NTM) với các nội dung quan trọng như: bộ mặt NTM của tỉnh có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, từng bước hiện đại, gắn phương thức sản xuất nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ nhằm thúc đẩy mạnh, nhanh và bền vững cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sau hơn 2 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM tuy đối mặt với nhiều thách thức, nhưng cũng đã tạo động lực mạnh mẽ cho 152 xã vươn dậy khoác lên mình chiếc áo mới để tiến gần hơn với thành thị.
Kỳ I: Đổi thay từ những buôn làng
Sau hơn 2 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới (XDNTM), diện mạo ở những vùng quê đã thật sự khởi sắc. Đi khắp các địa phương, sẽ dễ dàng chứng kiến nhiều buôn làng đã "thay da đổi thịt", nhiều con đường, trường học được xây dựng bằng sự đầu tư của Nhà nước và đóng góp của người dân, nhiều nông dân đã vươn lên làm giàu...
Nhiều giống lúa năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất góp phần cải thiện đời sống nông dân. Ảnh: Thuận Nguyễn |
Những con số ấn tượng
Mặc dù, Chương trình XDNTM được thực hiện trong thời điểm kinh tế thế giới và trong nước đang đối mặt với nhiều khó khăn nên nguồn vốn bố trí từ Trung ương đến địa phương còn hạn chế, chưa tương xứng với mục tiêu chương trình đề ra, nhiều nội dung triển khai chậm… Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận hiệu quả mà chương trình mang lại, đã tạo được không khí thi đua sôi nổi ở hầu khắp thôn, buôn, làng xã; nhà nhà hiến đất, hiến công, góp tiền… để làm đường, trường học. Tính đến tháng 5-2013, các địa phương trong tỉnh đã huy động sức dân làm mới được 34 km đường bê-tông, sửa chữa trên 47 km đường giao thông thôn, xóm; san ủi 2 sân bóng đá, làm mới 1,6 km kênh mương nội đồng, sửa chữa 16 đập thủy lợi nhỏ phục vụ sản xuất; xây dựng 7 nhà văn hóa thôn, buôn… Các hộ dân trên địa bàn tỉnh còn hiến hơn 80.000 m2 đất để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các vùng nông thôn; tổng số tiền đóng góp của người dân trên 21 tỷ đồng và hơn 8.000 ngày công lao động. Đặc biệt, nhiều địa phương có mức đóng góp của dân để làm đường giao thông cao hơn Nhà nước, điển hình như xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, các hộ dân đã tự tổ chức đổ cấp phối 594 m3 đá dăm trên đoạn đường liên thôn dài 1,7 km từ thôn 11 sang thôn 6 và 0,7 km nội thôn 9 với kinh phí 88 triệu đồng, trong đó, hỗ trợ của UBND xã là 13 triệu đồng, còn lại là do dân đóng góp. Tại buôn Jù, xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) đã làm được 260 m đường bê tông, với kinh phí 130 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 85%, xã hỗ trợ 15% kinh phí. Bà con xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana tự tổ chức làm 3 km đường cấp phối và hiến hơn 9.000 m2 làm đường bê tông với chiều dài 1,1km, trong đó UBND xã hỗ trợ xi măng, nhân dân đóng góp 200 triệu đồng và ngày công…
Bên cạnh việc tập trung xây dựng hạ tầng thiết yếu, việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân cũng được quan tâm. Hiện toàn tỉnh có 17 đề án và 346 mô hình phát triển sản xuất đang được triển khai, chủ yếu là về phát triển cà phê bền vững, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, sản xuất rau an toàn, các mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật… Ngoài ra, ở các lĩnh vực an ninh, giáo dục cũng được lồng ghép nhiều chương trình, dự án của các ngành để tiếp sức cho các xã hoàn thành các tiêu chí về nông thôn mới.
Khởi sắc diện mạo nông thôn
Đến xã Cư Dliê Mnông, huyện Cư M'gar vào ban đêm, nhiều người bất ngờ bởi nhiều tuyến đường tại đây đều rực sáng ánh đèn không khác gì đường đô thị. Điều đáng nói là hệ thống đèn đường này được đầu tư xây dựng bằng nguồn đóng góp của người dân địa phương. Trước đây, cũng như nhiều vùng nông thôn khác, vào ban đêm, làng trên xóm dưới tối om vì không có điện đường. Bởi vậy, gia đình nào cũng chỉ biết quanh quẩn trong nhà, rất ít khi ra đường, an ninh trật tự, tai nạn giao thông diễn biến khá phức tạp. Trước tình trạng này, nhiều khu dân cư ở Cư Dliê Mnông đã mạnh dạn bỏ tiền kéo điện chiếu sáng. Thôn 1 là một trong những địa bàn tiên phong trong phong trào kéo điện đường khi 94 hộ gia đình sinh sống 2 bên tuyến đường chính qua thôn đã đóng góp tiền kéo dây điện và lắp bóng đèn với chiều dài gần 1 km (trung bình khoảng 40 m được lắp một bóng đèn), mỗi hộ đã đóng góp từ 200 đến 300 ngàn đồng để mua dây điện và bóng đèn. Còn đối với những đoạn đường có ít hộ dân thì việc kéo dây rất tốn kém, một số hộ đã đóng góp gần 1 triệu đồng mới có điện đường chiếu sáng. Mỗi tối, những bóng đèn điện này được thắp sáng từ 18 giờ 30 đến 21 giờ. Đặc biệt, khi vào mùa thu hoạch, hay khi trong thôn có việc hiếu, hỉ thì điện đường để sáng cả đêm. Ông Trần Hùng Mạnh – một người dân trong thôn cho biết: “Từ 3 năm nay, nhờ có điện đường nên tình trạng trộm cắp hoặc va chạm giao thông giảm hẳn, các gia đình có thể đi chơi nhà hàng xóm mà không phải dùng đèn pin”. Tương tự, nhiều năm nay bằng tiền đóng góp của người dân, tuyến đường chính của thôn 2 đêm nào cũng sáng đèn và trở nên nhộn nhịp, đông vui hơn. Nguồn kinh phí trả tiền điện hàng tháng cũng đều do nhân dân đóng góp. Phong trào kéo điện đường ở đây đã nhanh chóng được người dân hưởng ứng mạnh mẽ, đến nay toàn xã có 4 thôn có đèn đường, và dự kiến thời gian tới địa phương sẽ triển khai cho các thôn buôn nhân rộng ra 16/16 thôn, buôn trên địa bàn. Ông Nguyễn Đình Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Dliê Mnông cho hay, nhờ có đèn đường mà tình hình an ninh trật tự tại địa phương không còn phức tạp, đường làng ngõ xóm sáng sủa đã làm thay đổi diện mạo nông thôn ở địa phương.
Diện mạo nông thôn mới xã Cư Dliê Mnông có nhiều khởi sắc. Ảnh: Trung Dũng |
Trong khi đó, là 1 trong 2 xã điểm NTM của huyện Cư Kuin, sau hơn 2 năm triển khai chương trình này, tình hình kinh tế - xã hội của xã Ea Tiêu đã có những chuyển biến tích cực. Thông qua việc chuyển đổi các mô hình sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống mới vào sản xuất nên thu nhập của người dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo năm 2013 giảm còn gần 11,7% so với 16% cuối năm 2010; hàng chục km đường và nhiều công trình thủy lợi được xây dụng phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Đi trên tuyến đường chính của buôn Tiêu dài 2 km mới được xây dựng bằng diện tích đất và ngày công của bà con trong buôn, anh Y Min Byă phấn khởi : "Trước đây những con đường này lầy lội lắm, nay được làm mới rộng, đẹp, đi lại dễ dàng nên bà con rất yên tâm khi vào mùa mưa".
Theo Ban chỉ đạo XDNTM của tỉnh, từ đầu năm đến nay, nguồn vốn đầu tư cho XDNTM là hơn 25 tỷ đồng, trong đó vốn để quy hoạch 5,7 tỷ đồng, tập huấn, đào tạo hơn 1 tỷ đồng, hoạt động của BCĐ tỉnh, huyện 2,4 tỷ đồng, vốn hỗ trợ sản xuất gần 2,3 tỷ đồng và vốn đầu tư phát triển cho 4 xã điểm gần 13,8 tỷ đồng.
Minh Thông – Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc