Multimedia Đọc Báo in

Những chuyển biến trong hoạt động khuyến công

09:47, 18/06/2013

Những năm qua, với việc triển khai nhiều mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề…,  chương trình khuyến công đã mang lại hiệu quả thiết thực góp phần hỗ trợ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại địa phương.

Bàn giao máy sấy nông sản cho tổ hợp tác buôn M’liă, xã Ea Trang (M’Drak) trong khuôn khổ chương trình khuyến công.
Bàn giao máy sấy nông sản cho tổ hợp tác buôn M’liă, xã Ea Trang (M’Drak) trong khuôn khổ chương trình khuyến công.

Công tác đào tạo nghề là một trong những nội dung quan trọng của hoạt động khuyến công trong những năm qua. Việc liên kết với các cơ sở đào tạo nghề mở các lớp dạy nghề cho thanh niên nông thôn: sửa chữa máy nông cơ, dệt thổ cẩm, mây tre đan, điêu khắc gỗ… đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giải quyết việc làm, thúc đẩy sự phát triển của ngành tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Những lớp học mở ra đều được sự ủng hộ và tham gia của đông đảo học viên, với ý thức học tập nghiêm túc. Đơn cử như lớp đào tạo nghề chạm trổ khảm trai tại cơ sở mộc Quốc Khánh, xã Cư Ni (Ea Kar) đã tạo điều kiện cho hơn 20 học viên nâng cao tay nghề, tạo công ăn việc làm cho thanh niên địa phương, đồng thời khôi phục và phát triển nghề mỹ nghệ truyền thống. Anh Xuân Hiệp ở thôn 3, xã Ea Kmut, huyện Ea Kar, một trong 24 học viên từng tham gia lớp đào tạo nghề gỗ mỹ nghệ được Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương) hỗ trợ tổ chức tại huyện Ea Kar vào tháng 10-2010 cho biết: sau 6 tháng tham gia khóa đào tạo, tay nghề của Hiệp đã trở nên điêu luyện hơn, chạm khắc được nhiều hoa văn phức tạp. Thu nhập từ nghề mang lại cho Hiệp ổn định 6 triệu đồng/tháng.

Công tác khuyến công ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc góp phần phát triển công nghiệp địa phương. Trong 5 năm (2008 - 2012), nguồn hỗ trợ từ khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương của Dak Lak đạt trên 7 tỷ đồng; huy động được hơn 24 tỷ đồng để đầu tư vào sản xuất CN-TTCN. Các cơ sở CN-TTCN phát triển đều gắn liền với vùng nguyên liệu, góp phần làm giảm chi phí, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Cụ thể, từ nguồn kinh phí khuyến công đã hỗ trợ cho 2.289 lao động nông thôn có nghề và việc làm, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động khuyến công đã hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở tiếp cận, nâng cao trình độ công nghệ, tay nghề trong lao động, trình độ quản lý và khả năng tiếp cận các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước, tín dụng, mặt bằng sản xuất… Các hoạt động khuyến công và tư vấn thời gian qua bước đầu đã tác động tích cực đến phát triển KT-XH nói chung, phát triển CN -TTCN của tỉnh nói riêng. Trong năm 2013, Trung tâm Khuyến công tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện các đề án hỗ trợ phát triển CN - TTCN: đào tạo may công nghiệp với kinh phí hỗ trợ 755 triệu; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất tổng kinh phí 850 triệu; mở 3 lớp tập huấn với kinh phí 160 triệu đồng; xây dựng 3 mô hình trình diễn kỹ thuật và 3 lớp đào tạo chuyển giao công nghệ giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản với kinh phí 450 triệu đồng…

Có thể khẳng định, hoạt động khuyến công đang góp phần mang lại nhiều chuyển biến trong bức tranh kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn, nhiều làng nghề truyền thống của địa phương được khôi phục và phát triển. Các xã nông thôn vùng khó khăn bước đầu hình thành nhiều cơ sở CN-TTCN, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, việc triển khai công tác khuyến công vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Để khuyến công đi vào chiều sâu, góp phần tích cực hơn nữa trong phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn thì công tác đào tạo nghề lao động nông thôn, nhất là đào tạo nghề cần hướng đến đầu tư chất lượng, chuyên sâu. Bên cạnh đó, để phát huy tối đa hiệu quả công tác khuyến công, việc hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, tư vấn, cung cấp thông tin… cần tạo mối gắn kết bền vững trong liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế. Đồng thời cần sự “kết nối”  thường xuyên hơn giữa Trung tâm với chính quyền cơ sở cũng như đơn vị thụ hưởng để nâng cao hiệu quả của các mô hình sau chuyển giao.

 Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.