Multimedia Đọc Báo in

Ra quân xử lý xe quá tải

10:22, 24/06/2013

Từ lâu, xe tải được xem là “hung thần” làm hư hỏng, giảm tuổi thọ của các công trình giao thông và là tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, công tác xử lý chưa triệt để nên “hung thần” vẫn ngang nhiên vi phạm, vì vậy, việc ngăn chặn xe quá khổ quá tải trở nên cấp bách đối với các địa phương.

“Hung thần” của các công trình giao thông

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có rất nhiều công trình giao thông đã và đang xuống cấp nghiêm trọng, gây khó khăn trong việc đi lại của người dân. Nhiều đoạn đường bị băm nát, xuất hiện dày đặc các ổ gà, ổ voi hoặc lún sâu, mỗi khi mưa xuống những đoạn này biến thành ao nước, khiến mặt đường bị chia cắt. Trong đó phải kể đến một số tuyến như QL14, QL26, QL27, tỉnh lộ (TL)1; TL2…. là những tuyến có lưu lượng xe tải lưu thông với tần suất lớn, đặc biệt là các xe chở vật liệu xây dựng, hàng hóa, nông sản. Đây là các tuyến đường huyết mạch, là cầu nối thúc đẩy giao thương hàng hóa, đặc sản giữa các tỉnh Tây Nguyên và các vùng kinh tế trọng điểm miền Đông Nam Bộ, khu vực duyên hải Trung Bộ và TP.Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, một số công trình cầu nằm trên các tuyến đường chính như cầu Krông K’mar - tỉnh lộ 12 (Krông Bông), cầu Ea Sô – nối QL26 (Ea Kar) và cầu Ea Súp – TL1 (Ea Súp), hằng ngày phải gồng mình chống chịu với xe quá khổ quá tải. Mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát để hạn chế tình trạng xe quá tải, nhưng chỉ cần vắng bóng lực lượng chức năng là “hung thần” lại tranh thủ “cày xới” trên các con đường. Chẳng hạn như trên cầu Ea Sô, mặc dù Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã cắm biển báo cầu yếu, chỉ cho phép ô tô có tải trọng 5 tấn lưu thông, nhưng vào buổi tối, có rất nhiều xe tải hạng nặng, từ 15 tấn trở lên qua lại trên cầu. Được biết, để bảo đảm việc đi lại cho người dân địa phương, hàng năm cơ quan chức năng phải tốn hàng trăm triệu đồng để tu bổ, sửa chữa cầu. Không chỉ các tuyến đường lớn mới bị “hung thần” băm nát, mà ngay cả các tuyến đường liên thôn, liên xã, nội đồng cũng cùng chung cảnh ngộ. Đơn cử như đường liên xã Ea Uy - Ea Yiêng (huyện Krông Pak), đoạn ngã ba Ea Lê – Cư K’bang (huyện Ea Súp)… hàng ngày có đến hàng trăm lượt xe tải chở cát, gạch ngói, gỗ, lúa, mì qua lại, khiến mặt đường bị biến dạng hoàn toàn.

Đoàn kiểm tra liên ngành cân xe tải trên Quốc lộ 14,  đoạn phía Nam TP. Buôn Ma Thuột.
Đoàn kiểm tra liên ngành cân xe tải trên Quốc lộ 14, đoạn phía Nam TP. Buôn Ma Thuột.

Mạnh tay với xe quá tải

Để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kịp thời ngăn chặn tình trạng xe ô tô chở hàng quá khổ, quá tải trọng quy định nhằm góp phần kiềm chế, giảm tai nạn và kéo dài tuổi thọ các công trình giao thông, từ đầu tháng 6 đến cuối năm 2013, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh gồm Thanh tra Sở GTVT, Công an tỉnh và Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hộ sẽ tiến hành thanh kiểm tra trên các tuyến QL14, QL26, QL27 và TL2. Theo đó, QL14 được chọn thí điểm thực hiện kế hoạch của đoàn liên ngành. Theo ghi nhận của phóng viên, trong ngày đầu (4-6) ra quân xử lý xe chở hàng, hầu hết số xe được kiểm tra đều chở quá tải trọng cho phép. Cụ thể, đoàn đã tiến hành cân 15 xe tải thì có đến 13 trường hợp vi phạm về chở quá tải trọng. Tuy nhiên, vào ngày thứ 2, theo nhận định của đoàn kiểm tra đã xuất hiện tình trạng được cho rằng các doanh nghiệp, chủ xe cố tình né tránh trạm cân, hàng loạt xe tải đậu bất thường dọc QL14 (tình trạng này từ trước đến nay chưa có). Do vậy, trong ngày thứ 2 cân xe quá tải, lực lượng chức năng chỉ tiến hành kiểm tra, lập biên bản được 6 trường hợp. Theo số liệu tổng hợp, trong 4 ngày (từ 4 đến 7-6) đoàn đã tiến hành kiểm tra 44 trường hợp, trong đó có 36 trường hợp xe chở quá khổ quá tải trọng cho phép, riêng xe vượt tải trọng trên 20%, chiếm tới 29 xe. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã buộc 31 trường hợp phải về nơi nhận hàng để hạ tải, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ 31 triệu đồng và tước Giấy phép lái xe của 5 tài xế trong thời hạn 60 ngày. Ngoài xử phạt, đoàn còn phối hợp tuyên truyền, giải thích để tài xế và chủ xe hiểu rõ, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về lĩnh vực giao thông vận tải, đặc biệt việc chấp hành Công điện số 95/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 254/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT về việc chấn chỉnh tình trạng phương tiện vận tải đường bộ chở hàng quá trọng tải cho phép .

Theo ông Lê Công Chức, Chánh thanh tra sở GTVT, công tác thanh kiểm tra gặp không ít khó khăn do lượng xe tải nhiều, trong khi đó lực lượng làm nhiệm vụ quá mỏng nên không thể kiểm tra tất cả các xe khi đi qua trạm cân. Theo đó, xảy ra tình trạng chủ xe và tài xế biết được thông tin đoàn kiểm tra địa điểm nào sẽ cố tình né tránh, đi đường vòng để không bị lực lượng chức năng “thổi còi”. Bên cạnh đó, việc thiếu phương tiện hỗ trợ hạ tải, ngoài vấn đề gây khó cho đoàn kiểm tra cũng gây không ít phiền toái trong việc hạ tải của chủ xe, đặc biệt đối với những trường hợp ở tỉnh khác như Dak Nông, Bình Phước, TP.Hồ Chí Minh khi đi qua địa bàn Dak Lak...

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc