Multimedia Đọc Báo in

Sản xuất - kinh doanh rau an toàn ở huyện Ea Kar: “Vướng” từ vườn đến... chợ!

21:16, 01/06/2013

Không chỉ gặp khó khăn do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, người sản xuất, kinh doanh rau an toàn trên địa bàn huyện Ea Kar còn “vướng” ở nhiều khâu: tổ chức sản xuất, kỹ thuật canh tác, kinh nghiệm quản lý, sơ chế, bảo quản, tiêu thụ rau… Nếu không có sự vào cuộc gỡ khó của các cấp, ngành thì người chịu thiệt không ai khác chính là nông dân và người tiêu dùng.

Thành viên Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn thôn 11 giới thiệu quy trình sản xuất cà tím xuất khẩu theo tiêu chuẩn VietGap.
Thành viên Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn thôn 11 giới thiệu quy trình sản xuất cà tím xuất khẩu theo tiêu chuẩn VietGap.

Cái khó bó cái khôn

Gia đình anh Phạm Văn Tạc ở thôn 11 (xã Ea Ô) có 2 sào đất trồng các loại rau như: dưa leo, cà pháo, ớt, bầu, bí…, mỗi năm trừ chi phí đầu tư cũng thu lãi khoảng 40 triệu đồng. Tháng 6-2012 khi Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn thôn 11, xã Ea Ô thành lập, gia đình anh cùng 14 hộ sản xuất rau trên địa bàn quyết định tham gia. Anh Tạc cho biết: “Vào tổ hợp tác, các hộ được chuyển giao khoa học - kỹ thuật, biết cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, chú trọng bón phân vi sinh, cải tạo đất góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, hạn chế ô nhiễm môi trường”. Để đạt được các mục tiêu trên, các xã viên tổ hợp tác cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế rau… bảo đảm an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Đây là vấn đề không đơn giản bởi bên cạnh việc đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất rau an toàn thì công tác duy trì các điều kiện đảm bảo sản xuất rau an toàn được kiểm soát thường xuyên bằng các biện pháp ngăn chặn những mối nguy ngay trong từng công đoạn của quá trình sản xuất. Chính việc vận hành theo quy trình liên tục, tổ chức sản xuất chặt chẽ, ghi chép, lưu giữ hồ sơ đầy đủ sẽ giúp việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thuận lợi hơn, bảo đảm được quyền lợi của người sản xuất và tiêu dùng.

Cái lợi của việc sản xuất rau an toàn đã thấy rõ nhưng việc triển khai đang “vướng” ở nhiều khâu. Đơn cử như gia đình anh Tạc, mặc dù đã gắn bó với nghề trồng rau lâu năm nhưng chủ yếu làm theo kinh nghiệm. Từ khi tham gia tổ hợp tác và áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn, anh gặp nhiều khó khăn từ xử lý đất, lựa chọn giống, phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm nguồn nước tưới hợp vệ sinh đến khâu thu hoạch, sơ chế, bảo quản. Do vậy, ngoài việc tích cực học hỏi kinh nghiệm, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, gia đình anh phải tăng cường thêm nhân lực và vốn đầu tư. Mặc dù chi phí sản xuất rau an toàn cao hơn gấp 2-3 lần so với rau thông thường nhưng việc tiêu thụ đang “bí” vì chưa có đầu ra ổn định, chủ yếu cung cấp cho người dân trong vùng nên nếu bán giá cao sẽ không cạnh tranh được với các loại rau không rõ nguồn gốc khác. Vì vậy, các xã viên chấp nhận “lấy công làm lời” để có thể tiếp tục theo đuổi sản xuất. Theo anh Nguyễn Trọng Độ, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn thôn 11 thì sau 1 năm tham gia quy trình sản xuất rau an toàn, hầu hết các hộ đã thực hành được các tiêu chuẩn, tiêu chí của VietGap nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay ngoài vấn đề đầu ra của sản phẩm thì chi phí kiểm định mẫu đất, nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, địa bàn đủ điều kiện để được cấp chứng nhận sản xuất, sơ chế rau an toàn là khá cao (22 triệu đồng/sào), vượt quá khả năng của nhiều hộ. Do vậy, đến nay trong số 10 hộ của Tổ hợp tác, mới chỉ có gia đình anh Độ được cấp Chứng nhận VietGap cho 1 sào rau trồng trong nhà lưới.

Gỡ khó từ đâu?

Huyện Ea Kar có 1.572 ha rau với sản lượng trên 35.680 tấn/năm, chủ yếu cung cấp cho người dân trên địa bàn và một số vùng lân cận. Đến cuối năm 2012, toàn huyện mới chỉ có 90 hộ được cấp giấy Chứng nhận VietGap với diện tích gần 5,2 ha cho 3 loại rau: cải ngọt, cải xanh, xà lách, chủ yếu tập trung ở Hợp tác xã Ninh Thanh 1 (xã Ea Kmút). Nếu làm tốt với hệ số quay vòng của đất là 5 thì diện tích trồng rau an toàn trong năm 2013 cũng chỉ đạt 26 ha (chiếm 1,65%). Diện tích sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap tại huyện Ea Kar còn ít là do: phần lớn diện tích sản xuất manh mún, nhỏ lẻ (trung bình chưa đến 1 sào/hộ) nhưng lại trồng nhiều loại rau để vừa giảm rủi ro vừa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nên đã gây khó khăn cho hoạt động quản lý, kiểm tra, đánh giá và chứng nhận. Thêm vào đó, nông dân trồng rau phần lớn là hộ nghèo, trình độ hạn chế, chủ yếu làm theo kinh nghiệm lại thiếu vốn, kinh nghiệm quản lý nên khó nắm bắt, tuân thủ, tổ chức sản xuất theo quy trình VietGap. Các tác nhân lưu thông gồm hợp tác xã, doanh nghiệp, người buôn bán, hệ thống siêu thị… không chỉ thiếu công cụ, kỹ năng quản lý chất lượng mà còn yếu cả chi phí đầu tư xây dựng cơ sở thu mua, sơ chế, đóng gói, phương tiện vận chuyển, địa điểm bán hàng đạt chuẩn theo quy định của Nhà nước. Nhưng trở ngại lớn nhất là đầu ra của sản phẩm khó đến được tay người tiêu dùng do thiếu quảng bá, hạn chế về thông tin. Do đó, giá trị của rau an toàn hầu như bị đánh đồng với các sản phẩm rau thông thường khác.

Để gỡ khó cho việc sản xuất rau an toàn, ông Hồ Tấn Cư, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Ea Kar cho rằng, các cấp, ngành, địa phương quan tâm, hỗ trợ thêm kinh phí cho chương trình sản xuất rau an toàn, quy hoạch xây dựng chợ đầu mối rau an toàn trên địa bàn nhằm tăng cường kiểm soát nguồn gốc, chất lượng rau trước khi lưu thông, tạo thuận lợi cho việc buôn bán, trao đổi sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng nhà sơ chế, bể chứa chất thải vật tư nông nghiệp, phí chứng nhận sản phẩm, tăng cường tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Và quan trọng hơn là nghiên cứu, đa dạng hóa các loại hình chứng nhận rau an toàn phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất manh mún, nhỏ lẻ hiện nay.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc