Multimedia Đọc Báo in

Sức sống mới trên cánh đồng lúa nước

06:06, 22/06/2013

Là thủ phủ cà phê, nhưng Dak Lak vẫn không thiếu những cánh đồng lúa trù phú, “thẳng cánh cò bay”, góp phần đem lại cuộc sống no ấm cho nhiều nông dân. Để nâng tầm giá trị hạt gạo, trình độ canh tác nhằm giúp nông dân hướng đến thực hành nông nghiệp tốt, cánh đồng mẫu lúa nước ra đời đã tạo nên sức sống mới trên từng thửa ruộng.

Nâng tầm nông dân

Tiếp nối thành công của cánh đồng mẫu lúa nước Tân Hưng ở xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột), cánh đồng mẫu lúa nước xã Ea Ô, huyện Ea Kar cũng đã góp phần mang lại hiệu quả lớn về quy mô lẫn chất lượng sản phẩm. Với diện tích 15 ha, sạ cùng một giống lúa HT1, gồm 72 hộ tham gia, cánh đồng mẫu lúa nước Ea Ô cũng với mục tiêu giúp nông dân thực hiện tốt việc ứng dụng khoa học kỹ thuật một cách đồng bộ, hiệu quả trên cùng một diện tích lớn; tăng năng suất, chất lượng, xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap; tạo mối liên kết 4 nhà và bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng… Sau hơn 4 tháng triển khai, hiệu quả mang lại ngoài sự mong đợi của những người tham gia. Ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết: trước khi làm mô hình, 72 hộ nông dân rất lo lắng, thậm chí là hồ nghi về cách làm mới, nhưng bây giờ thì nụ cười đã hiện hữu trên từng gương mặt, họ chính là minh chứng sinh động nhất cho hiệu quả của mô hình và cho thấy nông dân đã rất hiểu về cây lúa chứ không như trước đây, cứ “ném tiền” vào đồng ruộng là xong mà không cần biết cây lúa thiếu gì và cần gì trong từng giai đoạn sinh trưởng. Còn nông dân Nông Văn Lâm thì vui mừng nói: “Nhà tôi góp 5 sào trong cánh đồng mẫu, so với cách làm trước đây, nông dân bây giờ phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật bón phân, phun thuốc, sạ lúa. Lúc đầu có hơi khó nhưng sau thì quen dần. Phải công nhận, khi thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật, cây lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh và cho năng suất cao hơn hẳn”. Theo anh Trần Văn Đông, Trưởng trạm Khuyến nông huyện, khi tham gia vào cánh đồng mẫu, nông dân được tiếp cận với quá trình sản xuất hiện đại, đó là, ngoài ứng dụng cánh đồng 1 giống, nông dân còn được thí điểm ứng dụng sạ hàng (tiết kiệm khoảng 100kg-120kg giống/ha so với sạ tay như trước đây); hàng tuần  nông dân cùng cán bộ kỹ thuật đi thăm đồng định kỳ; tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng, không lạm dụng phân, thuốc, mật độ cây lúa thưa… nên sâu bệnh ít phát triển và bảo đảm an toàn cho môi trường, sức khỏe người dân. Điều thành công trong cánh đồng mẫu là không chỉ góp phần làm tăng hiệu quả của liên kết 4 nhà, giải quyết được vấn đề manh mún về đất đai trong sản xuất nông nghiệp, mà còn nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân và giá trị hạt gạo… vốn là những rào cản ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình cơ giới hóa trong nông nghiệp lâu nay.

Nông dân tham quan mô hình cánh đồng mẫu lúa nước ở xã Ea Ô, huyện Ea Kar.
Nông dân tham quan mô hình cánh đồng mẫu lúa nước ở xã Ea Ô, huyện Ea Kar.

Cần sự vào cuộc của DN bao tiêu sản phẩm

Thành công bước đầu của 2 cánh đồng mẫu lúa nước nói trên tạo đà cho vụ mùa 2013, xã Ea Kao và Ea Ô tiếp tục triển khai mô hình cánh đồng mẫu, đồng thời nhiều địa phương chuyên canh về cây lúa trên địa bàn tỉnh cũng bắt đầu manh nha xây dựng mô hình. Ông Nguyễn Minh Chuyền, Chủ tịch UBND xã Ea Ô đánh giá: đây là mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm tăng thêm lợi nhuận cho nông dân. Vì vậy, về lâu dài nếu quan tâm đến việc sản xuất theo hướng hàng hóa thì cánh đồng mẫu nên chú trọng đến chất lượng sản phẩm. Tại Ea Ô, tiềm năng về sản xuất lúa nước rất lớn, với diện tích hiện có gần 1.000 ha, khi công trình thủy lợi Krông Buk Hạ hoàn thành thì diện tích sẽ tăng thêm 600 ha. Dự kiến trong thời gian tới sẽ xây dựng 50 ha lúa chất lượng cao để hướng tới sản xuất lúa thương phẩm và 72 hộ nêu trên sẽ là 72 giáo viên thực hiện việc chuyển giao kỹ thuật cho bà con sản xuất lúa nước. Để thực hiện điều này thì phải xây dựng được chuỗi sản xuất lúa nước để làm tăng thêm giá trị sản phẩm.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, việc xây dựng cánh đồng mẫu thời gian qua đã mang lại hiệu quả nhất định, nhưng vẫn còn rất nhiều trở ngại do thiếu doanh nghiệp tham gia tiêu thụ sản phẩm. Các doanh nghiệp vẫn chưa mạnh dạn đầu tư thu mua, chế biến, tiêu thụ lúa gạo, hoặc có tham gia nhưng quy mô nhỏ do thiếu nguồn nhân lực, phương tiện... Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hà bày tỏ: mô hình đã kết nối được đầu vào, đó là nông dân đã chấp hành “kỷ luật sản xuất” do nhà khoa học đưa ra và đã thống nhất được với nhau trong các khâu sản xuất. Tuy nhiên, mô hình không nên chỉ dừng lại ở cánh đồng mẫu mà cần phải làm theo chuỗi giá trị, nghĩa là phải có sự tham gia của doanh nghiệp thu mua. Chính vì vậy, trong vụ mùa 2013, khi xã Ea Ô tiếp tục triển khai thực hiện mô hình cánh đồng mẫu với diện tích 20 ha, thì HTX thực hiện mô hình đã đứng ra liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đây là tín hiệu rất khả quan cho thấy cây lúa nước ở Dak Lak không chỉ phục vụ cho vấn đề bảo đảm an ninh lương thực mà có thể tiến tới sản xuất hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.