Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Ana: Quyết liệt dập dịch lợn tai xanh

16:18, 22/07/2013

Dịch lợn tai xanh trên địa bàn huyện Krông Ana đang diễn biến hết sức phức tạp, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Các ngành chức năng của huyện và tỉnh đã khẩn trương triển khai quyết liệt các biện pháp dập dịch không để lây sang các địa bàn lân cận.

Ngày 25-5, dịch lợn tai xanh (Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn) bùng phát tại xã Quảng Điền, đến ngày 3-6 lan qua 2 xã Bình Hòa, Ea Bông và thị trấn Buôn Trấp. Ngày 19-6, UBND huyện Krông Ana đã ban hành Quyết định số 1162/QĐ-UBND về việc công bố dịch lợn tai xanh trên địa bàn huyện. Tính đến ngày 16-7, dịch lợn tai xanh đã xuất hiện trên 1.537 con lợn ở 226 hộ, 51/73 thôn, buôn của 8/8 xã, thị trấn. Tình hình dịch bệnh phức tạp nhất ở hai xã Ea Na và Băng Adrênh. Các ngành chức năng phối hợp với các hộ dân đã tiêu hủy 459 con lợn bị chết, với trọng lượng hơn 20.500 kg.

Người chăn nuôi xã Ea Na vệ sinh chuồng trại  trước đại dịch tai xanh đang lan rộng.
Người chăn nuôi xã Ea Na vệ sinh chuồng trại trước đại dịch tai xanh đang lan rộng.

Trước diễn biến khó lường của dịch lợn tai xanh, Chi cục Thú y tỉnh đã phối hợp với UBND huyện tập trung chỉ đạo Trạm Thú y huyện triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan, nhằm khống chế và dập dịch. Bà Lại Thị Tự - Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Krông Ana cho biết: “Công tác dập dịch đang được chúng tôi triển khai quyết liệt và đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Dự kiến, đến ngày 31-7, huyện sẽ công bố hết dịch lợn tai xanh. Việc dịch bùng phát mạnh, lây lan nhanh là do thiếu nguồn vắc xin để tiêm khống chế ngay từ đầu. Thông qua các phương tiện thông tin, huyện đã tuyên truyền về cách phòng, chống bệnh lợn tai xanh để người dân chủ động trong công tác chống dịch”. Các biện pháp dập dịch được  chú trọng là: tiêm phòng vắc xin tai xanh cho đàn lợn; tiêu độc khử trùng; giám sát việc thực hiện dập dịch ở các xã, thị trấn; khẩn trương tổ chức tiêu hủy lợn chết, lợn ốm nặng không có khả năng hồi phục; tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch và phun hóa chất tại hộ có dịch... Điển hình như ở xã Dray Sáp, ngay sau khi phát hiện lợn mắc bệnh, chính quyền địa phương có sự chỉ đạo quyết liệt, đặc biệt là sự tích cực hợp tác của người dân, chủ động của cán bộ thú y cơ sở đã tiến hành tiêm phòng bao vây ổ dịch với 1.530 liều vắcxin. Nhờ vậy, xã Dray Sáp đã khống chế được dịch, chưa để xảy ra lợn chết và tiêu hủy. Tuy nhiên, dịch heo tai xanh vẫn tiếp tục có chiều hướng bùng phát mạnh ở một số xã, thị trấn, đặc biệt là ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ nguồn vắcxin tai xanh hỗ trợ của Trung ương, Trạm Thú y huyện đã tiến hành tiêm phòng cho toàn bộ đàn lợn trên địa bàn (đã tiêm phòng được hơn 15.700 liều trên tổng đàn hơn 16.000 con); tiêu độc khử trùng bằng hóa chất Bencocid với trên 2.000 lít. Ngoài ra, để hạn chế bệnh lợn tai xanh lây lan sang các địa bàn lân cận, huyện đã thành lập hai chốt kiểm dịch động vật tạm thời (tại xã Dray Sáp - đi TP. Buôn Ma Thuột và Tỉnh lộ 10 đi huyện Cư Kuin), cử lực lượng chốt chặn, trực 24/24 để kiểm tra, sát trùng tiêu độc việc vận chuyển gia súc và các sản phẩm gia súc ra, vào địa bàn huyện. Đồng thời, nghiêm cấm việc giết, mổ, buôn bán, vận chuyển lợn trong địa bàn. Bên cạnh đó, UBND huyện Krông Ana cũng ứng ngân sách địa phương để hỗ trợ cho các hộ có lợn bị bệnh để tái đàn sau khi dập dịch...

Hiện công tác dập dịch và kiểm soát dịch tai xanh đang được các cơ quan chức năng tiến hành quyết liệt nhằm bao vây, dập dịch tránh lan trên diện rộng. Ông Nguyễn Minh Đông, Chánh Văn phòng UBND huyện cho biết: Hằng ngày, tất cả các thông tin về phun hóa chất, vắc xin, buôn bán heo, diễn biến dịch... được cập nhật đầy đủ về Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện. Lực lượng cán bộ nhân viên của Phòng NN&PTNT và Trạm Thú y huyện được huy động, tập trung cao độ cho công tác chống dịch.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc