Multimedia Đọc Báo in

Nhận diện nông thôn mới:

Để mục tiêu xây dựng nông thôn mới về đích đúng hẹn

10:43, 01/07/2013

Theo kế hoạch của UBND tỉnh về xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2011-2015 đặt ra những mục tiêu: phấn đấu đến năm 2015 có khoảng 20% xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, và đến năm 2020 đạt trên 50%; 100% xã có đường nhựa đến trung tâm; 100% thôn, buôn có điện, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3%/năm; không còn nhà dột nát tạm bợ, nâng thu nhập của người dân nông thôn gấp 1,5 lần so với năm 2010; vùng nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh đạt trên 98%; 65 % thôn, buôn đạt tiêu chuẩn thôn, buôn văn hóa… Để những mục tiêu trên cán đích đúng kế hoạch thì cần sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị.

Huy động vốn, không phải ở đâu cũng dễ

Vấn đề hết sức quan trọng để đưa chương trình XDNTM đến thành công là phải huy động cho được vốn đầu tư cho chương trình này từ 5 nguồn: đóng góp của cộng đồng (bao gồm cả công sức, tiền của đóng góp và tài trợ của các tổ chức, cá nhân), vốn đầu tư của các doanh nghiệp, vốn tín dụng (bao gồm cả đầu tư phát triển và thương mại), hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước và vốn tài trợ khác. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế thì việc huy động và bố trí vốn để thực hiện chương trình không phải dễ. Với những địa phương có nền tảng kinh tế - xã hội khá, có nhiều doanh nghiệp và tổ chức tín dụng đóng chân thì vấn đề này không quá chật vật. Đơn cử như huyện Cư M’gar, sau hơn 2 năm triển khai XDNTM đã huy động được hơn 600 tỷ đồng từ nhiều nguồn khác nhau. Cụ thể: nguồn ngân sách huyện 48 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, giáo dục, văn hóa và an ninh quốc phòng; nguồn ngân sách tỉnh được bố trí hơn 5,8 tỷ đồng cho phát triển sản xuất, xây dựng cơ bản, lập đề án nông thôn mới…; các doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư 7,4 tỷ đồng; nguồn vốn vay đầu tư cho phát triển sản xuất tại các tổ chức tín dụng 550 tỷ đồng; huy động đóng góp của người dân được hơn 5 tỷ đồng. Trong khi đó, với những địa phương vùng sâu, vùng xa thì việc huy động vốn vô cùng khó khăn, đơn cử như huyện Ea Súp, nguồn vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản bằng ngân sách huyện năm 2011 chỉ đạt 2 tỷ đồng, năm 2012 còn ít hơn chỉ với 925 triệu đồng, trong khi đó, nguồn vận động từ các doanh nghiệp gần như không có. Do thiếu vốn nên địa phương không thể triển khai các chương trình, kế hoạch của mình dẫn đến chậm tiến độ XDNTM...

Đóng góp ngày công tu sửa các công trình giao thông, thủy lợi là việc làm thường xuyên của người dân nhiều vùng nông thôn.        Ảnh: T.N
Đóng góp ngày công tu sửa các công trình giao thông, thủy lợi là việc làm thường xuyên của người dân nhiều vùng nông thôn. Ảnh: T.N

Bài học từ điểm sáng XDNTM

XDNTM là một trong những chương trình lớn nên vai trò, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy chính quyền địa phương là hết sức quan trọng, cùng với huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Bài học từ điểm sáng XDNTM huyện Cư M’gar cho thấy bên cạnh công tác chỉ đạo, điều hành của BCĐ huyện, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, địa phương trong huyện đều phát động phong trào thi đua XDNTM, tiêu biểu là các phong trào: “Cả nước chung sức XDNTM”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Thanh niên chung tay XDNTM”… đã tạo nên sức mạnh tổng hợp và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân. Nhờ đó, đến nay, huyện Cư M’gar đã có 5 xã đạt dưới 5 tiêu chí (Ea Tar, Ea M’droh Ea H’đing,  Ea Drơng và Ea Kuêh), 7 xã đạt 5 - 8 tiêu chí (Ea Kiết, Quảng Hiệp, Ea Tul, Cư M’gar, Ea M’nang, Cư Suê và Cuôr Đăng), 3 xã đạt từ 9 - 13 tiêu chí (Quảng Tiến, Ea Kpam và Cư Đliê Mnông).

Bên cạnh việc phát động mạnh mẽ các phong trào thì việc huy động sức dân trong thực hiện XDNTM cũng hết sức quan trọng, bởi, người dân là chủ thể, là người thực hiện và hưởng lợi từ NTM. Kinh nghiệm cho thấy, địa phương nào huy đông có hiệu quả sự đóng góp của người dân thì chương trình XDNTM ở đó sẽ đạt kết quả cao hơn. Minh chứng cho điều này là nhiều tuyến đường “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã xuất hiện ở các địa phương, nhiều hộ dân tự nguyện đóng góp ngày công, hiến đất làm đường, xây trường học, nhà văn hóa…, tiêu biểu như xã Ea Kpam đã huy động bằng tiền mặt để tu sửa, phóng tuyến 6 km đường xã với số tiền trên 300 triệu đồng, cùng hàng ngàn ngày công lao động tu sửa đường giao thông trên địa bàn. Riêng thôn 8 từ đầu năm đến nay, người dân đã tự nguyện đóng góp 314 triệu đồng làm gần 1 km đường cấp phối; tự tháo dỡ trên 50 công trình hàng rào, nhà ở, công trình phụ trả lại đất lấn chiếm đường giao thông, xây 1800m kè rãnh thoát nước và lắp đặt gần 100 điểm cống vào nhà và các ngõ xóm, tổng kinh phí dân đóng góp và tự làm trên 800 triệu đồng. Trong khi đó, người dân thôn 3 đóng góp làm 3km đường giao thông nông thôn, lắp đặt 12 điểm cống thoát nước trị giá 94 triệu đồng, tự tháo dỡ hơn 3000m bờ rào… Ông Vũ Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT, Ủy viên Thường trực BCĐ XDNTM tỉnh cho biết: “Bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì các địa phương cần huy động tối đa sự đóng góp của người dân trong quá trình triển khai XDNTM. Có như vậy chương trình mới hoàn thành thắng lợi, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống người dân như mục tiêu đề ra”.

Minh Thông – Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc