“Trẻ hóa” vườn cà phê: Nhiều giải pháp cho nông dân lựa chọn
Hiện tại, đối với những diện tích cà phê già cỗi, năng suất kém, người trồng chủ yếu chọn biện pháp nhổ bỏ để trồng lại, vừa tốn nhiều chi phí mà thời gian chờ đợi thu hoạch cũng khá lâu. Trên thực tế, có thể cải tạo, phục hồi vườn cà phê già cỗi bằng biện pháp canh tác khoa học khác trước khi thực hiện tái canh.
Hộ ông Phan Văn Tân (khối 8, phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) có khoảng 1ha cà phê trồng từ năm 1986, đã bước vào giai đoạn già cỗi, năng suất thấp, chỉ khoảng 2 tấn/ha. Cách đây 4 năm, trong lúc đang nhổ bỏ vườn cà phê này để trồng lại thì ông được giới thiệu sử dụng chế phẩm sinh học của Công ty Cổ phần Thanh Hà (Hà Nội) để phục hồi. “Bán tín bán nghi” gia đình ông chỉ giữ lại 2 sào cà phê già để làm thí điểm và bước đầu thu được kết quả khả quan. Sau 1 năm sử dụng sản phẩm này để phun lá và tưới gốc, vườn cà phê đã phát triển xanh tốt hơn trước rất nhiều, ít bị sâu bệnh, đồng thời sản lượng thu được cũng tăng lên đáng kể. Đến niên vụ cà phê 2012-2013 vừa qua, tức là sau 4 năm sử dụng chế phẩm trên, gia đình ông đã thu được 1 tấn cà phê nhân từ 2 sào cà phê già cỗi này. Theo ông Tân, sử dụng chế phẩm sinh học để chăm sóc cà phê mang lại cho người nông dân nhiều lợi ích, nhất là bộ rễ của cây cà phê phát triển rất mạnh. Có lẽ chính điều này đã giúp cây cà phê hút được toàn bộ dinh dưỡng trong đất cũng như từ phân bón nên không cần phải bón nhiều phân. Chi phí mua chế phẩm sinh học để chăm sóc 1ha cà phê mỗi năm cần khoảng 10 triệu đồng, người nông dân có thể giảm khoảng 50% lượng phân bón. Trong thực tế, có rất nhiều chế phẩm (phân bón) sinh học được nông dân sử dụng để cải tạo, phục hồi và chăm sóc cà phê, nhất là những vườn cà phê già cỗi, như: NPK Phú Hào (Công ty TNHH thương mại sản xuất dịch vụ Phú Hào – TP. Hồ Chí Minh), phân bón lá cao cấp đa quốc gia (Công ty Cổ phần Sinh thái Việt Mỹ - TP. Hồ Chí Minh), chế phẩm sinh học cải tạo đất BIO - 9USA (Tập đoàn KVI Group – Mỹ), chế phẩm sinh học cải tạo đất Kurojiru (Nhật Bản), phân bón tưới gốc Polyhumat-đa năng (Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền – TP. Hồ Chí Minh), chế phẩm sinh học SH1 (Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam), chế phẩm sinh học WEHG (Công ty Cổ phần Thế giới thông minh - TP. HCM)… Nhìn chung, đây là những sản phẩm có tác dụng cải tạo, tăng độ phì nhiêu của đất; cân bằng hệ sinh thái (vi sinh vật, dinh dưỡng …) trong môi trường đất nói riêng và môi trường nói chung; kích thích bộ rễ cà phê phát triển, giúp cây hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn…, qua đó tăng khả năng đề kháng bệnh, giúp cây phát triển mạnh, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Cây cà phê ghép phục hồi của gia đình ông Thắng mới bước sang năm thứ 3 nhưng đã cao gần ngang đầu người, bộ cành phát triển mạnh. |
Ngoài sử dụng các chế phẩm sinh học, việc “trẻ hóa” vườn cà phê già cỗi bằng biện pháp cưa ghép phục hồi cũng đang được nhiều nông dân lựa chọn và bước đầu mang lại kết quả khá cao. Trường hợp hộ ông Võ Xuân Thắng (xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar) là một ví dụ. Ông Thắng cho biết, gia đình ông có 6 sào cà phê trồng từ năm 1991 đã già cỗi, hay nhiễm bệnh và năng suất thấp, quả nhỏ. Năm 2011, nhờ sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, ông đã mạnh dạn phục hồi bằng biện pháp cưa gốc ghép chồi. Vườn cà phê sau khi được cưa gốc vẫn chăm sóc bình thường, đến khi chồi mới mọc lên thì mỗi gốc chỉ giữ lại 2 chồi khỏe mạnh, sau đó tiến hành ghép chẻ nối ngọn với các chồi giống cà phê vô tính chọn lọc được bán tại Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên như TR6, TR8… Đến nay, vườn cà phê phát triển rất tốt, ít bị nhiễm sâu bệnh, bộ cành phát triển mạnh, ra hoa đồng đều. Theo dự tính của ông Thắng, niên vụ đầu tiên này có thể thu hoạch được khoảng 1,5 tấn nhân từ 6 sào cà phê trên. Hiện trên địa bàn tỉnh cũng đã có rất nhiều hộ nông dân thành công trong việc “trẻ hóa” vườn cà phê bằng biện pháp ghép chồi phục hồi này. Gia đình Ama Nghé (xã Ea Tul, huyện Cư M’gar) ghép 1ha cà phê trên 20 năm tuổi, sau 3 năm đã cho năng suất ổn định 4 tấn/ha; ông Tăng Ngọc Quế (thôn Tân Lập, xã Ea Yông, huyện Krông Pak), ghép 5 sào cà phê đã 26 năm tuổi, sau 3 năm đã cho năng suất khoảng 4 tấn/ha và từ năm thứ 4 trở đi luôn ổn định ở mức 5-6 tấn/ha… Theo các nông dân có kinh nghiệm, việc ghép chồi phục hồi khá đơn giản, nhưng đem lại nhiều lợi ích, nhất là chi phí đầu tư thấp, thời gian kiến thiết cơ bản ngắn, chồi mới ít bị nhiễm bệnh nên cho năng suất, chất lượng cao hơn. Tuy nhiên cần lưu ý là chỉ nên thực hiện ghép phục hồi đối với những vườn cà phê già cỗi nhưng không bị các bệnh về rễ, gỉ sắt, chế độ chăm sóc hợp lý, nhất là nên sử dụng nhiều phân chuồng, hạn chế bón phân hóa học.
Tái canh cà phê đang là bài toán khó đối với nhiều nông dân, ngoài khó khăn về vốn đầu tư, việc luân canh cải tạo đất vài ba năm rồi mới được trồng lại cũng làm giảm sút đáng kể thu nhập của nhiều hộ, nhất là những hộ có thu nhập trung bình hoặc thu nhập thấp thì đây là một bài toán quá khó, chưa kể nếu việc tái canh diễn ra ồ ạt trên diện rộng sẽ làm giảm sút sản lượng chung của tỉnh; các đơn vị cung ứng giống chất lượng cũng không thể đáp ứng kịp. Về lâu dài, những vườn cà phê già cỗi, năng suất, chất lượng thấp vẫn cần phải tái canh, nhưng để vừa bảo đảm tái canh theo lộ trình, vừa duy trì thu nhập ổn định của người dân thì việc kéo dài tuổi thọ của các vườn cà phê già cỗi cũng cần được tính đến. Điều người nông dân mong muốn nhất hiện nay là các cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa công tác chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để họ có thêm những kiến thức cần thiết phục vụ việc cải tạo, phục hồi vườn cà phê. Riêng về các chế phẩm sinh học, hiện trên thị trường có rất nhiều, đông đảo nông dân mong các cơ quan chuyên ngành sớm kiểm chứng về tính bền vững, đánh giá toàn diện và có ý kiến chính thức giúp họ chọn sản phẩm phù hợp.
Lê Ngọc
Ý kiến bạn đọc