Vốn tái canh cà phê: Bài toán đã có lời giải?
Bảo đảm cung ứng đủ vốn theo nhu cầu, thời hạn cho vay dài, lãi suất thấp hơn cho vay thông thường, thủ tục đơn giản… là cam kết của Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank) Nguyễn Ngọc Bảo liên quan đến vấn đề cho vay vốn phục vụ nhu cầu tái canh cà phê (TCCP).
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 2, diễn ra hồi thượng tuần tháng 6 – 2013, Chủ tịch UBND tỉnh Dak Lak Hoàng Trọng Hải và Chủ tịch HĐTV Agribank Nguyễn Ngọc Bảo đã ký kết Bản ghi nhớ giữa hai bên về việc tài trợ vốn đầu tư TCCP. Theo đó, Agribank cam kết ưu tiên cân đối nguồn vốn khoảng 3.000 tỷ đồng (ngoài nhu cầu vốn cân đối cho Tổng Công ty cà phê thực hiện dự án TCCP) để đáp ứng nhu cầu vay của khách hàng hội đủ điều kiện theo chương trình TCCP được UBND tỉnh phê duyệt và theo quy định hiện hành của Agribank. Chỉ đạo Agribank Dak Lak tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia chương trình được vay vốn nếu đủ điều kiện tín dụng theo quy định hiện hành, tư vấn cho khách hàng xây dựng dự án vay vốn và các thủ tục vay vốn ngân hàng (NH), cung cấp các sản phẩm dịch vụ cho khách hàng vay vốn… Cụ thể hóa biên bản ghi nhớ này, cũng trong đầu tháng 6-2013, UBND tỉnh và Agribank đã phối hợp tổ chức hội nghị bàn về giải pháp TCCP trên địa bàn Dak Lak, và đã công bố kế hoạch đầu tư 3.000 tỷ đồng cho vay thực hiện tái canh, cải tạo giống 25.625ha cà phê trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013-2016. Hiện Agribank Dak Lak đã cho hàng chục khách hàng vay hàng trăm tỷ đồng theo chương trình tín dụng TCCP này.
Sự quan tâm đầu tư vốn của Agribank hứa hẹn sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi những diện tích cà phê kém chất lượng (ảnh minh họa). |
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định chắc chắn rằng, khách hàng không nên quá lo lắng về vấn đề vốn đầu tư, vì hỗ trợ vốn tín dụng phục vụ TCCP là trách nhiệm chính trị và trách nhiệm kinh tế của Agribank. Bên cạnh việc thu xếp cung ứng vốn đủ nhu cầu của khách hàng, đơn vị này còn áp dụng nhiều chính sách ưu đãi khác, như thời hạn cho vay tối thiểu là 7 năm, trong đó 3 năm đầu khách hàng chưa phải trả gốc; lãi suất cho vay luôn thấp hơn lãi suất các khoản vay thông thường, riêng trong năm 2013 sẽ áp dụng mức lãi suất 10,5%/năm hoặc thấp hơn, tùy vào từng trường hợp cụ thể. So với mặt bằng lãi suất cho vay hiện tại thì mức lãi suất này thấp hơn khoảng 2%/năm. Cũng với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, Agribank sẽ cho phép các chi nhánh trên địa bàn áp dụng linh hoạt vấn đề nhận tài sản bảo đảm tiền vay. Cụ thể, ngoài giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có thể nhận thế chấp chính tài sản hình thành từ vốn vay; cho vay tín chấp đối với các trường hợp làm ăn uy tín. Ngoài ra, nếu khách hàng có nhu cầu vay thêm vốn ngắn hạn để đầu tư trồng cây ngắn ngày trên diện tích TCCP hoặc vay để trả lãi hàng năm cũng sẽ được Agribank xem xét, giải quyết. Đặc biệt, Agribank sẽ sớm xây dựng và áp dụng quy trình cho vay chuẩn đối với TCCP. “Quy trình nào cũng phải hướng tới việc đơn giản hóa về số lượng giấy tờ, số chữ, số chữ ký trong các loại giấy tờ” – ông Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.
Theo số liệu thống kê, từ nay đến năm 2020, mỗi năm toàn tỉnh có từ 7.000-8.000ha cà phê già cỗi, năng suất thấp cần phải tái canh hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác. Với định mức đầu tư trung bình hiện tại là 150 triệu đồng/ha thì mỗi năm toàn tỉnh cần hơn 1.000 tỷ đồng đầu tư TCCP. Cùng với sự cam kết của Agribank, toàn tỉnh còn có hàng chục tổ chức tín dụng cũng cho vay TCCP nên có thể thấy bài toán vốn đầu tư đã cơ bản được giải quyết. Vấn đề quan trọng là biện pháp triển khai trong thực tế như thế nào để bảo đảm được mục tiêu đặt ra là sử dụng đồng vốn hiệu quả, duy trì ổn định sản lượng và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Bảo đề nghị UBND tỉnh Dak Lak nên thành lập ban chỉ đạo về TCCP để kiểm soát quá trình triển khai, đồng thời kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh có liên quan. Cùng quan điểm này, đại diện nhiều tổ chức tín dụng cho rằng việc thành lập ban chỉ đạo là cần thiết, nhưng vấn đề cần được ưu tiên triển khai càng sớm càng tốt là công bố quy hoạch vùng TCCP. Mục tiêu quan trọng của TCCP là nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất cà phê nên đồng vốn đầu tư cần phải “rót” đúng chỗ, nghĩa là chỉ cho vay đối với những diện tích được phép TCCP. Hiện tại, trong tổng số hơn 202 ngàn ha cà phê trên toàn tỉnh, chỉ có 20% diện tích cà phê do các doanh nghiệp quản lý, 80% còn lại thuộc về các hộ nông dân, trong đó có khá nhiều diện tích phát triển tự phát, trồng trên những diện tích không phù hợp với cây cà phê. Nếu không có quy hoạch chính thức về vùng TCCP, ngân hàng sẽ phải “dựa” vào xác nhận của cơ quan quản lý trước khi quyết định cho vay. Và nếu vậy, việc này vô hình trung tạo thêm những rối rắm về thủ tục, thậm chí dễ nảy sinh tiêu cực.
Lê Ngọc
Ý kiến bạn đọc