Multimedia Đọc Báo in

Tuyến đường kiểu mẫu: Bao giờ thành “kiểu mẫu?

10:54, 31/08/2013

Thực hiện Kế hoạch số 79, ngày 21-7-2012 của UBND TP.Buôn Ma Thuột về xây dựng nếp sống văn minh đô thị đến năm 2015, bắt đầu từ tháng 7-2012, thành phố thí điểm xây dựng 25 tuyến đường kiểu mẫu (TĐKM) trên địa bàn. Tuy nhiên, đến nay sau hơn 1 năm triển khai thực hiện các tiêu chí của TĐKM đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế…

Vỉa hè đường Quang Trung trở thành nơi  buôn bán hàng hóa.
Vỉa hè đường Quang Trung trở thành nơi buôn bán hàng hóa.

Theo kế hoạch, trên địa bàn 13 phường của thành phố sẽ xây dựng 25 TĐKM, gồm các tuyến đường: Hai Bà Trưng, Phan Chu Trinh (phường Thắng Lợi); Hoàng Diệu, Phan Bội Châu (Thống Nhất); Y Ngông, Quang Trung (Tân Tiến); Y Ngông, Mai Hắc Đế (Tân Thành); Nguyễn Hữu Thọ, Lê Quý Đôn (Tân An); Nguyễn Văn Cừ, Ama Jhao (Tân Lập); Phan Chu Trinh, Ngô Quyền (Tân Lợi); Phạm Văn Đồng (Tân Hòa); Hùng Vương, Nguyễn Tất Thành (Tự An); Hoàng Diệu, Mạc Thị Bưởi (Thành Công); Mai Xuân Thưởng, Phan Bội Châu (Thành Nhất); Phan Huy Chú, Võ Văn Kiệt (Khánh Xuân); Y Wang, Lê Duẩn (Ea Tam). Theo đó, các TĐKM phải đạt các yêu cầu: phải là tuyến đường trung tâm tại mỗi phường, tập trung nhiều dân cư sinh sống; nếu là tuyến đường giáp ranh giữa 2 phường thì phải được cả 2 phường cùng tham gia xây dựng. Để việc triển khai đạt hiệu quả cao, thành phố đã xây dựng các tiêu chí để vận động nhân dân các phường ký cam kết thực hiện với nội dung dễ nhớ, dễ hiểu và dễ thực hiện như: không xây dựng, cơi nới, lấn chiếm trái phép; không lấn chiếm lòng lề đường để sản xuất kinh doanh; không treo, đặt bảng quảng cáo trái quy định; không xả rác, nước thải ra đường phố; thực hiện đậu, đỗ xe đúng nơi quy định…

Theo đánh giá kết quả của các phường sau 1 năm xây dựng TĐKM cho thấy, đã có sự chuyển biến tích cực trong việc thiết lập và duy trì nề nếp sinh hoạt của các tầng lớp nhân dân, góp phần thay đổi nhận thức của người dân về văn minh đô thị, bộ mặt đô thị của phường ngày càng khang trang sạch đẹp, số hộ kinh doanh buôn bán trên vỉa hè đã được hạn chế. Một số phường đạt kết quả cao như phường Thành Công, Thắng Lợi… Ở phường Thành Công, ngay từ khi triển khai xây dựng TĐKM, UBND phường đã yêu cầu tổ trật tự đô thị tăng cường công tác kiểm tra, xử lý những trường hợp cố tình vi phạm, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè buôn bán trái phép làm ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Kết quả đã tiến hành tháo dỡ 30 băng rôn quảng cáo trái quy định, thu giữ 18 bảng hiệu quảng cáo kinh doanh làm mất mỹ quan; đồng thời tuyên truyền, vận động 216 hộ dọc 2 TĐKM ký cam kết thực hiện các tiêu chí. Tại phường Thắng Lợi, các ban Tự quản của Tổ dân phố đã tổ chức ra quân tuyên truyền trên 2 TĐKM trong thời gian 7 ngày, với 55 người tham gia; đồng thời tổ dân phố tổ chức họp dân, phát động phong trao toàn dân xây dựng nếp sống văn hóa, đưa các nội dung, tiêu chí xây dựng TĐKM để bình xét danh hiệu gia đình văn hóa…

Những kết quả nêu trên chỉ là những con số ít ỏi, còn đa phần các TĐKM đều chưa thành “kiểu mẫu” với đúng nghĩa danh từ này. Chẳng hạn, như đường Mai Hắc Đế, Quang Trung, Phan Chu Trinh, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lề đường để kinh doanh, buôn bán vẫn xảy ra. Đặc biệt, tầm khoảng 6 giờ sáng và 5 giờ chiều, người dân lợi dụng khi lực lượng chức năng chưa làm việc hoặc vào thời điểm giao ca, hàng hóa được bày bán tràn lan; thậm chí ở cả dưới lòng đường vẫn hình thành nhiều điểm họp chợ tự phát, làm mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị. Trong khi đó, một số chợ chính như chợ Buôn Ma Thuột, chợ Ea Tam (những chợ này đều nằm trên đường hoặc gần các TĐKM), phía trong khách vắng teo, phía ngoài nhộn nhịp, chiếm hết lối đi của người tham gia giao thông. Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết những hộ dân lấn chiếm vỉa hè lòng, lề đường là hộ kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ, với các loại hàng hóa chủ yếu như rau, củ, trái cây. Do vậy, công tác xử lý của đội quản lý trật tự đô thị gặp không ít khó khăn, bởi đa số người dân để hàng trong một chiếc gùi hoặc bàn nhỏ, khi thấy lực lượng chức năng đến, họ gọi nhau dồn hàng hóa vào chỗ quy định. Chỉ khi nào các thành viên của đội quản lý đô thị túc trực thường xuyên trên các tuyến đường, nhất là khu vực các ngã ba, ngã tư – nơi hình thành nhiều chợ tự phát thì tình hình trật tự mới khấm khá hơn; nếu vắng bóng đội quản lý thì đâu lại vào đó.

Đánh giá kết quả sau 1 năm triển khai xây dựng TĐKM trên địa bàn TP, lãnh đạo phòng Quản lý đô thị TP. Buôn Ma Thuột cho biết: nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ ý thức của người dân, tinh thần, trách nhiệm và tự giác của cộng đồng dân cư về nếp sống văn hóa đô thị chưa cao. Mặt khác, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ quan chức năng thiếu cương quyết, chưa đủ sức răn đe, việc kiểm điểm trước dân hay thông báo đến cơ quan, đơn vị công tác của đối tượng vi phạm chưa được chú trọng. Thậm chí, một số chính quyền địa phương còn thờ ơ, đứng ngoài cuộc, chưa thường xuyên theo dõi, nhắc nhở các hộ dân vi phạm. Đối với những tuyến đường giáp ranh giữa các phường, sự phối hợp giữa các địa bàn không chặt chẽ, nơi làm nghiêm, chỗ lơi lỏng nên dẫn đến tình trạng người dân vi phạm vẫn xảy ra thường xuyên.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.