5 năm thực hiện nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X): Vai trò mới của nông nghiệp, nông dân và nông thôn
Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) ra đời đã nâng vai trò của nông nghiệp, nông thôn, nông dân lên một tầm cao mới. Nghị quyết đi vào cuộc sống bằng những chương trình hành động cụ thể của Tỉnh ủy, UBND các cấp, các ngành và đã được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Qua 5 năm thực hiện, Dak Lak đã đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Đây chính là nền tảng vững chắc trong chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Ưu tiên cho nông nghiệp, nông thôn
Với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại và phát triển mạnh công nghiệp chế biến, dịch vụ ở nông thôn, Dak Lak đã cơ cấu lại ngành nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng phát huy tối đa các lợi thế của từng địa phương, quy hoạch vùng sản xuất gắn với thị trường. Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 7, nền kinh tế của Dak Lak đã có bước tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2008-2013 bình quân 11%/năm, giá trị tổng sản phẩm nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 5,17%/năm. Trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành các vùng sản xuất tập trung về cây công nghiệp như: cà phê, tiêu, cao su, cây ăn quả, rau, hoa…, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường và tăng thu nhập cho người dân. Đặc biệt, các loại cây lương thực: lúa, ngô, cây có củ, đậu các loại phát triển mạnh, năng suất cao đã giúp địa phương bảo đảm được an ninh lương thực cho người dân, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển tương đối ổn định, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng bình quân 5,81%/năm; diện tích, sản lượng thủy sản đều tăng, năm 2012 sản lượng đạt 16.000 tấn, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2008. Ngành chăn nuôi cũng được quan tâm đầu tư thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ giống vật nuôi, các hoạt động tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân về chăm sóc và phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, góp phần thúc đẩy hiệu quả chăn nuôi.
Mô hình nuôi cá lăng đuôi đỏ đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ nông dân ở xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột). |
Cùng với phát triển kinh tế, những năm qua, công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn cũng đạt kết quả tốt thông qua các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất, cho vay vốn giải quyết việc làm, đưa lao động đi làm việc ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động. Từ năm 2008-2012 đã giải quyết việc làm cho 124.880 lao động, tỷ lệ thất nghiệp giảm đáng kể (ở nông thôn giảm từ 9% xuống còn 6,5% - năm 2012). Thực hiện chương trình số 09-Ctr/TU của Tỉnh ủy về giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 và Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế, xã hội thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đến năm 2010 đã được các cấp, ngành triển khai đồng bộ và mang lại hiệu quả thiết thực. Đến hết năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm từ 20,82% năm 2011 xuống còn 14,67%. Tỉnh đã hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 167 cho 13.216 hộ nghèo với tổng kinh phí 316 tỷ đồng; chương trình 134 hỗ trợ nhà ở cho 15.535 hộ, đất ở 5.531 hộ, nước sinh hoạt 16.059 hộ, đất sản xuất 7.502 hộ với tổng kinh phí hơn 200 tỷ đồng. Về chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo: đã giải quyết cho hơn 98.700 lượt hộ nghèo vay vốn gần 1.150 tỷ đồng; cấp thẻ bảo hiểm miễn phí cho 2,58 triệu lượt người nghèo, người dân tộc thiểu số thuộc xã khó khăn và đặc biệt khó khăn với kinh phí hơn 1.100 tỷ đồng
Tăng cường đầu tư cho hạ tầng nông thôn
Song song với phát triển thế mạnh của địa phương là nông nghiệp, Dak Lak cũng không ngừng tranh thủ các nguồn lực đầu tư từ các dự án, chương trình để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Giai đoạn 2008-2013, đã xây dựng, hoàn thành 107 công trình thủy lợi phục vụ tưới tăng thêm cho 73.000 ha cây trồng, nâng tổng số công trình thủy lợi toàn tỉnh lên 665 đơn vị, bảo đảm tưới ổn định cho 221.000 ha cây trồng (tỷ lệ diện tích cây trồng được tưới tăng lên 73,12% năm 2012). Đã tiến hành kiên cố hóa 630 km kênh mương; hoàn thành và đưa vào sử dụng 96 công trình cấp nước, nâng tổng số công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn nông thôn lên 252.651 công trình. Mạng lưới giao thông nông thôn từng bước phát triển theo quy hoạch, cơ bản đồng bộ và thông suốt từ thành phố đến các huyện, xã; đã đầu tư làm mới được 97 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài 443 km; nâng cấp 214 tuyến đường, với chiều dài 952 km; làm mới 48 cây cầu, với chiều dài 524 km; cống, tràn các loại 718 cái, tổng chiều dài 6.607 m. Hệ thống điện nông thôn được quan tâm cải tạo, nâng cấp, cơ bản bảo đảm cung cấp đủ điện phục vụ cho sản xuất, dân sinh nông thôn. Từ dự án cấp điện cho các thôn, buôn chưa có điện, tỉnh đã xây dựng được 297 trạm biến áp, 477 km đường dây trung áp, 559 km đường dây hạ áp; cấp điện cho hơn 22.000 hộ của 314 thôn, buôn; 100% số xã có điện lưới quốc gia, tỷ lệ thôn, buôn có điện đạt 96,4%, tỷ lệ gia đình được dùng điện đạt 96,6%. Mạng lưới bưu chính, viễn thông từng bước được nâng cấp và hiện đại hóa, đến nay, toàn tỉnh có 16 đài phát thanh-truyền hình cấp tỉnh, huyện; 184 đài phát thanh không dây cấp xã, phường, thị trấn; tỷ lệ phủ sóng phát thanh truyền hình đến khu dân cư đạt 100%; 152/152 xã có điểm bưu điện và đọc báo hàng ngày, trong đó có 26 điểm bưu điện có kết nối internet; 100% xã có cáp quang đến trung tâm; mật độ điện thoại trung bình 100 dân có 86,44% máy, tỷ lệ sử dụng internet đạt 45,83%. Cơ sở vật chất trường học, y tế đã được đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Năm 2012, tỷ lệ phòng học được kiên cố hóa đạt 52,3%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia 26%; tỷ lệ thôn, buôn có điểm trường hoặc lớp mẫu giáo 62,3%; tỷ lệ huyện, thành phố có trường phổ thông dân tộc nội trú 93,3%. Giai đoạn 2008-2012, đã có 64 trạm y tế đầu tư xây mới và nâng cấp mở rộng 36 trạm.
Có thể thấy, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã có bước phát triển khá toàn diện. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục phấn đấu đạt các mục tiêu xây dựng đội ngũ nông dân có trình độ sản xuất cao và đóng vai trò nòng cốt trong việc xây dựng nông thôn mới; xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực trước mắt và lâu dài…
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc