Multimedia Đọc Báo in

Các công ty lâm nghiệp sau chuyển đổi: Nan giải chuyện giải quyết tranh chấp, lấn chiếm đất đai

10:37, 23/09/2013

Trên địa bàn tỉnh hiện có 15 công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp, được giao quản lý khoảng 198.000 ha. Đến thời điểm tháng 1-2013, chỉ tính riêng trên diện tích rừng do các công ty này quản lý có đến 9.679 ha bị người dân chặt phá, lấn chiếm và hơn 878 ha  đất đang bị tranh chấp...

Đất rừng bị lấn chiếm ở Buôn Ja Wầm (Cư M’gar).
Đất rừng bị lấn chiếm ở Buôn Ja Wầm (Cư M’gar).

Ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông cho biết: những năm gần đây, tình trạng người dân xâm lấn đất rừng trên địa bàn đơn vị quản lý diễn ra khá phức tạp. Ngay từ đầu mùa mưa năm 2013, khi tiến hành triển khai phát dọn thực bì, vệ sinh rừng để chuẩn bị kế hoạch trồng rừng thì một số hộ dân người dân tộc Mông tự ý vào xâm lấn đất để canh tác với tổng diện tích khoảng 8 ha rừng trồng tại khu vực Ea T’long (xã Cư Pui), giáp với thôn Yang Hanh (xã Cư D’răm). Mặc dù đây là diện tích nằm trong số trên 19 nghìn ha được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty năm 2008, nhưng việc giải quyết số đất bị lấn chiếm này đang gặp khá nhiều trở ngại. Công ty đã báo cáo với UBND xã Cư D’răm để hỗ trợ giải quyết, nhưng cả 2 lần triệu tập người dân vào ngày 21-5-2013 và 6-6-2013 tại UBND xã Cư D’răm đều không thành vì các hộ dân không chấp hành. Trước tính chất vụ việc căng thẳng và với chiều hướng lan rộng, gia tăng về mức độ, quy mô diện tích đất bị lấn chiếm, Công ty đã báo cáo tình hình với UBND huyện Krông Bông  để xin ý kiến chỉ đạo. Để hạn chế tình trạng trên tiếp diễn, đơn vị đã lập thêm 1 trạm chốt chặn tại Ea T’long cũng là để góp phần tăng cường bảo vệ rừng tự nhiên, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Bên cạnh đó, cử 6 cán bộ tại trạm tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân sống gần rừng và các khu vực lân cận.

Người dân tự ý xây nhà và trồng cao su trên đất rừng lấn chiếm tại Cư M’lan (Ea Súp).
Người dân tự ý xây nhà và trồng cao su trên đất rừng lấn chiếm tại Cư M’lan (Ea Súp).

Tương tự, trên tổng số diện tích 8.890ha rừng và đất rừng nằm trên địa bàn hai xã Ea Kuêh và Ea Kiết (huyện Cư M'gar) do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ và tổ chức sản xuất kinh doanh, hiện đã có khoảng 460ha bị người dân lấn chiếm trồng cà phê, điều, hồ tiêu, bắp... Ngay tại tiểu khu 547A đang có 19 ngôi nhà người dân địa phương tự cất lên và lấn chiếm hơn 34ha để trồng hoa màu. Mặc dù Công ty đã phối hợp với chính quyền địa phương nhiều lần vào giải tỏa toàn bộ hoa màu và nhà cửa, tiến hành trồng lại rừng, nhưng chỉ chờ cán bộ rút đi, người dân lại vào nhổ bỏ cây rừng mới trồng để lấn chiếm đất tiếp tục canh tác. Chính vì vậy, xung đột giữa người dân với lực lượng quản lý bảo vệ rừng ở đây luôn diễn ra gay gắt.

Cùng hoàn cảnh trên, Công ty TNHH MTV M’Drak cũng đang gần như bế tắc trong việc giải quyết vấn đề tranh chấp, lấn chiếm đất rừng thuộc địa bàn quản lý. Mặc dù đơn vị đã triển khai khá nhiều biện pháp ngăn chặn, nhưng tình trạng phá, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy vẫn liên tục xảy ra trên các xã Ea Trang, Cư San,  Krông Á, Krông Jing. Nhất là vào những tháng cuối năm 2012, luôn xảy ra các vụ lấn chiếm đất rừng ở các khu vực giáp ranh giữa 2 xã Ea Trang và Cư San, khu vực Ea Krông và Sông Chò. Đáng chú ý là trên địa bàn xã Krông Jing, từ năm 2012 đến nay, luôn xảy ra các vụ lấn chiếm đất rừng đang khai thác để làm nương rẫy. Hiện nay, khoảng 200 ha rừng trồng sau khi khai thác của Công ty đã bị người dân lấn chiếm trồng tỉa hoa màu nên không thể trồng lại rừng. Mặc dù Công ty đã tạo điều kiện cho người dân ký kết hợp đồng trồng rừng, hoặc có thể thực hiện mô hình nông - lâm kết hợp trên diện tích đất bị lấn chiếm, nhưng người dân vẫn không hợp tác. Ở địa bàn Ea Súp, Công ty TNHH MTV Chư M’Lanh được giao quản lý hơn 14.700ha rừng, đất rừng, nhưng đến nay có khoảng 6.000ha bị người dân lấn chiếm để trồng cao su, các loại cây hoa màu. Tranh chấp đất đai giữa Công ty Chư M’Lanh và người dân gay gắt đến nỗi một số dự án liên doanh liên kết của tỉnh đề ra không thể thực hiện được. Đơn cử như Dự án của Công ty Cổ phần Vinamit, tháng 7-2012, được UBND tỉnh ra quyết định thu hồi hơn 900ha đất tại tiểu khu 294 và 295 do Công ty Chư M’Lanh quản lý để giao cho Công ty thuê với dạng đất rừng sản xuất để trồng các loại cây công nghiệp, nông nghiệp. Thế nhưng, Vinamit đã phải rút dự án, trả lại phần diện tích đất mà UBND tỉnh đã giao vì tất cả diện tích đất trên đã bị người dân lấn chiếm để canh tác hoa màu.

Báo cáo tổng kết về việc thực hiện Nghị quyết 28-TW của Bộ Chính trị về sắp xếp đổi và phát triển nông, lâm trường quốc doanh, UBND tỉnh thừa nhận: việc tranh chấp, lấn chiếm đất đai vẫn tiếp tục kéo dài và khó có thể giải quyết dứt điểm; nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ việc quản lý sử dụng đất của các công ty lâm nghiệp sau chuyển đổi trong thời gian dài thiếu chặt chẽ, được giao quản lý diện tích đất lớn nhưng không có vốn đầu tư, năng lực tự tổ chức sản xuất kém nên chưa phát huy được hiệu quả sử dụng đất. Kế đến là do phần lớn đất đai giao cho các nông, lâm trường trước đây chỉ bằng việc ra các quyết định mà không thực hiện giao đất trên thực địa; còn các chương trình giao đất, giao rừng thì chỉ thực hiện trên bản đồ nên trên thực tế diện tích bị chồng lấn rất nhiều. Theo yêu cầu, diện tích bàn giao cho địa phương phải được thống kê chi tiết từng loại đất và hồ sơ địa chính, tuy nhiên do không có kinh phí đo đạc lập bản đồ địa chính, nên khi bàn giao quỹ đất này địa phương quản lý vẫn chưa cấp GCNQSDĐ cho người dân theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, áp lực dân di cư tự do trong những năm qua cùng với tác động của kinh tế thị trường, giá cả của một số mặt hàng nông sản, công nghiệp như sắn, mía, cao su… tăng cao nên người dân xâm canh vào đất đai của Công ty để trồng các loại cây trên.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng trên, UBND tỉnh cũng đã đề ra giải pháp: rà soát lại thực trạng hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp hiện nay, tổ chức đánh giá lại tình hình đất đai sản xuất và cuộc sống người dân ở vùng có các công ty này đang quản lý để trên cơ sở đó bố trí lại đất đai phù hợp với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp. Thực hiện quản lý chặt chẽ về đất đai, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên đất gắn với việc giải quyết đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng thường xuyên xảy ra xung đột, tranh chấp giữa người dân với doanh nghiệp. UBND tỉnh cũng đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí để triển khai Đề án đo đạc địa chính và cắm mốc ranh giới các nông, lâm trường nhằm từng bước loại bỏ tình trạng tranh chấp, lấn chiếm, qua đó thống kê thực trạng sử dụng đất của các nông, lâm trường được chính xác theo từng loại hình sử dụng. Mục đích của công tác thống kê là làm rõ được từng loại: đất giao khoán, cho thuê, mượn, đất liên doanh, liên kết; việc chuyển nhượng đất đai; diện tích đất chuyển giao về lại địa phương quản lý…

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc