Multimedia Đọc Báo in

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn – “Cú hích” trong xây dựng nông thôn mới

03:40, 02/09/2013

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), tiêu chí thu nhập là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất. Với điều kiện như hiện nay, đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) được xem là giải pháp tối ưu để giải quyết vấn đề này.

Toàn bộ học viên tại Lớp may, Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Ana  đã được Công ty May Nhà Bè (TP. Hồ Chí Minh) nhận vào làm việc sau khóa học.
Toàn bộ học viên tại Lớp may, Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Ana đã được Công ty May Nhà Bè (TP. Hồ Chí Minh) nhận vào làm việc sau khóa học.

Thực tế hiện nay, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi để tăng năng suất, tăng hiệu quả vật nuôi, cây trồng đã được nông dân áp dụng rộng rãi. Nhiều nơi, năng suất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp gần như đã đạt ngưỡng. Thế nên những nơi này, việc tăng năng suất thêm để tăng thu nhập cho nông dân trong thời gian tới sẽ rất hạn chế. Bên cạnh đó, hiện nay áp lực về việc làm ở vùng nông thôn trong tỉnh đang ngày càng lớn, nếu không có giải pháp đột phá để dạy nghề cho lao động dôi dư ở nông thôn, thì Dak Lak khó có thể giảm được sức ép về việc làm ở khu vực này. Từ thực tế đó, giải pháp mà các xã điểm xây dựng NTM đưa ra để tăng thu nhập cho nông dân trong thời gian tới là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, sử dụng đất, khuyến khích phát triển trang trại chăn nuôi theo quy mô vừa và nhỏ, khuyến khích người dân tham gia học nghề nông thôn để chuyển dịch cơ cấu lao động, xúc tiến giới thiệu việc làm cho LĐNT vào các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học và từng bước đưa cơ giới hóa vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất, giảm hao hụt sau thu hoạch... cũng được các xã đặc biệt quan tâm. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Điền (xã điểm xây dựng NTM của huyện Krông Ana) Lê Đức Thành chia sẻ, trong khi đất ngày càng chật, người ngày càng đông thì người dân nông thôn không có cách nào khác là phải nâng cao trình độ sản xuất và tạo thêm thu nhập từ những công việc “phi nông nghiệp” khác. Đây không chỉ là hướng đi của xã Quảng Điền mà gần như là hướng đi đúng của các địa phương trong toàn tỉnh.

Chị Dương Thị Phương (bìa phải) – Hợp tác xã Mây tre đan Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) đang hướng dẫn học viên xã Quảng Điền học nghề mây tre đan. Sau khi học xong lớp dạy nghề này, toàn bộ sản phẩm mà bà con làm ra sẽ được Hợp tác xã Mây tre đan Ea Kao bao tiêu.
Chị Dương Thị Phương (bìa phải) – Hợp tác xã Mây tre đan Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) đang hướng dẫn học viên xã Quảng Điền học nghề mây tre đan. Sau khi học xong lớp dạy nghề này, toàn bộ sản phẩm mà bà con làm ra sẽ được Hợp tác xã Mây tre đan Ea Kao bao tiêu.

Nhận thức rõ điều này, tại Dak Lak, công tác triển khai, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện đào tạo nghề cho LĐNT nói chung, Đề án đào tạo nghề cho LĐNT vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Đề án 1956) nói riêng đã được thực hiện đồng bộ. Riêng với Đề án 1956, 100% các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh có Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án, 100% các xã có tổ công tác và quy chế hoạt động. Tỉnh cũng đã hỗ trợ đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề công lập cấp huyện; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, người dạy nghề. Hiện nay, toàn tỉnh có 14 trung tâm dạy nghề cấp huyện với nhiệm vụ chính là đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Với mục tiêu trong giai đoạn 2010-2020, mỗi năm tỉnh sẽ thực hiện đào tạo cho khoảng 8000 LĐNT (trong đó ưu tiên đồng bào dân tộc thiểu số). Trong gần 4 năm qua, đã có hàng chục nghìn LĐNT được đào tạo các nghề như kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, cơ khí, sửa chữa xe máy, tiểu thủ công nghiệp, mộc, may, xây dựng… Chương trình đào tạo nghề cho LĐNT bước đầu đã thu được nhiều kết quả tích cực. Theo thống kê của Phòng Quản lý lao động và dạy nghề (Sở LĐTB-XH) gần 79 % LĐNT học xong có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng cho năng suất, thu nhập cao hơn; trên 4%  LĐNT thuộc hộ nghèo, sau khi học nghề có việc làm, thu nhập và đã thoát nghèo.

Rõ ràng, đào tạo nghề, dạy nghề cho LĐNT có vai trò quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực LĐNT, có tác động mạnh đến phong trào xây dựng NTM, góp phần tạo ra các mô hình sản xuất hiệu quả, giúp chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập và đời sống của người nông dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền nông nghiệp, xây dựng NTM theo hướng hiện đại, bền vững. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho LĐNT tại một số địa phương vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Tình trạng đào tạo nghề chưa gắn với nhu cầu thực tế, đào tạo dồn dập, cấp tốc để đạt chỉ tiêu dẫn đến chất lượng không bảo đảm; hoặc mở lớp dạy nghề nhưng không tính đến đầu ra nên LĐNT học xong thì không có việc làm; mức hỗ trợ cho đối tượng nghèo, đối tượng chính sách còn hạn chế;  tỷ lệ giữa LĐNT được học nghề nông nghiệp và nghề phi nông nghiệp vẫn chưa được cân đối … Do đó, sức thu hút đối với LĐNT tham gia học nghề chưa cao. Theo Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Ana Đinh Thị Danh, để công tác đào tạo nghề, dạy nghề cho LĐNT đạt hiệu quả cao, gắn với nhu cầu phát triển của xã hội và kinh tế địa phương, các cấp ủy đảng, chính quyền cần thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chương trình dạy nghề cho LĐNT gắn với chương trình xây dựng NTM. Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ quy hoạch sản xuất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, tổ chức đào tạo nghề, hỗ trợ vốn sản xuất cho nông dân và thị trường tiêu thụ sản phẩm… Xác định kịp thời nhu cầu học nghề của LĐNT, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp, của thị trường lao động trên địa bàn, trên cơ sở đó xác định danh mục nghề đạo tạo và xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT phù hợp. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề cho LĐNT và coi trọng hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông để học sinh có thái độ đúng đắn về học nghề lập nghiệp.

Quốc Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.