Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M’gar: Khi các đoàn thể chung tay xây dựng nông thôn mới

09:17, 03/09/2013
Sau hơn 2 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011- 2015, diện mạo các vùng nông thôn huyện Cư M’gar, nhất là các xã điểm đang từng bước đổi thay. Có được thành quả đó, không thể không kể đến vai trò to lớn của các tổ chức Đoàn, Hội trong huyện khi có sự chung sức, đồng lòng cùng người dân.

Phát huy vai trò nòng cốt của các tổ chức Đoàn, Hội

Ngay sau khi triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy Cư M’gar đã xác định rõ, đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, nhằm làm thay đổi diện mạo, đưa đời sống kinh tế - xã hội ở nông thôn từng bước phát triển. Vì vậy, việc phát huy sức mạnh của các tổ chức đoàn thể huyện luôn giữ vai trò hết sức quan trọng, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động và chung sức cùng người dân xây dựng NTM. Kết quả trong hơn 2 năm qua, Huyện Đoàn đã tổ chức được 138 buổi sinh hoạt lồng ghép các nội dung tuyên truyền về xây dựng NTM trong các hoạt động thanh thiếu niên và các sự kiện của địa phương, hội thi, hội diễn văn nghệ...; phát động phong trào tuổi trẻ cùng người dân tham gia xây dựng, sửa chữa, dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm (tổng cộng đã sửa chữa được 32 km đường trục thôn xóm, 5 km đường trục chính nội đồng). Anh Hoàng Xuân Việt, Bí thư Huyện Đoàn chia sẻ: Bên cạnh công tác xã hội, Huyện Đoàn còn đẩy mạnh phát triển các mô hình nghề truyền thống cho thanh niên và người dân trên địa bàn. Hình thành nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu như trang trại nuôi cá, heo rừng của gia đình anh Trần Đình Hiếu ở thôn 2, xã Ea Kpam; cơ sở làm cửa sắt của anh Nguyễn Phi Long ở thị trấn Ea Pôk; trồng cà phê xen canh của hộ gia đinh anh Y Thuần Niê, xã Ea Kuêh... đem lại thu nhập ổn định hằng năm trên 200 triệu đồng/hộ. Để phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ trong tham gia các hoạt động giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn nông thôn, đến nay đã có 14 đội thanh niên tình nguyện giữ gìn trật tự an toàn giao thông; 10 đội thanh niên tình nguyện cấp xã…. làm tốt công tác vận động thanh thiếu niên đấu tranh phòng chống, ngăn ngừa, đẩy lùi các biểu hiện vi phạm trật tự an toàn xã hội, các tệ nạn xã hội, đảm bảo trật tự an toàn giao thông…

Cùng với đó, các Hội Người cao tuổi, Cựu chiến binh, Nông dân, Phụ nữ huyện Cư M’gar… cũng tích cực vào cuộc với nhiều hoạt động thiết thực mang lại hiệu quả lớn trong công cuộc xây dựng NTM. Bằng những việc làm cụ thể gắn với thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” (không đói nghèo, không trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học, không sinh con thứ 3, không bạo lực gia đình, không vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội; sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ), Hội Phụ nữ huyện đã có nhiều cách làm sáng tạo, huy động được sức mạnh của cán bộ, hội viên cùng với người dân chung tay xây dựng NTM. Đẩy mạnh phong trào “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập”, vận động những phụ nữ có kinh tế khá giúp đỡ chị em nghèo và cận nghèo vay vốn, cây giống, con giống, ngày công lao động, vật tư… (trị giá trên 2 tỷ đồng); duy trì và nhân rộng các tổ nhóm tiết kiệm giúp nhau (với số tiền tiết kiệm 2,17 tỷ đồng cho 1.607 chị vay)… Hằng năm, các Hội Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh… của huyện và xã cũng thường xuyên phối hợp với Trạm Thú y, Trạm Khuyến nông tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn các hội viên và bà con trên địa bàn biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây cà phê, trồng rau an toàn, cách làm nấm rơm, ủ phân vi sinh bằng vỏ cà phê, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm..., được chính quyền địa phương đánh giá cao và người dân hưởng ứng, tham gia nhiệt tình. Thông qua các kiến thức học được, nhiều hội viên và bà con đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình làm kinh tế có hiệu quả, nhiều gia đình từ hộ nghèo đến nay đã thoát nghèo, yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế. Điển hình như hộ gia đình các chị Lê Thị Sửu, thôn 14, xã Ea Kiết; Nguyễn Thị Thanh, thôn 2, xã Cư M’gar; H’Bóp Ayun, buôn HukA, xã Cư M’gar… là những hộ khó khăn đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu, mua sắm được nhiều thiết bị sinh hoạt đắt tiền trong gia đình. Ý thức cộng đồng của người dân cũng nhờ đó được nâng cao, nhiều hộ gia đình đã tích cực nêu gương sáng, hiến đất, góp công làm các công trình xã hội; tham gia giám sát, đóng góp ý kiến thiết thực vào kế hoạch xây dựng NTM ở địa phương, làm tốt chủ chương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Đoàn viên thanh niên huyện Cư M’gar giúp người dân lắp đặt hệ thống thủy lợi.
Đoàn viên thanh niên huyện Cư M’gar giúp người dân lắp đặt hệ thống thủy lợi.

Làm thay đổi diện mạo nông thôn

Đến thăm Quảng Tiến, xã điểm về xây dựng NTM của huyện Cư M’gar, chúng tôi cảm nhận rất rõ sự “thay da, đổi thịt” của địa phương này. Điều dễ nhận thấy nhất là những con đường đất đỏ lầy lội trước kia, nay đã được trải nhựa, bê tông phẳng lì, sạch sẽ; những ngôi nhà kiên cố, cao tầng mọc lên ngày càng nhiều...Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, các đoàn thể quần chúng ở địa phương cùng sự đồng thuận trong nhân dân, đến nay Quảng Tiến là xã đầu tiên của tỉnh đạt 15/19 tiêu chí NTM, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Về xã Cư Suê, ông Dương Ưng, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, trước đây đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, do trình độ canh tác nông nghiệp lạc hậu, kênh mương thủy lợi nội đồng thiếu thốn, đường giao thông ở các thôn, buôn không thuận lợi cho việc giao thương, vận chuyển hàng hóa... Đến nay, chương trình xây dựng NTM nơi đây đã được chính quyền và nhân dân vận dụng khéo léo, hiệu quả. Giờ đây, bộ mặt nông thôn nơi đây đã đổi mới nhiều: đường làng ngõ xóm đã được nhựa, bê tông hóa sạch đẹp, trạm y tế xã với nhiều thiết bị y tế hiện đại, chăm sóc tốt hơn cho sức khỏe bà con; bưu điện xã luôn bảo đảm lưới thông tin liên lạc ổn định; an ninh trật tự được giữ vững… đời sống, kinh tế- xã hội của bà con ngày một khởi sắc.

Ông Nguyễn Văn Tư, Phó Chủ tịch Hội Nông Dân huyện Cư Mgar chia sẻ: Thực hiện chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2011- 2015 trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đồng bào các dân tộc trong huyện đã tham gia đóng góp gần 28 tỷ đồng, gần 4.000 ngày công và hiến hàng chục nghìn mét vuông đất để xây dựng các công trình văn hóa, đường giao thông ở khu vực nông thôn. Đây là những nhân tố quan trọng và làm nòng cốt trong quá trình xây dựng NTM, góp phần làm cho tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ gần 16,55% (năm 2011) giảm xuống còn gần 12% (hiện nay); các chỉ tiêu như xây dựng cơ sở hạ tầng đường, điện sinh hoạt đều đạt và vượt chỉ tiêu; trên 74% số người được sử dụng nước hợp vệ sinh; nhiều hộ nghèo khó khăn nhà ở đủ điều kiện theo quy định đã được hỗ trợ xây dựng…, cuộc sống của người dân địa phương ngày một nâng cao.

 Lê Thành

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.