Multimedia Đọc Báo in

Một doanh nhân cựu chiến binh tâm huyết với “cà phê sạch”

06:40, 08/09/2013
Năm 2011, thương hiệu cà phê bột Hương Giang của gia đình ông Bùi Đình Truyện là một trong 229 thương hiệu được công nhận nổi tiếng quốc gia và ông cũng là một trong 131 cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu toàn quốc được nhận giải thưởng “Thương hiệu nổi tiếng quốc gia” và “Doanh nhân xuất sắc Đất Việt” do Bộ Công Thương, Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Mạng Nhãn hiệu Việt trao tặng. Trước đó, năm 2008 khi Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội chợ Người lính với hội nhập lần thứ nhất, ông đã vinh dự được Đại tướng Võ Nguyễn Giáp trao tặng Cúp vàng “Doanh nhân - cựu chiến binh xuất sắc trong mặt trận kinh tế hội nhập đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”… Đó là những giải thưởng cao quý mà ông Bùi Đình Truyện, chủ cơ sở sản xuất cà phê bột Hương Giang (TP. Buôn Ma Thuột) đã nhiều lần được trao tặng trong quá trình khẳng định uy tín và vị thế trên thương trường.

 

Để có được những thành công như hôm nay là nhờ sự nỗ lực và cam kết giữ chữ tín của ông chủ cà phê bột Hương Giang đã có tuổi đời hơn 80 và tuổi nghề cũng đã khá “chín”. Sự ủng hộ của người tiêu dùng và sự ghi nhận của Chính phủ bằng chính những giải thưởng vinh danh là niềm tin để ông Truyện tiếp tục đi theo hướng sản xuất cà phê sạch nguyên chất. Ông Truyện chia sẻ: Hiện thị trường trong nước còn tiềm năng rất lớn với trên 80 triệu dân, nhưng tiêu thụ chỉ có 10% sản lượng cà phê, vì vậy việc xây dựng thương hiệu của ngành cà phê bột với phong cách riêng là hết sức cần thiết. Cà phê Buôn Ma Thuột từ lâu đã được khẳng định, có chất lượng tự nhiên cao và có hương vị đậm đà do được trồng ở độ cao nhất định so với mặt biển; nhưng do khâu thu hái, phơi sấy, chế biến không tốt đã ảnh hưởng đến chất lượng vốn có… Và vì điều này mà ông đã tiếp cận, vận động một số hộ nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc sản xuất để xây dựng vùng nguyên liệu cà phê bền vững. Anh Y Chanh Niê (ở buôn Kô Tam, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) là một trong những hộ dân trồng cà phê theo hướng phát triển bền vững cho biết: “Tại địa bàn này có hơn 10 ha cà phê sản xuất theo mô hình cà phê bền vững. Nhiều năm nay, tôi và một số hộ đều bán sản phẩm cà phê nhân xô cho ông Truyện và giá lúc nào cũng cao hơn thị trường khoảng 10.000 đồng/kg…”. Có thể nói, bắt đầu từ khâu trồng và chăm sóc đến khâu thu hoạch, sản xuất đều đạt yêu cầu nên trong các Cúp vàng được nhận, sản phẩm cà phê bột Hương Giang luôn đạt các chỉ số an toàn cao, được đánh giá là cà phê sạch, sản phẩm vì sức khỏe cộng đồng. Và dù cho thị trường hiện nay có rất nhiều hãng cà phê bột, nhưng cà phê Hương Giang vẫn giữ cho mình một chỗ đứng riêng trong lòng người tiêu dùng.

Con gái ông, chị Bùi Thị Hương Giang tâm sự: Người cha - người chủ cơ sở của chị dù hiện nay tuổi đã cao nhưng vẫn mạnh mẽ đấu tranh với hàng nhái, hàng kém chất lượng và mong muốn con cháu trong gia đình giữ gìn thương hiệu mà mọi người đã khổ công xây dựng nên. Làm được điều này thì sẽ là yếu tố quan trọng để lồng ghép thương hiệu cà phê Tây Nguyên với thương hiệu quốc gia, từng bước khẳng định vị thế hàng đầu của cà phê Việt Nam thời kỳ kinh tế hội nhập đổi mới.

Xuân Hòa

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.