Multimedia Đọc Báo in

Năm Du lịch quốc gia 2014 Tây Nguyên: Cơ hội và thách thức

09:35, 24/09/2013

 Tây Nguyên đã được Chính phủ chọn là điểm đến của Năm Du lịch Quốc gia 2014. Năm Du lịch Quốc gia 2014 Tây Nguyên – Đà Lạt với chủ đề “Đại ngàn Tây Nguyên” được xem như là cơ hội tốt để phát triển ngành "công nghiệp không khói" của vùng đất này...

Kỳ I: Đánh thức đại ngàn

Nói đến vùng văn hóa - du lịch Tây Nguyên, người ta nghĩ ngay đến vùng không gian văn hóa cồng chiêng, kho tàng sử thi, kiến trúc nhà rông, đến cà phê Buôn Ma Thuột và các ca khúc rực lửa. Tây Nguyên mang trong mình một vẻ đẹp hoang sơ, nguyên thủy giống như một sơn nữ: Dung dị, mộc mạc và hồn nhiên.

Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Tây Nguyên mang trong mình những vẻ đẹp hoang sơ...
Tây Nguyên mang trong mình những vẻ đẹp hoang sơ...

Địa bàn Tây Nguyên trải dài trên 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Dak Lak, Dak Nông và Lâm Đồng. Thực chất, Tây Nguyên không phải là một cao nguyên duy nhất mà là một loạt cao nguyên liền kề. Đó là các cao nguyên Kon Tum cao khoảng 500 m, cao nguyên Kon Plông, cao nguyên Kon Hà Nừng, Pleiku cao khoảng 800 m, cao nguyên M'Drak cao khoảng 500m, cao nguyên Buôn Ma Thuột cao khoảng 500 m, cao nguyên Lâm Viên cao khoảng 1500 m và cao nguyên Di Linh cao khoảng 900–1.000 m so với mực nước biển. Tất cả các cao nguyên này đều được bao bọc về phía Đông bởi những dãy núi và khối núi cao. Nhắc đến Tây Nguyên người ta nghĩ ngay đến sự hoang sơ, kỳ vĩ của núi rừng nơi đây. Nhiều diện tích rừng với thảm sinh vật đa dạng, trữ lượng khoáng sản phong phú hầu như chưa khai thác nhiều và tiềm năng du lịch lớn với các vườn quốc gia nổi tiếng như: Yok Don, Chư Yang Sin (Dak Lak), Chư Mom Ray (Kon Tum), Chư Prong (Gia Lai) và Bidoup - Núi Bà (Lâm Đồng), khu bảo tồn tự nhiên Ngọc Linh (Kon Tum). Với địa hình đồi núi, Tây Nguyên cũng nổi tiếng với hệ thống hồ, thác nước hùng vĩ, độc đáo. Đây là thuận lợi cơ bản để xây dựng những sản phẩm du lịch sinh thái mang bản sắc riêng của Tây Nguyên.

Vùng đất Tây Nguyên còn giữ được vẻ hoang sơ – kỳ vĩ.
Vùng đất Tây Nguyên còn giữ được vẻ hoang sơ – kỳ vĩ.

Bên cạnh cảnh tượng hùng vĩ, Tây Nguyên là khu vực tập trung 45 dân tộc thiểu số sinh sống nên nổi tiếng với những bản sắc văn hóa dân tộc phong phú, với các di tích lịch sử, văn hóa nghệ thuật có giá trị, các sinh hoạt văn hóa dân tộc đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên như Êđê, M’nông, Bana, Giarai, Cơ Ho, Chu Ru... Các dân tộc thiểu số Tây Nguyên có một nền văn hóa bản địa phong phú và đa dạng, với những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể hết sức quý giá như đàn đá, cồng chiêng cùng các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian, sinh hoạt cộng đồng phong phú và kho tàng văn học dân gian đặc sắc. Hiện nay, Tây Nguyên là nơi còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa có giá trị thẩm mỹ độc đáo như: nhà rông, nhà dài, đàn đá, tượng nhà mồ, các lễ hội và một kho tàng văn học dân gian với những bản trường ca, truyện cổ, truyện ngụ ngôn, lời nói vần, những làn điệu dân ca đậm đà bản sắc lưu truyền qua nhiều thế hệ. Một trong những di sản nổi tiếng là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được Ủy ban Văn hóa - Khoa học và Giáo dục Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là "Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”. Nói về vốn văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, các nhà quản lý, chuyên gia nghiên cứu đều khẳng định, đây là một “kho báu”, một vốn quý đồ sộ trong kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam. Những giá trị văn hóa bản địa đa dạng, phong phú và đặc sắc này không phải vùng đất nào cũng có được.

“Cú hích” với du lịch Tây Nguyên

Năm Du lịch Quốc gia Tây Nguyên - Đà Lạt 2014 là một sự kiện văn hóa xã hội có quy mô quốc tế, là cơ hội để giới thiệu, quảng bá hình ảnh thiên nhiên và con người Đà Lạt - Lâm Đồng, Tây Nguyên đến với bạn bè trong và ngoài nước. Đây cũng là dịp để 5 tỉnh Tây Nguyên kết nối các thế mạnh về thắng cảnh thiên nhiên, di sản văn hóa phong phú và đặc sắc, tạo thành chuỗi hoạt động xuyên suốt, nhằm quảng bá điểm đến cho du lịch Việt Nam, thúc đẩy kinh tế - xã hội của khu vực này phát triển. Với chủ đề “Đại ngàn Tây Nguyên”, Năm Du lịch Quốc gia 2014 sẽ chính thức khai mạc vào cuối tháng 12-2013 tại Đà Lạt (Lâm Đồng) và diễn ra trong suốt cả năm 2014. Hiện đã có khoảng 45 sự kiện chính thức đã được thống nhất và sẽ do Bộ VHTT&DL cùng các tỉnh: Lâm Đồng, Dak Lak, Dak Nông, Gia Lai và Kon Tum tổ chức. Theo đó sẽ diễn ra với 9 chương trình du lịch đặc trưng và 17 sự kiện tiêu biểu, trong đó 13 sự kiện diễn ra tại Đà Lạt trong suốt năm và 4 sự kiện diễn ra tại 4 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Dak Lak và Dak Nông. Năm du lịch sẽ được khởi đầu bằng sự kiện Kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển (12-2013), chính thức mở màn bằng Festival Hoa Đà Lạt 2014 (Tết dương lịch) và Tuần lễ Văn hóa khai mạc Năm Du lịch Quốc gia. Tiếp đến là các sự kiện được trải đều trong suốt 12 tháng của năm 2014. Cụ thể, Liên hoan thổ cẩm và trình diễn trang phục Tây Nguyên sẽ giới thiệu không gian dệt thổ cẩm các dân tộc Việt Nam, đêm hội trình diễn của các nghệ nhân dệt thổ cẩm, thi người đẹp và trang phục thổ cẩm Tây Nguyên. Liên hoan tượng gỗ Tây Nguyên diễn ra với nghệ thuật sắp đặt tượng gỗ Tây Nguyên và hoa Đà Lạt, tôn vinh các nghệ nhân chế tác tượng gỗ, biểu diễn chế tác tượng gỗ. Festival cồng chiêng quốc tế với triển lãm và giới thiệu di sản văn hóa cồng chiêng, tái hiện không gian văn hóa cồng chiêng; Carnaval cồng chiêng, đêm hội cồng chiêng Langbian, Festival các nhóm nghệ thuật đường phố quốc tế… Bên cạnh 13 sự kiện diễn ra tại Đà Lạt, còn có 4 cụm sự kiện du lịch diễn ra tại các tỉnh Tây Nguyên, gồm: Hội đua voi Buôn Đôn (Dak Lak) vào tháng 3-2014 với các nội dung: Lễ hội đua voi Buôn Đôn, Giải đua thuyền truyền thống Krông Ana, Tour du lịch homestay “Đến với voi Bản Đôn” và Tour du lịch dã ngoại “Hồ Lak – Hoang sơ và kỳ vĩ”; Lễ hội Biển Hồ mùa Xuân - Pleiku (tháng 3-2014) với hội đua thuyền độc mộc, du ngoạn Biển Hồ, Lễ hội dân gian của đồng bào Giarai, Bana, ẩm thực cá Biển Hồ. Lễ hội nhà rông Bana (Kon Tum, tháng 3-2014), Lễ hội đồng bào Bana tại nhà rông. Tuần lễ du lịch khám phá thác nước Dak Nông với chương trình khám phá cao nguyên và 15 thác nước đẹp và lễ hội của đồng bào M’nông.

Với mật độ các sự kiện diễn ra liên tục như vậy, Năm du lịch quốc gia Tây Nguyên - Đà Lạt 2014 sẽ là “điểm nhấn” quan trọng trên chặng đường phát triển của du lịch Tây Nguyên. Theo Trưởng Phòng Nghiệp vụ Du lịch (Sở VHTT&DL Dak Lak) Đinh Một, việc được chọn là điểm đến của Năm Du lịch Quốc gia, khu vực Tây Nguyên nói chung, trong đó có Dak Lak sẽ được Chính phủ ưu tiên đầu tư nhiều hạng mục phục vụ du lịch như cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực… Quan trọng hơn, Tây Nguyên nói chung, Dak Lak nói riêng chắc chắn sẽ là “từ khóa” được nhắc đến nhiều nhất, với mật độ dày đặc nhất trong thời gian tới. Rõ ràng đây là cơ hội không thể tốt hơn để ngành du lịch của khu vực phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

(Còn nữa)

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.