Phát huy hiệu quả nguồn viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài
Trại hè bóng đá hòa nhập là một trong những chương trình mang lại hiệu quả cao của Dự án “Hỗ trợ phát triển sớm, can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật” do MCNV (Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam) tài trợ. |
Từ năm 2003 đến năm 2005, hoạt động của các tổ chức PCPNN tại tỉnh ta còn hạn chế do tình hình bất ổn của an ninh nông thôn. Bắt đầu từ năm 2006 đến nay với sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã, địa phương nơi tiếp nhận khoản viện trợ, tạo điều kiện cho việc triển khai thực hiện được thuận lợi, các tổ chức PCPNN tăng lên đáng kể về số lượng và quy mô vốn. Đến nay, tỉnh đã tiếp nhận và triển khai thực hiện 78 khoản viện trợ từ nguồn vốn tài trợ của 47 tổ chức phi chính phủ nước ngoài với tổng giá trị cam kết toàn dự án là 22,84 triệu USD. Cũng từ đầu năm 2013 đến nay, tỉnh đã có 19 khoản viện trợ PCPNN đang được triển khai thực hiện và 5 khoản viện trợ đang tiến hành các thủ tục phê duyệt với tổng giá trị cam kết toàn dự án là gần 18,7 triệu USD. Hiện trên địa bàn tỉnh có 14 tổ chức phi Chính phủ đang hoạt động. Nguồn vốn của các tổ chức tài trợ này đều đã được Công an tỉnh làm rõ, qua theo dõi nắm tình hình chưa phát hiện có hoạt động phức tạp liên quan đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội của tỉnh. Các tổ chức hoạt động viện trợ PCPNN có chương trình, dự án tại Dak Lak thường thông qua các cơ quan của tỉnh làm đối tác thực hiện. Định kỳ 6 tháng, 1 năm chuyên gia và người nước ngoài của tổ chức đến kiểm tra việc thực hiện tại địa bàn dự án. Nhìn chung, các tổ chức PCPNN cơ bản thực hiện đúng cam kết và tuân thủ các quy định trong việc đi lại cũng như làm việc với chính quyền địa phương, có lịch làm việc cụ thể, việc cử cán bộ dự án, nhất là người nước ngoài, đến làm việc tại địa phương đều được thông báo trước. Khi khoản viện trợ đi vào hoạt động định kỳ, các tổ chức tài trợ đến kiểm tra và đánh giá hoạt động của khoản viện trợ. Hoạt động của các tổ chức PCPNN trên địa bàn tỉnh cho đến nay tương đối ổn định, hiệu quả và chưa phát hiện có biểu hiện phức tạp.
Một dự án ở Dak Lak do MCNV (Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam) tài trợ. |
Các khoản viện trợ tập trung vào các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, tăng phúc lợi xã hội như y tế, giáo dục; dành sự ưu tiên cho phát triển năng lực cho người dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em; giải quyết vấn đề môi trường, cơ sở hạ tầng; tỷ lệ đầu tư trực tiếp các đối tượng thự hưởng chiếm tỷ trọng cao, các chi phí gián tiếp khác chiếm tỷ trọng nhỏ, góp phần cùng địa phương giải quyết một số khó khăn về cơ sở vật chất, đời sống của các đối tượng thụ hưởng trong vùng dự án. Các chương trình, dự án PCPNN đều được thực hiện với sự tham gia tích cực từ phía chính quyền địa phương và người dân trong vùng dự án. Từ đó từng bước nâng cao dân trí, cải thiện đời sống vật chất của người dân vùng dự án; thúc đẩy phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, tạo tiền đề cho việc tiếp thu tri thức, áp dụng thành tựu tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất sản phẩm hàng hóa để nâng cao năng suất cây trồng… Trong điều kiện ngân sách của tỉnh còn nhiều khó khăn, cùng một lúc phải cân đối đầu tư cho nhiều chương trình, dự án khác nhau, thì nguồn viện trợ PCPNN đã góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như nâng cao chất lượng đời sống của một bộ phận dân cư ở các vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Hiện tại, một số tổ chức phi chính phủ đã có nhiều dự án có hiệu quả trên các lĩnh vực, vùng miền của tỉnh như: AP (Mỹ), CDC (Mỹ), Pathfinder International – BM043/UB-ĐD, Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp nhiệt đới quốc tế - CIAT, Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế – IFAD… với các dự án như: Hỗ trợ phát triển huyện Ea Kar (DA9) giai đoạn 2011 – 2015, Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số thông qua các hành vi có lợi cho sức khỏe, Cải thiện các hệ thống nuôi dưỡng động vật ăn cỏ trong nông hộ nhỏ vùng Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam, Dự án HTKT Sản xuất cà phê bền vững đáp ứng biến đổi khí hậu tại Việt Nam… đã và đang phát huy được những hiệu quả. Điển hình nhất là trong năm 2011, tỉnh đã vận động thành công một dự án với quy mô lớn nhất từ trước đến nay từ tổ chức AP/Mỹ dành cho dự án “Xây dựng cơ sở vật chất trạm y tế để nâng cao chất lượng hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu tỉnh Dak Lak”. Đây là khoản viện trợ PCPNN với quy mô lớn nhất từ trước đến nay dành cho tỉnh với tổng mức đầu tư cửa dự án là 13 triệu USD, trong đó: viện trợ không hoàn lại từ AP là 6,5 triệu USD. Đến nay dự án đã bàn giao đưa vào sử dụng 62/158 trạm, cung cấp trang thiết bị cho 33/184 trạm; giải ngân vốn AP đạt 2,96 triệu USD… Ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng Ban điều phối viện trợ nhân dân Trung ương cho rằng, tỉnh Dak Lak do có cơ chế cùng với sự phối hợp tốt nên mức viện trợ của các tổ chức PCPNN đã đạt gần 20 triệu USD trong năm 2013, đây là một con số khá ấn tượng so với các tỉnh Tây Nguyên. Trong đó dự án “Xây dựng cơ sở vật chất trạm y tế để nâng cao chất lượng hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu tỉnh Dak Lak” là một dự án khá lớn, đã được tỉnh triển khai và thực hiện rất tốt; các cơ sở y tế được trang bị theo đúng chuẩn của Bộ Y tế, từ xây mới cho đến trang thiết bị nên khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần vào việc chăm sóc sức khỏe cho người dân tốt hơn, có thể sẽ giảm tải được cho các tuyến trên… Trong thời gian tới, để thu hút thêm các dự án viện trợ PCPNN, tỉnh Dak Lak cần bám sát Chương trình quốc gia xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2013-2017 do Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành; cơ chế phối hợp giữa các sở, ban ngành cần chặt chẽ, hiệu quả hơn…
Hoàng Gia
Ý kiến bạn đọc