Thực hiện Luật Đất đai: Tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm - vì sao?
Về nguyên nhân ngoài việc thiếu kinh phí cho việc đo đạc lập bản đồ địa chính, cấp GCNQSDĐ thì trên địa bàn tỉnh vẫn có tình trạng các nông lâm trường sợ phải thực hiện nghĩa vụ thuế nên không kê khai đất làm thủ tục. Bên cạnh đó, người dân cũng không mặn mà lắm với việc cấp GCNQSDĐ bởi tâm lý của họ là: có giấy tờ là của mình, không có giấy tờ cũng là đất của mình đang sử dụng! Ngoài ra, nhiều cơ quan Nhà nước và các tổ chức vẫn chưa quan tâm đến việc đăng ký làm hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho đơn vị mình... Đây chính là một trong những bất cập, vướng mắc mà cần phải sớm giải quyết dứt điểm mới mong đẩy nhanh được tiến độ cấp GCNQSDĐ trên địa bàn.
Khó hoàn thành mục tiêu
Theo thống kê của Sở Tài nguyên – Môi trường, tổng diện tích đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ trong toàn tỉnh sau khi rà soát là 1.043.533 ha, trong đó diện tích cần cấp cho tổ chức là 609.457 ha, diện tích cần cấp cho hộ gia đình, cá nhân là 434.058ha. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 7-2013, trên địa bàn toàn tỉnh mới chỉ cấp GCNQSDĐ lần đầu được 831.657 ha (đạt tỷ lệ 79,69%). Trong khi đó, mục tiêu kế hoạch của tỉnh đề ra trong năm 2013 là phải cấp GCNQSDĐ cho 85% diện tích trở lên…
Sở Tài nguyên – Môi trường đánh giá, tính đến nay chỉ có các huyện Cư Kuin, Krông Ana, Krông Năng, Ea Kar và TP. Buôn Ma Thuột là đã cơ bản hoàn thành việc cấp GCNQSDĐ lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân (đạt tỷ lệ trên 85%). Các địa phương còn lại tỷ lệ cấp vẫn còn đạt thấp so với diện tích cần cấp năm 2013. Điển hình là huyện Ea H’leo vẫn còn nhiều xã đạt tỷ lệ cấp GCNQSDĐ thấp so với kế hoạch được giao. Thậm chí trong tháng 8-2013 vừa qua có đến 9 xã không tổ chức kê khai đăng ký hồ sơ cấp đất. Tại huyện Krông Bông hiện vẫn còn 20.541 thửa đất với diện tích 4.061 ha đã đăng ký xét duyệt nhưng vẫn chưa được Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện thẩm định. Trên địa bàn huyện Krông Buk, diện tích cần phải cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân trong năm 2013 là 7.350 ha. Tuy nhiên tiến độ kê khai, đăng ký, xét duyệt hồ sơ còn rất chậm. Trên địa bàn huyện M’Drak, một số xã chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác kê khai đăng ký, xét cấp GCNQSDĐ. Hiện toàn huyện vẫn còn tồn đọng 25.537 thửa đất với diện tích 5.592 ha…
Nhiều cơ quan, tổ chức Nhà nước cũng như doanh nghiệp và người dân vẫn chưa mặn mà với việc đăng ký kê khai cấp GCNQSDĐ. |
Bên cạnh diện tích lớn đất cần cấp GCNQSDĐ cho các hộ gia đình, cá nhân thì hiện tại toàn tỉnh vẫn còn trên 105.914 ha do các cơ quan, tổ chức, nông – lâm trường đang quản lý sử dụng chưa được cấp GCNQSDĐ. Trong đó diện tích đất do tổ chức Nhà nước quản lý chiếm trên 989 ha; đất do UBND xã, phường, thị trấn quản lý trên 523 ha; đất của các nông trường quản lý trên 4.061 ha; Các công ty lâm nghiệp quản lý 16.973 ha, Vườn Quốc gia Yok Đôn 52.160 ha, các tổ chức kinh tế quốc phòng trên 18.388 ha…
Nhiều bất cập!
Giải thích về nguyên nhân tiến độ cấp GCNQSDĐ còn chậm so với kế hoạch, ông Trần Văn Sỹ, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên – Môi trường cho rằng: Sự phối hợp giữa các sở, ngành trong việc hướng dẫn gải quyết những tồn tại vướng mắc chưa thống nhất, đặc biệt là việc xác định nghĩa vụ tài chính khi cấp GCNQSDĐ lần đầu. Bên cạnh đó thì tình trạng xây dựng trái phép, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất mà không làm thủ tục vẫn còn phổ biến đã gây xáo trộn và ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đo đạc, kiểm tra xem xét cấp GCNQSDĐ. Một nguyên nhân nữa cũng ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ cấp GCNQSDĐ chính là vấn đề kinh phí. Ông Sỹ dẫn chứng: Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 1474/CT-TTg ngày 24-8-2011 thì kinh phí để phục vụ cho công tác cấp GCNQSDĐ được bố trí tối thiểu 10% từ nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Tuy nhiên thực tế thì nguồn kinh phí bố trí cho công tác này trên địa bàn tỉnh Dak Lak vô cùng… “nhỏ giọt”. Cụ thể, năm 2012 kinh phí đầu tư cho nhiệm vụ cấp GCNQSDĐ trên địa bàn chỉ có 10,5 tỷ đồng/394 tỷ đồng (đạt 2,6%), và kinh phí cho năm 2013 chỉ có 8,5/306 tỷ đồng (2,7%).
Ngoài những nguyên nhân trên thì nhiều ý kiến còn cho rằng cơ chế chính sách vẫn còn quá nhiều bất cập đã gây khó khăn cho tiến độ cấp GCNQSDĐ. Đơn cử như: Tại Nghị định số 120/2010/NĐ-CP ngày 30-12-2010 của Chính phủ quy định việc cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân là cán bộ và công nhân viên các nông, lâm trường được cấp (giao) đất làm nhà ở ổn định trước ngày 15-10-1993 phải nộp 40% tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, tại Khoản 4, Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 lại quy định trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ổn định trước ngày 15-10-1993 khi cấp GCNQSDĐ không phải nộp tiền sử dụng đất. Trong khi đó, cũng tại Nghị định 120 của Chính phủ quy định trường hợp đất do lấn chiếm sử dụng trước ngày 15-10-1993 khi cấp GCNQSDĐ phải nộp 50% tiền sử dụng đất…
Trước thực tế khó khăn và nhiều bất cập trong việc cấp GCNQSDĐ nêu trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Khiết yêu cầu các ngành các cấp và các địa phương cần phải xây dựng phương án kế hoạch cụ thể để phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra. Riêng về vấn đề kinh phí, yêu cầu Sở Tài chính phối hợp với các ngành tham mưu đề xuất cho UBND tỉnh bố trí ngân sách bảo đảm theo Chỉ thị 1474 của Thủ tướng Chính phủ.
“Đối với những vướng mắc về cơ chế chính sách chung thì tỉnh sẽ có đề xuất kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp. Trước mắt cần phải tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền để người dân nhận thức đầy đủ về quyền lợi và trách nhiệm của mình về đất đai. Bên cạnh đó cũng phải nghiêm túc xử lý các hành vi vi phạm về đất đai. Và ngược lại, cần phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong công tác cấp GCNQSDĐ để kịp thời xử lý những hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu của cán bộ trong công tác này. Có như vậy thì mới mong đẩy nhanh được tiến độ cấp GCNQSDĐ theo kế hoạch đã đề ra...” Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận hội nghị.
Việt Cường
Ý kiến bạn đọc