Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột: Đưa cánh đồng mẫu lúa lai chất lượng cao đến với đồng bào dân tộc thiểu số

09:35, 24/09/2013
Tại Hội thảo tổng kết đầu bờ “mô hình lúa lai giống PAC 807 vụ hè thu 2013”, gần 150 đại biểu tham gia hội thảo đều có chung niềm vui khi lần đầu tiên vụ lúa trên cánh đồng lúa buôn Kao, xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) đạt năng suất lúa tăng 40% so với trước đây.

Bước đầu xây dựng một “Cánh đồng mẫu lúa lai chất lượng cao” đối với buôn làng có 100% đồng bào dân tộc thiểu số là một việc không dễ dàng, vì đây là cánh đồng mẫu lúa lai đầu tiên của TP. Buôn Ma Thuột nói riêng và Dak Lak nói chung; nhưng điều khó khăn ấy đã được vượt qua khi 8 ha lúa lai PAC 807 mang lại cho bà con nơi đây hơn 80 tấn lúa chất lượng cao.

TP. Buôn Ma Thuột có diện tích  tự nhiên 37.718 ha, với diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm gần 70% (26.351 ha). Sản phẩm trồng trọt chủ yếu của thành phố là cà phê và lúa nước, trong đó diện tích sản xuất lúa nước 2 vụ hơn 3.000 ha, cung cấp khoảng 19.000 tấn lúa/năm, nhưng cũng chỉ đáp ứng được hơn 23% nhu cầu gạo tại chỗ - mặc dù năng suất lúa bình quân toàn thành phố khoảng 6,3 tấn/ha, cao hơn so với bình quân cả nước là 0,38 tấn/ha. Năng suất lúa bình quân ở khu vực này cao hơn các vùng miền khác là nhờ sự ưu ái của thiên nhiên. Chế độ nhiệt quanh năm nơi đây phong phú, có biên độ nhiệt giữa ngày và đêm cao: ban ngày nhiệt độ và ánh sáng thích hợp, cây lúa tổng hợp nhiều hợp chất hữu cơ; ban đêm nhiệt độ thấp kéo theo quá trình hô hấp giảm, năng lượng giải phóng vừa đủ cho cây sử dụng tổng hợp dinh dưỡng, hạn chế quá trình hô hấp vô hiệu nên năng suất lúa cao.

Cán bộ và nông dân Phòng Nông nghiệp huyện Cư Jút (Dak Nông)  thăm cánh đồng mẫu lúa lai tại buôn Kao - TP. Buôn Ma Thuột.
Cán bộ và nông dân Phòng Nông nghiệp huyện Cư Jút (Dak Nông) thăm cánh đồng mẫu lúa lai tại buôn Kao - TP. Buôn Ma Thuột.

Bên cạnh những thuận lợi trên, sản xuất lúa nước vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định vì diện tích canh tác lúa nước của bà con còn nhỏ lẻ, đất đai ít bằng phẳng, trình độ canh tác theo tập quán, không đồng đều giữa các hộ, giữa các vùng, chủ yếu sản xuất các giống lúa thuần kháng sâu bệnh thấp nên chưa khai thác được tiềm năng kinh tế của vùng. Bên cạnh đó vụ hè thu Dak Lak rơi vào mùa mưa, ẩm độ không khí cao, tạo điều kiện cho một số các loại sâu bệnh phát sinh gây hại, nguy hiểm nhất là bệnh đạo ôn, đốm sọc vi khuẩn, khô vằn, nấm hoa cúc… vì vậy nông dân thường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật rất nhiều, kéo theo giá thành sản phẩm cao, năng suất lúa thấp, chất lượng kém và hiệu quả kinh tế rất thấp so với các loại cây trồng khác.

Để thực hiện được “giấc mơ bội thu” cho bà con dân tộc thiểu số tại chỗ, phòng Kinh tế TP. Buôn Ma Thuột đã mạnh dạn đề xuất và được sự thống nhất của Hội đồng khoa học Sở Khoa học - Công nghệ về đề tài “Xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lúa lai PAC 807 tại buôn Kao, xã Ea Kao vụ hè thu 2013”. Là giống lúa lai có nguồn gốc từ Ấn Độ, đặc biệt đây là giống lúa hạt nhỏ, dài, chất lượng gạo ngon, cơm mềm, cảm giác có vị ngọt, đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép được sản xuất tại Việt Nam từ năm 2009, PAC 807 có khả năng sinh trưởng trên nhiều loại đất (kể cả đất nhiễm mặn, phèn), khả năng chống đổ gãy rất cao, đẻ nhánh khỏe, tỷ lệ hạt chắc trên bông có thể đạt 170 – 180 hạt, kháng sâu bệnh cao. Thêm nữa lúa lai PAC 807 có thời gian sinh trưởng ngắn (100 ngày tại TP. Buôn Ma Thuột), khi trổ bông lá đứng thẳng tạo điều kiện cho cây quang hợp sâu, đã được công nhận là giống lúa thích nghi với điều kiện của vùng Tây Nguyên. Sự thích nghi và thời gian sinh trưởng của giống lúa PAC 807 là như vậy, tuy nhiên, để gieo đúng thời vụ, tránh được sự bất lợi của thời tiết tác động vào những giai đoạn xung yếu của cây lúa trong vụ hè thu của vùng sinh thái Buôn Ma Thuột nói riêng và Tây Nguyên nói chung, hạn chế thấp nhất xác suất rủi ro là một việc hết sức quan trọng. Vì vậy Phòng Kinh tế thành phố đã có kế hoạch cụ thể, chi tiết để triển khai thực hiện mô hình thành công.

Bước đầu để thuyết phục bà con hưởng ứng tham gia đầy đủ, trước khi triển khai Phòng Kinh tế đã tổ chức tập huấn, giới thiệu cho bà con về đặc điểm sinh học của giống lúa lai với những hình ảnh chụp sinh động về phát triển vượt bậc của lúa lai so với lúa thuần (sự phát triển hệ rễ, sự phát triển của chồi, sự đẻ nhánh, phát triển của thân lúa, bông lúa…), tập huấn các biện pháp tác động nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cho bà con. Qua đó, bà con đã nắm bắt và hưởng ứng nhiệt tình, yên tâm sản xuất. Tham gia mô hình này bà con được hỗ trợ 100% giống lúa, thuốc trừ cỏ, tiền nảy mầm và thuốc xử lý giống cùng một quy trình sản xuất rất cụ thể. Đồng thời Phòng cũng đã tổ chức hướng dẫn bà con gieo đồng loạt trên 8 ha ruộng đã làm đất bằng phẳng. Nhờ được xử lý giống trước khi gieo bằng thuốc Cruiser Plus nên mật độ bọ trĩ và bệnh đạo ôn, đốm sọc vi khuẩn đã được khống chế giai đoạn đầu, nông dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở giai đoạn mạ. Do hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã tạo hệ sinh thái cân bằng, vì thế các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của lúa, trên đồng ruộng xuất hiện nhiều loại thiên địch có lợi như: ong ký sinh, bọ cánh cụt, bọ xít mù xanh, nhện ly cô sa, bọ xít gai, nhện linh miêu, nhện lùn, bọ ba khoang... qua đó đã khống chế dịch hại xảy ra. Bên cạnh đó, đối với giống lúa lai PAC 807 vụ hè thu bà con chỉ bón 2 đợt phân urê (giai đoạn mạ và đẻ nhánh) tổng cộng từ 18 – 20 kg/vụ, bón 20 kg kali làm 3 đợt (mạ, đẻ nhánh và làm đòng), phun Tilsuper để phòng bệnh vàng lá, khô vằn giai đoạn trước và sau trổ. Kết quả, qua gặt thực nghiệm năng suất đạt 10,5 tấn/ha, tương ứng với năng suất lý thuyết đo đếm được là 10,2 tấn/ha. Theo ông Y Sứ, Buôn trưởng buôn Kao, những vụ hè thu trước đây vụ nào được mùa lắm cũng chỉ thu được 6 tấn/ha, còn thường thì chỉ 4 – 5 tấn/ha; do vậy đây là vụ mùa bội thu nhất từ trước đến nay...

Có thể nói, do được giảm giống, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm phân bón và tăng năng suất nên hiệu quả kinh tế tăng đáng kể (hơn 40%). Vụ hè thu này bà con nơi đây thu nhập tăng thêm so với sản xuất truyền thống của nông dân là 17.890.000 đồng/ha. Chỉ riêng TP. Buôn Ma Thuột, ước tính với hơn 3.000 ha lúa nước hằng năm, chỉ cần thực hiện được 40% diện tích theo quy trình kỹ thuật cánh đồng mẫu lúa lai (hơn 1.200 ha) thì số tiền nông dân thu nhập tăng thêm so với sản xuất truyền thống hơn 22 tỷ đồng/năm.

Ngoài hiệu quả kinh tế, quá trình tham gia mô hình còn giúp nông dân có điều kiện gần gũi, chia sẻ, phát huy tính cộng đồng, nâng cao tình làng nghĩa xóm, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Điều quan trọng hơn nữa là giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi tập quán sản xuất từ manh mún, tự phát, riêng lẻ sang sản xuất đồng bộ trên cơ sở áp dụng khoa học kỹ thuật; qua đó góp phần ổn định an ninh lương thực cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, góp phần hoàn thành các tiêu chí trong công cuộc xây dựng nông thôn mới cho địa phương hiện nay.

Cẩm Lai 


Ý kiến bạn đọc