Xây dựng không phép – Nan giải chuyện xử lý
Kỳ II: Cơ quan quản lý “bó tay”?
Về trách nhiệm để xảy ra xây dựng không phép, các phòng ban TP. Buôn Ma Thuột đều bảo tại phường, xã; còn phường, xã nêu ra nhiều lý do khiến công tác quản lý đất đai, xây dựng gặp phải những khó khăn, bất cập. “Quả bóng” trách nhiệm chưa biết sẽ được “đá” đi đâu, trong khi tình trạng xây dựng không phép vẫn lan tràn...
Cái khó của địa phương
Đề cập đến vấn đề xây dựng không phép, sai phép, bà Phạm Thị Minh Thảo, Phó trưởng Phòng Quản lý Đô thị TP.Buôn Ma Thuột khẳng định: Để xảy ra tình trạng này là trách nhiệm của phường, xã; trong đó chịu trách nhiệm chính là Chủ tịch UBND phường, xã và cán bộ địa chính-xây dựng bởi không phát hiện, ngăn chặn kịp thời và chưa kiên quyết trong xử lý vi phạm. Đồng quan điểm, ông Phan Đình Kha, Phó trưởng Phòng Tài nguyên-Môi trường thành phố cũng cho rằng có tình trạng xây dựng không phép tồn tại hầu hết là do chính quyền cơ sở buông lỏng trong quản lý.
Nhà xây không phép tại khu vực 8 tháng 10 thuộc khối 5, phường Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột). |
Trong khi đó, thừa nhận tình trạng xây nhà tràn lan trên đất nông nghiệp mà không được kiểm soát là một thực tế, song đại diện lãnh đạo các phường trên địa bàn đều cho rằng rất khó tháo gỡ bởi nhiều lý do; trong đó có lý do “phải thực hiện luật bằng cái lý nhưng trong thực tế, việc thực thi luật còn phải có cái tình nữa”. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Thành Nhất, thừa nhận: “Để xảy ra tình trạng này có trách nhiệm của phường là chưa kiên quyết, triệt để trong quản lý. Khi phát hiện các trường hợp xây dựng không phép, cán bộ phường đều lập biên bản, yêu cầu đình chỉ thi công, ngăn không cho người dân chở vật liệu vào khu vực thi công. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp cố tình vi phạm, xây lén. Khi người ta đã xây nhà xong, thực hiện biện pháp cưỡng chế rất khó bởi nhiều hộ dân có hoàn cảnh rất khó khăn, dành dụm bao nhiêu năm mới mua được miếng đất và xây một căn nhà tạm bợ để ở, không thể nói đập là đập được”. Ông Phạm Hùng Vương, Chủ tịch UBND phường Tân Lợi cũng bày tỏ: “Người dân mua và xây nhà trên đất nông nghiệp hầu hết là người có thu nhập thấp, chỉ đủ tiền mua một lô đất với diện tích vừa phải. Trị giá cả đất và nhà có khi chỉ khoảng 200-300 triệu đồng. Trong khi đó, theo quy định, đất nông nghiệp phải có diện tích từ 500m2 trở lên mới được tách thửa, cấp sổ và chuyển đổi mục đích sử dụng phải chịu thuế đến 100%. Rất nhiều người dân xây nhà không phép đều biết đấy là hành vi vi phạm nhưng vì không có điều kiện nên vẫn cứ làm liều. Phường Tân Lợi cũng thực hiện quản lý tình trạng này rất quyết liệt, chỉ tính từ đầu năm 2003 đến nay, phường đã xử phạt vi phạm hành chính 8 trường hợp, trong đó có 1 trường hợp tự tháo dỡ. Tuy nhiên, việc cưỡng chế rất khó”.
Bên cạnh đó, những bất cập trong công tác quy hoạch cũng là một trong những lý do khiến chính quyền các phường, xã gặp khó trong quản lý xây dựng. Rất nhiều khu vực được quy hoạch làm công trình công cộng từ cách đây gần chục năm nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được trong khi nhu cầu nhà ở của người dân cứ tăng lên. Có những địa bàn, số lượng các dự án quy hoạch nhiều đến nỗi ngay cả cán bộ phường, xã cũng không nắm hết được. Đơn cử như trên địa bàn phường Tân Lợi hiện có đến 8 khu vực quy hoạch, trong đó quy hoạch lâu nhất là khu đô thị mới trung tâm phường Tân Lợi với diện tích 131,8 ha từ năm 2005 đến nay vẫn chưa triển khai. Theo ông Phạm Hùng Vương, hầu hết các khu quy hoạch này chưa được phân khu, cắm bảng phân giới nên người dân không nắm được và cứ vô tư xây dựng vi phạm. Hoặc ở phường Thành Nhất, khu vực 8 tháng 10 được quy hoạch thành công viên cây xanh và khu biệt thự cũng từ năm 2005 nhưng đến nay chưa có hạ tầng nào được triển khai xây dựng; người dân cần nhà ở nên cứ thế đổ đất lấp ruộng xây nhà.
Khi nào hết xây dựng không phép?
Đề cập đến giải pháp cho tình trạng xây dựng không phép, nhiều lãnh đạo ở các phường, xã đều kiến nghị cần giải quyết những bất cập trong công tác quy hoạch: đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phân khu, cắm mốc thực địa và sớm thực hiện quy hoạch. Bên cạnh đó, ở một số con đường, nên điều chỉnh giá đất ở mức hợp lý phù hợp với thu nhập trung bình của người dân. Ông Phạm Hùng Vương băn khoăn: “Mức thuế phải chịu đến 100% khi chuyển đổi mục đích sử dụng đối với đất nông nghiệp là quá khả năng với rất nhiều người. Bên cạnh đó, có những khu vực vốn là đất nông nghiệp được quy hoạch thành đất ở, tại sao không tính ở mức thuế đối với đất ở khi người dân làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?”.
Nói đến tình trạng xây dựng không phép, ông Lưu Văn Khôi, Trưởng Phòng Tài nguyên-Môi trường thành phố khẳng định, chịu trách nhiệm chính khi để xảy ra tình trạng này là tổ dân phố và cán bộ địa chính-xây dựng. Ông Khôi cho biết “Nếu cán bộ tổ dân phố và cán bộ địa chính làm tốt, phát hiện và ngăn chặn ngay từ đầu thì sẽ không có chuyện nhà xây xong rồi mới băn khoăn có nên cưỡng chế hay không. Vì thế, cần phải giao trách nhiệm cụ thể cho những cán bộ này, đồng thời có cơ chế kiểm soát việc thực hiện và có chế tài xử lý nếu chưa làm hết trách nhiệm. Bên cạnh đó, cần giải quyết tốt những bất cập trong công tác quy hoạch, chủ động cung cấp thông tin về quy hoạch cho người dân, phân khu và cắm mốc rõ ràng từng phân khu để người dân biết mà không vi phạm” . Một vấn đề căn cơ nữa là tỉnh cần quan tâm hơn đến chính sách về nhà ở xã hội đối với đối tượng là người lao động, cán bộ, công nhân viên chức có thu nhập thấp. “Những khu vực được quy hoạch đất ở đô thị và mang bán đấu giá quyền sử dụng đất hiện đều có mức giá “trên trời”, từ 800 triệu đến trên 1 tỷ đồng/lô. Trong khi đó, rất nhiều người là cán bộ, công chức dành dụm nhiều năm cũng chỉ có khoảng 300-400 triệu đồng, không có lựa chọn nào khác là đành mua đất nông nghiệp và xây nhà không phép nếu muốn an cư. Trên thực tế, nếu muốn hợp thức hóa đúng theo quy định của pháp luật, người dân mua đất nông nghiệp phải trả giá rất cao, vừa phải trả tiền mua đất cho người bán vừa phải đóng thuế chuyển mục đích sử dụng lên đến 100%” – ông Khôi phân tích.
Thế là, quá nhiều bất cập đã khiến tình trạng xây dựng nhà không phép cứ mặc nhiên tồn tại. Câu hỏi “Khi nào hết tình trạng xây dựng không phép?” dường như vẫn còn bỏ ngỏ...
Như Hà
Ý kiến bạn đọc