Ban Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cấp xã: Thêm một “kênh” kiểm tra, giám sát quản lý bảo vệ và phát triển rừng
Cuối năm 2009, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 32 về Quy chế tổ chức, hoạt động quản lý, bảo vệ (QLBV) và phát triển rừng cấp xã. Đến nay, sau hơn bốn năm thực hiện, các xã có diện tích rừng và đất lâm nghiệp từ 500 ha trở lên đã bước đầu phát huy hiệu quả trong việc tham mưu cho chính quyền địa phương quản lý, sử dụng vốn tài nguyên này một cách hợp lý và bền vững hơn.
Tăng cường kiểm tra, giám sát rừng
Từ hiện trạng các chủ rừng là những công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ cho đến các khu bảo tồn, vườn quốc gia đứng chân trên địa bàn có lúc do trách nhiệm chưa cao, tự tiện sử dụng trái nguyên tắc diện tích rừng và đất lâm nghiệp được Nhà nước giao, gây những tổn thất, hệ lụy đáng tiếc… mà nguyên nhân do công tác kiểm tra và giám sát ở đó chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn kịp thời. Chỉ đến khi Quyết định 32 được thực thi, trong đó vai trò quản lý Nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng của cấp xã được tăng cường thì những vi phạm và sai trái của các chủ rừng mới được hạn chế và khắc phục.
Rừng là tài nguyên góp phần đắc lực vào công cuộc phát triển KT-XH nếu được quản lý, sử dụng một cách hợp lý, bền vững. Ảnh: Việt Cường |
Chẳng hạn, đầu năm 2013 cơ quan chức năng đã kịp thời “tuýt còi” một số Công ty lâm nghiệp ở huyện Ea H’leo, Ea Súp lợi dụng chủ trương của UBND tỉnh cho “cơ chế tự chủ” trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để “bán đất rừng” dưới hình thức ký quỹ hàng tỷ đồng với nhiều doanh nghiệp ngoài tỉnh đến khảo sát và lập dự án… Sự việc chỉ được dừng lại khi có sự phát hiện của Ban quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cấp xã (sau đây gọi là Ban 32). Đến nay, vai trò của Ban 32 không ngừng được phát huy, góp phần khắc phục tình trạng rừng và đất lâm nghiệp bị xâm hại, sử dụng trái phép và sai mục đích; đồng thời từng bước được xây dựng và phát triển nguồn tài nguyên này theo hướng hiệu quả, bền vững.
Ông Lê Cước-Trưởng phòng quản lý, bảo vệ rừng - Chi cục Kiểm lâm Dak Lak đánh giá: Dựa vào hành lang pháp lý của Quyết định 32, thời gian qua Ban 32 của 82 xã trên địa bàn tỉnh (có diện tích rừng và đất lâm nghiệp từ 500ha trở lên) đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho chính quyền địa phương trong việc quản lý, đánh giá, phân loại và quy hoạch cũng như sử dụng rừng và đất rừng một cách đúng hướng, sát với yêu cầu thực tế đặt ra. Về mặt quản lý Nhà nước, Ban 32 được tăng cường quyền hạn kiểm tra, giám sát mọi hoạt động QLBVR lẫn phương án sản xuất, kinh doanh của các chủ rừng trên địa bàn các xã. Khi phát hiện những vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, Ban 32 đều có thể kiến nghị, đề xuất cơ quan chức năng xử lý theo quy định của luật pháp. Nhờ vậy, tình hình quản lý, sử sụng và phát triển các loại rừng, đất rừng theo chức năng ngày càng được kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn trước.
Vai trò tham mưu
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT: trước đây hầu hết chính quyền cấp xã không cập nhật được số liệu cần thiết về tài nguyên rừng cũng như những biến động trước thực tế và yêu cầu xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội đặt ra trên địa bàn, dẫn đến việc theo dõi, bảo vệ và bố trí sử dụng tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp gặp nhiều lúng túng. Ví như, do nhận thức sai lệch rằng: “rừng là của Nhà nước”, đã có người lo, nên trong thời gian dài (2002-2008), các xã có diện tích rừng khá lớn: Ya Lốp, Cư K’Bang, Ea T’mốt, Ia R’vê (huyện Ea Súp), hoặc Krông Na, Ea Tul, Ea Huar (huyện Buôn Đôn) và một số địa phương có diện tích rừng thông đặc dụng chạy dọc Quốc lộ 14 thuộc địa bàn huyện Ea H’leo, Krông Buk… đã để xảy ra tình trạng bị xâm hại, bao chiếm một cách nghiêm trọng. Đến khi Quyết định 32 ra đời đã tạo cơ sở pháp lý giúp chính quyền địa phương dần khắc phục được tình trạng “cha chung không ai khóc” trước đây; rừng và đất lâm nghiệp ở đây được quản lý và sử dụng tốt hơn vào mục đích phát triển kinh tế-xã hội cho từng địa phương.
Rõ ràng, khi Ban 32 có quy chế, tổ chức và hoạt động thiết thực, đúng hướng thì vấn đề QLBVR theo mục tiêu sử dụng và phát huy hiệu quả rừng và đất rừng vì lợi ích chung của cộng đồng, xã hội đã dần thu hút sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của người dân các địa phương. Điển hình là ở các xã Hòa Lễ, Hòa Sơn (huyện Krông Bông), Cư Klông (Krông Năng), Quảng Phú (Cư M’gar), Cư Króa (M’Drak) và Krông Nô (Lak)... thời gian qua đã thành lập và củng cố được gần 800 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, với gần 9.000 lượt người tham gia. Ban 32 của các xã đã phối hợp với ngành chức năng tổ chức tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách về xây dựng và phát triển kinh tế lâm nghiệp đến mọi tầng lớp nhân dân ngày càng có chiều sâu và rộng khắp; hàng năm thu hút hàng trăm nghìn đối tượng sống và gắn bó với nghề rừng quan tâm, hưởng ứng. Theo số liệu đánh giá của Chi cục Lâm nghiệp: từ lúc triển khai thực hiện Quyết định 32 đến nay, các Ban bảo vệ và phát triển rừng cấp xã đã xây dựng được hàng chục quy ước bảo vệ rừng với gần 150.000 hộ dân sống gần rừng ký cam kết không xâm hại vốn tài nguyên quí giá này. Đồng thới hướng dẫn, động viên các gia đính, nhóm hộ và cộng đồng nhận khoáng QLBVR gần 120.000 ha. Theo đó, Ban 32 các xã đã phối hợp với cơ quan chức năng, các cấp chính quyền tham mưu, giải quyết hàng chục nghìn hộ di dân tự do đến khai phá, canh tác bất hợp pháp tại nhiều vùng rừng cấm trên địa bàn tỉnh; tham mưu với các cấp thẩm quyền quy hoạch và xây dựng nhiều dự án định canh, định cư nhằm sắp xếp, ổn định cuộc sống cho số di dân tự do này. Ban 32 cũng đã chủ động phối hợp với lực lượng QLBVR, trong đó nòng cốt là lực lượng kiểm lâm, quân đội, công an… kiểm tra, truy quét và ngăn chặn hàng nghìn vụ phá rừng, mua bán và sang nhượng đất lâm nghiệp trái phép trên địa bàn tỉnh; từng bước lập lại kỷ cương trật tự trị an tại địa phương.
Có thể nói, nếu tiếp tục nhận được sự quan tâm đúng mức và nhiều hơn nữa của các cấp chính quyền và ban ngành liên quan thì các Ban 32 sẽ tạo được những tác động tích cực, mạnh mẽ hơn nữa trong vai trò, trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng trên địa bàn, góp phần xứng đáng vào mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của mỗi địa phương nói riêng và cả tỉnh nói chung.
Phương Bối
Ý kiến bạn đọc