Bảo đảm an toàn hồ, đập: Vẫn còn nhiều nỗi lo
Mới đây, Dak Lak bị ảnh hưởng liên tiếp 2 cơn bão số 8 và 10, kéo theo những trận mưa lớn khiến một số hồ chứa trên địa bàn tỉnh đứng trước nguy cơ bị vỡ. Điều đó cho thấy “sức khỏe” nhiều hồ, đập đang có vấn đề, gây lo âu cho các nhà quản lý và hàng vạn hộ dân sống tại khu vực hạ lưu. Nhiều cuộc họp, giải pháp xử lý được đưa ra, trong đó việc bảo đảm an toàn cho các hồ, đập, nhất là hồ đập nhỏ đang còn nhiều việc phải làm…
Kỳ I: Nguy cơ mất an toàn từ các hồ, đập nhỏ
Có thể nói, từ trước đến nay, Dak Lak chưa từng xảy ra thảm họa nào do mất an toàn tại các hồ chứa nước, nhưng sự cố hồ sinh thái Ea Đrăng (huyện Ea H’leo) mới đây là một lời nhắc nhở không thừa về sự an toàn đối với các hồ, đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
Thấp thỏm bên hồ, đập
Sau sự cố xả lũ ở hồ Ea Đrăng làm thị trấn Ea Đrăng ngập chìm trong nước, gây thiệt hại nghiêm trọng về nhà cửa và hoa màu của người dân nơi đây thì gần đây nhất, ngày 28-9, chính quyền và người dân xã Ea Tân, huyện Krông Năng bị một phen hoảng hồn trước nguy cơ vỡ đập thủy lợi Ea Đinh, toàn bộ lực lượng của huyện và xã được huy động cùng với máy móc thiết bị ra hiện trường để xử lý. Trước đó, sau hai ngày đêm mưa to, nước dâng rất nhanh khiến bờ đập Ea Đinh bị sạt lở nghiêm trọng, người dân và chính quyền xã đã dùng bạt nhựa che phủ vùng sạt lở để nước mưa không thấm trực tiếp xuống bờ đập; đồng thời hạ thấp mương xả lũ của công trình, chấp nhận cho nước dẫn thẳng vào vườn cà phê của những hộ sát bờ đập. Tuy nhiên, những biện pháp trên vẫn không thể ngăn được bờ đập tiếp tục bị xói lở và nguy cơ vỡ bờ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Theo ông Phạm Văn Tương, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tân, nếu bờ đập Ea Đinh bị vỡ, một lượng nước khổng lồ sẽ đổ ập xuống vùng hạ lưu, quét sạch cây trồng, ao nuôi cá của khoảng 40 hộ dân phía dưới. Trước mối đe dọa nguy hiểm đến công trình, Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh phối hợp với UBND huyện chỉ đạo xử lý bảo đảm an toàn công trình với giải pháp mở thêm tràn phụ khẩu độ rộng 2m, sâu 2m để hạ mực nước hồ xuống đến mức an toàn. Với phương án này, sau 4 ngày xả nước, mỗi ngày hạ được 60 cm mực nước, đã giảm được áp lực trong lòng đập và đập Ea Đinh mới tạm bảo đảm an toàn. Trong khi đó, người dân ở hai thôn Ninh Thanh 1 và 2 của thị trấn Ea Kar, (huyện Ea Kar) cũng đang ngày đêm thấp thỏm khi sống ở hai bên kênh dẫn nước từ hồ chứa nước Ea Kar xuống cánh đồng phía dưới đang bị xói lở nghiêm trọng. Nguyên nhân là nước từ hồ chứa Ea Kar đổ xuống kênh dẫn nước này không có van xả chủ động, nên lượng nước đổ xuống kênh phụ thuộc hoàn toàn vào… ý trời. Thêm vào đó, kênh lại chưa được bê tông hóa nên dễ bị sạt lở, có đoạn sạt lở đến sân nhà của người dân sống hai bên khu vực này. Ông Vũ Văn Khoát (thôn Ninh Thanh 1) cho biết, trước đây, kênh dẫn nước này nhỏ chỉ đủ một bước chân người lớn có thể bước qua, nhưng đến nay, nhiều đoạn đã bị sạt lở bề ngang lên đến cả chục mét, đã ăn sâu gần đến nhà của ông. Còn hộ ông Hoàng Xuân Tản (thôn Ninh Thanh 2) than thở: “Mỗi khi mưa lớn, nước đổ ra đoạn kênh dẫn ầm ầm, làm rung chuyển cả nhà. Với tình trạng này, mỗi khi mưa xuống cả nhà tôi phải sang nhà bà con ở nhờ chứ không thì tai họa có thể ập xuống bất kỳ lúc nào”. Theo Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ea Kar Nguyễn Văn Hà, hồ Ea Kar có dung tích 7 triệu m3, là công trình thủy lợi lớn nhất nhì của huyện, phục vụ tưới tiêu cho 2 xã Cư Ni và Ea Kmut. Đến nay, tràn xả lũ của công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, khi có mưa lớn kéo dài, khối lượng nước xả có thể cuốn trôi cả cây cầu trên đoạn đường này, hoặc đe dọa phá hủy 20 ha lúa nước dưới hạ lưu, phá hỏng hệ thống giao thông nội vùng, sạt lở vườn, nhà và đe dọa tính mạng của 10 hộ dân nằm dọc theo kênh…
Để tránh bị vỡ đập Ea Đinh, huyện Krông Năng đã phải xẻ ngang thân đập để tháo bớt nước ra khỏi lòng hồ. |
Báo động công trình xuống cấp
Theo thống kê của Sở NN-PTNT: toàn tỉnh hiện có 665 công trình thủy lợi gồm 539 hồ chứa, 79 đập dâng, 46 trạm bơm và 1 hệ thống đê bao. Trong số các hồ chứa thủy lợi, ngoại trừ 13 công trình lớn và vừa do Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và khai thác công trình thủy lợi tỉnh đang quản lý, khai thác là cơ bản bảo đảm an toàn, còn hầu hết các công trình do huyện, xã, hợp tác xã dùng nước, doanh nghiệp quản lý đều đã xuống cấp, trong đó có nhiều công trình đã xuống cấp nghiêm trọng. Điều đáng lo ngại là đa số hồ chứa này được thi công dầm nắn đất thủ công, xử lý nền móng không triệt để nên thấm nước qua nền và thân đập… Tại nhiều hồ chứa, các tràn xả lũ phần lớn là tự nhiên trên nền đất hoặc đá nên thường xuyên bị xói lở; các cống lấy nước dưới đập, cửa van đóng mở thủ công đã bị hư hỏng các khớp nối, dẫn đến nước rò rỉ qua thân cống; nhiều cống lấy nước đã mất khả năng vận hành, xả lũ nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sự cố. Đặc biệt, trong số đó có nhiều công trình nằm xen giữa các khu dân cư nên nếu xảy ra sự cố thì thiệt hại sẽ khó lường, điển hình như hồ Chí An (phường An Bình, thị xã Buôn Hồ), hồ Vườn Ươm (xã Pơng Drang, huyện Krông Buk)… Còn tại huyện M'Drak có đến 15 hồ, đập đang rất mất an toàn, trong đó nhiều hồ, đập có thể vỡ bất cứ lúc nào như đập thủy lợi C19 (xã Ea Riêng), dung tích gần 1 triệu m3, đưa vào sử dụng từ trước năm 1975 nhưng không được tu sửa. Hiện mặt đập bị lồi lõm, mái thượng lưu bị xói lở, biến dạng; mái hạ lưu bị một số hộ dân lấn chiếm đất canh tác trồng cây khiến thân đập bị rò rỉ nước; chưa kể tràn xả lũ bằng đất dài khoảng 150m bị xói lở trầm trọng, hố xói cách tim đập 40m, rộng 50m, dài 100m và sâu 10m, trong khi cống đầu mối và kênh mương không có. Theo kết quả kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn đập của các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh của Sở NN-PTNT, hiện có 17 công trình được xếp vào diện cần sửa chữa gấp, trong đó chủ yếu là những công trình có dung tích chứa nước dưới 3 triệu m3. Phần lớn các hồ này được xây dựng từ trước năm 1975, nên thiếu tài liệu thiết kế (nhất là tài liệu thủy văn), chất lượng thi công không tốt, việc duy tu bảo dưỡng không được thường xuyên nên đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Ngoài ra, các hồ chứa do Tổng Công ty cà phê Việt Nam quản lý, hầu hết được xây dựng vào cuối thập niên 70, đầu thập niên 80, chất lượng thiết kế, thi công không bảo đảm, dẫn đến tình trạng mất an toàn phổ biến là đập đất không đủ cao độ chống lũ theo tiêu chuẩn chống lũ hiện hành (TCVN 285-2002), bị thấm, mái hạ lưu đập bị xói lở, mái thượng lưu đập không được gia cố hoặc lớp gia cố bị bong tróc, hư hỏng nặng... nên khi gặp mưa lũ, sóng lớn có nguy cơ nước tràn qua mặt đập, sạt trượt mái đập; cống lấy nước được lắp ghép bằng các ống bê tông cốt thép (thường dài 1,0 m) hoặc không có cống lấy nước, qua nhiều năm khai thác đã bị hư hỏng khớp nối, bê tông không đủ khả năng chịu lực, cửa van bị rò rỉ, không kín nước. Đây là những nguy cơ có thể dẫn đến tình trạng xói ngầm thân đập (qua các khớp nối bị hư hỏng và lỗ thủng thân cống lấy nước). Tràn xả lũ không đủ khẩu diện thoát lũ, không được gia cố (tràn bằng đất) hoặc lớp gia cố bị suy giảm cường độ, không đủ khả năng chịu lực cũng đang là nguyên nhân gây ra hiện tượng xói lở, vỡ tràn, uy hiếp đến an toàn của hồ. Bên cạnh đó, việc thiếu đường quản lý hoặc có đường quản lý nhưng không được gia cố, rất dễ gây nguy cơ bị chia cắt trong mưa, lũ; ảnh hưởng lớn đến việc ứng cứu công trình khi bị sự cố…
Thuận Nguyễn-Giang Nam
Ý kiến bạn đọc