Multimedia Đọc Báo in

Bảo đảm an toàn hồ, đập: Vẫn còn nhiều nỗi lo (Kỳ cuối)

11:51, 23/10/2013

Thực tế việc bảo đảm an toàn hồ đập đang là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Tuy nhiên, bài toán về thiếu kinh phí đang làm “đau đầu” các nhà quản lý và rất cần có những giải pháp mang tính căn cơ, phù hợp với điều kiện hiện nay.

Cần phân cấp quản lý

Không thể phủ nhận sự đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là phát triển nông nghiệp, ổn định đời sống nhân dân của các công trình hồ, đập thủy lợi. Tuy nhiên đến nay, nhiều hồ đập, nhất là các hồ thủy lợi vừa và nhỏ được xây dựng cách đây mấy chục năm không còn phù hợp với điều kiện mưa lũ cực đoan xảy ra thường xuyên. Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước về an toàn đập vẫn còn lúng túng, bị động, nhiều chủ đập chưa thực hiện kiểm định đập và kiểm tra tính toán lại dòng chảy lũ, khả năng xả lũ; chưa xây dựng phương án bảo vệ đập, phòng chống lụt bão, bảo đảm an toàn đập, chưa lập phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du… Trừ các hồ đập do Công ty quản lý khai thác thủy lợi quản lý, còn lại phần lớn các hồ đập khác không có hệ thống quan trắc, hệ thống giám sát thông tin hồ chứa, chưa xây dựng hệ thống cảnh báo xả lũ cho vùng hạ du… Do vậy, để quản lý và bảo vệ tốt các công trình thủy lợi, phát huy tối đa hiệu quả trong phục vụ sản xuất nông nghiệp, theo ông Mai Trọng Dũng, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi - phòng chống lụt bão: cần phân cấp quản lý các công trình thủy lợi, trong đó những công trình có dung tích 500.000 m3 trở lên hoặc có chiều cao đập lớn hơn 12 m thì nên giao cho đơn vị quản lý chuyên ngành để có phương án quản lý và sửa chữa tốt hơn. Hiện Chi cục cũng đã trình UBND tỉnh quyết định phân cấp quản lý công trình thủy lợi và đang chờ xem xét. Thống nhất với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ea Kar cho rằng: khi kinh phí đầu tư cho thủy lợi còn eo hẹp thì việc phân cấp quản lý cần thật chi tiết, cụ thể. Chẳng hạn trên địa bàn huyện Ea Kar đang tồn tại 3 hình thức quản lý các công trình hồ, đập: doanh nghiệp, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp – thủy nông và các tổ thủy nông (thuộc Ban Nông nghiệp của UBND các xã). Trong đó, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp – thủy nông là phát huy tốt nhất nhiệm vụ quản lý hồ, đập. Huyện Ea Kar đang đề xuất nhân rộng mô hình này để việc quản lý hồ, đập được thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. Trong khi đó, phương án xây dựng các trạm thủy nông để quản lý các cụm công trình hồ đập lại được Trưởng phòng NN-PTNT huyện Krông Năng – ông Lê Rế xem là giải pháp hay trong thời điểm hiện nay. Ông Lê Rế cho rằng, việc giao các công trình thủy lợi cho các công ty thủy lợi chuyên trách đương nhiên là tốt bởi  tính chuyên môn hóa cao của họ.

Thân đập Ea Mnông (xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ) bị sụt lún nghiêm trọng, đơn vị quản lý cần sớm có phương án xử lý.
Thân đập Ea Mnông (xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ) bị sụt lún nghiêm trọng, đơn vị quản lý cần sớm có phương án xử lý.

Giám sát chặt các công trình mất an toàn

Theo Sở NN-PTNT, trong số 67 công trình thủy lợi bị xuống cấp cần sửa chữa thì có 17 công trình xuống cấp nặng, nếu có mưa lớn như bão số 8, số 10 thì nhiều đập sẽ có nguy cơ vỡ. Do đó, trong khi chờ vốn sửa chữa, nâng cấp, các đơn vị quản lý cần thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt các công trình mất an toàn để có biện pháp khắc phục kịp thời nếu có sự cố xảy ra, đặc biệt các chủ hồ, đập phải có báo cáo quy trình vận hành và công tác chấp hành quy trình kỹ thuật vận hành hồ, đập thường xuyên cho cơ quan chức năng. Đối với những công trình có nguy cơ vỡ cao, yêu cầu không cho tích nước để tránh sự cố xảy ra; các chủ công trình bằng mọi cách phải có phương án gia cố thân đập, mở thêm tràn xả lũ… để nâng cao độ an toàn cho công trình.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về tăng cường công tác quản lý, bảo đảm an toàn hồ chứa nước, trong đó nhấn mạnh: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải phân công cụ thể trách nhiệm của cơ quan quản lý chuyên ngành và chính quyền các cấp trong việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về an toàn đập; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các chủ đập trên địa bàn thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, kiên quyết xử lý đối với các chủ đập không thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập. Thường xuyên tổ chức tốt việc theo dõi, kiểm tra hồ đập trước, trong và sau mùa mưa lũ nhằm phát hiện sớm những nguy cơ gây mất an toàn công trình và có biện pháp xử lý kịp thời, tránh để xảy ra sự cố. Chủ động chỉ đạo xây dựng, phê duyệt phương án phòng chống lũ, lụt, bảo đảm an toàn dân cư vùng hạ du trong các tình huống xả lũ khẩn cấp và vỡ đập, đặc biệt là đối với các hồ chứa có dung tích lớn; tổ chức diễn tập, hướng dẫn nhân dân chủ động ứng phó với các tình huống khẩn cấp... Chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn; kiên quyết không để các hồ chứa không bảo đảm an toàn tiếp tục tích nước. Đồng thời, chỉ đạo các chủ đập thủy điện xây dựng phương án phòng, chống lũ, lụt vùng hạ du trong tình huống xả lũ khẩn cấp và vỡ đập theo đúng quy định. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ NN-PTNT phải khẩn trương hoàn thành dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/NĐ-CP ngày 7-5-2007 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, trình Chính phủ trong tháng 12-2013. Trong đó cần phân rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan, nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong việc quản lý an toàn đập; nghiên cứu mô hình Hội đồng an toàn đập phù hợp để tăng cường quản lý an toàn đập. Hoàn chỉnh Đề án xây dựng hệ thống thông tin giám sát hồ chứa phục vụ phòng, chống thiên tai, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; hướng dẫn một số địa phương lắp đặt hệ thống quản lý thông tin hồ chứa; từng bước đầu tư trang bị hệ thống giám sát tự động, hệ thống cảnh báo xả lũ hạ du cho các hồ chứa thuỷ lợi lớn để hỗ trợ quản lý, vận hành và chỉ đạo ứng phó trong trường hợp khẩn cấp.

Thuận Nguyễn - Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.