Bảo đảm an toàn hồ, đập: Vẫn còn nhiều nỗi lo (Kỳ II)
Trước thực trạng công trình hồ chứa xuống cấp, Sở NN-PTNT đã xây dựng kế hoạch trình lên các Bộ ngành liên quan đề nghị quan tâm bố trí kinh phí để khắc phục, sửa chữa. Tuy nhiên, cho đến nay khi mùa mưa đang vào thời kỳ cao điểm, nhiều hồ, đập thủy lợi vẫn đang đứng trước nguy cơ bị vỡ mà kinh phí thì chỉ được cấp… nhỏ giọt!
Thiếu kinh phí
Theo Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ea Kar Nguyễn Văn Hà, hiện trên địa bàn huyện có 15/51 hồ chứa nước có hạng mục đầu mối bị hư hỏng và xuống cấp mạnh, mất an toàn trong mùa mưa lũ, trong đó có 8 công trình có thể xảy ra sự cố bất kỳ lúc nào. Để có thể bảo đảm an toàn cho hệ thống hồ, đập trên địa bàn, mỗi năm cần khoảng 20 tỷ đồng, tuy nhiên do điều kiện kinh phí hạn hẹp, mỗi năm tỉnh chỉ cấp được 1 tỷ đồng, cộng với kinh phí của huyện là 1 tỷ đồng nữa nên xem ra chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu sửa chữa, nâng cấp hồ đập ở đây. Đặc biệt, đối với 8 công trình xuống cấp nghiêm trọng (trong đó có công trình tràn xả lũ hồ chứa nước thị trấn Ea Kar) cần khoảng 15 tỷ đồng, huyện đã nhiều lần có văn bản đề xuất cấp trên hỗ trợ, nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời. Tương tự, huyện Krông Năng, trong 89 công trình thủy lợi thì có trên 30 công trình cần nâng cấp, sửa chữa, trong đó có 3 công trình cần phải sửa chữa kịp thời là Ea Đinh, Ea Kmiên 3, đập 89 (nhu cầu khoảng 7-8 tỷ đồng) nhưng hiện tại vẫn chưa có vốn. Trong đợt mưa lũ vừa qua, 3 công trình trên đã xảy ra sự cố, có nguy cơ vỡ đập, nhưng địa phương vẫn phải nỗ lực khắc phục tạm thời để chờ vốn… Đó là hai ví dụ cụ thể nhất về thực trạng thiếu kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa hồ đập trên địa bàn tỉnh, và là một trong những nguyên nhân khiến tuổi thọ của các công trình giảm nhanh chóng. Theo Sở NN-PTNT, trong số 532 hồ đập có dung tích nhỏ hơn 3 triệu m3 đến 10 triệu m3, chỉ có một số công trình được quan tâm nâng cấp, sửa chữa, còn lại phần lớn đều “khát” kinh phí nên công trình luôn trong tình trạng xuống cấp và được sửa chữa theo kiểu chắp vá, tạm thời. Thông thường, kinh phí đầu tư sửa chữa công trình thủy lợi rất cao, phải tính đến tiền tỷ nên các chủ quản lý hồ, đập thường không chi trả nổi. Chỉ riêng 17 công trình đang mất an toàn mà Sở NN-PTNT đề nghị được sửa chữa, nâng cấp trước mùa mưa bão năm 2013, cần từ 10-15 tỷ đồng cho một công trình thì mới đạt mức an toàn lâu dài. Và cũng do nguồn kinh phí hạn hẹp nên 17 công trình nêu trên cũng phải sửa chữa tạm thời với mức kinh phí đề xuất… là 7,2 tỷ đồng.
Thân đập Ea Đinh bị sạt lở nghiêm trong do mưa lớn trong cơn bão số 10 vừa qua |
Quản lý yếu kém
Tại cuộc họp khẩn về ứng phó với cơn bão số 8 vừa qua của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát phải thừa nhận chuyện không quản lý tốt các hồ chứa, dẫn đến tình trạng xuống cấp còn “đáng lo ngại hơn việc thiếu kinh phí”. Điều này đã thể hiện rõ trong sự cố tại hồ sinh thái Ea Đrăng. Theo đó, khoảng 8 giờ 30 ngày 17-9, trước tình thế cấp bách, chỉ sau khoảng 30 phút thông báo, huyện Ea H’leo đã quyết định cho xả lũ với lưu lượng nước rất lớn. Nước lũ và nước hồ xả đã khiến hàng trăm ngôi nhà tại thị trấn Ea Đrăng ngập sâu trong nước đến 2m; nhiều nhà bị cuốn trôi, sập đổ và rất nhiều tài sản, công trình khác bị mất mát, hư hỏng. Ông Phạm Tiến San - Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi và PCLB tỉnh khẳng định, huyện đã phạm những lỗi nghiêm trọng, vì hồ Ea Đrăng có độ cao đập hơn 15m, chứa hơn 1,2 triệu m3 nước, theo quy định phải do một đơn vị chuyên ngành quản lý. Thế nhưng huyện lại giao cho 2 bảo vệ không có chuyên môn về thủy lợi trông coi. Cũng tại cuộc họp này, ông San cho biết: khoảng 2 tháng trước, ông đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh sớm ra quyết định phân cấp quản lý về hồ đập, nhưng cho đến nay, tỉnh vẫn chưa đồng ý. Ngay từ đầu mùa mưa lũ, Sở NN-PTNT cũng đã tiến hành kiểm tra công tác quản lý cũng như an toàn hồ đập; cảnh báo tình trạng một số công trình quản lý lỏng lẻo, thực sự rất đáng lo ngại… Còn ông Nguyễn Bá Bân, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Ea Súp cũng tỏ ra băn khoăn bởi việc phân cấp quản lý hồ đập không rõ ràng, chồng chéo và quá nhiều bất cập, nên khi xảy ra sự cố thì khó quy trách nhiệm cho ai. Thực tế từ nhiều năm qua, các sự cố liên quan đến hồ, đập đều xảy ra với những công trình thủy lợi nhỏ. Trong số 566 công trình do các huyện, xã, HTX dùng nước và 53 công trình do các doanh nghiệp quản lý đều bộc lộ những yếu kém, nguyên nhân là do lực lượng quản lý thường là cán bộ kiêm nhiệm, không đủ trình độ chuyên môn kỹ thuật. Theo Phòng NN-PTNT huyện Krông Năng, hiện nay công tác quản lý các hồ đập nhỏ trên địa bàn huyện chủ yếu được giao cho đội ngũ trưởng hoặc phó các thôn, buôn, theo đó, huyện cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về công tác quản lý, vận hành hồ, đập cho đội ngũ này, nhưng do thường xuyên có sự thay đổi nhân sự nên rất khó đáp ứng theo yêu cầu.
Kỳ III: Cần xây dựng phương án bảo đảm an toàn hồ đập
Thuận Nguyễn - Giang Nam
Ý kiến bạn đọc