Gian nan công tác quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh
Công tác quản lý, bảo vệ rừng dù đang được các cấp chính quyền và lực lượng chức năng trong tỉnh nỗ lực triển khai, với nhiều biện pháp truy quét, ngăn chặn… nhưng tình trạng phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn diễn biến phức tạp, nhất là các khu vực rừng giáp ranh.
Phối hợp tuần tra ở Vườn Quốc gia Chư Yang Sin. |
Là đơn vị quản lý diện tích rừng khá lớn, trên 26.000 ha, lại giáp ranh với nhiều địa bàn nên Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (Ea Kar) luôn là điểm “nóng” về tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trong nhiều năm qua. Các đối tượng xâm hại rừng chủ yếu ở xã Tân Lập, huyện Sông Hinh (Phú Yên), đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ của huyện Krông Pa (Gia Lai) và dân di cư tự do huyện Krông Năng. Đây là những địa bàn có địa hình phức tạp, giáp ranh với các tiểu khu 611, 612, 613, 614, 616, 617, 618, 619… Phương tiện được sử dụng vận chuyển lâm sản trên những đoạn đường có địa hình phức tạp này chủ yếu là các loại xe máy đã được độ chế lại, gây không ít khó khăn cho công tác tuần tra, kiểm soát. Ông Trần Lê Trinh, Phó Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô cho biết, do đặc thù của địa bàn rộng, giáp ranh với 2 tỉnh Phú Yên và Gia Lai nên công tác quản lý bảo vệ rừng luôn đối mặt với nhiều thách thức, trung bình mỗi cán bộ kiểm lâm của đơn vị tuần tra trong rừng 15 ngày cho toàn địa bàn, nên lực lượng thường bị dàn mỏng, mỗi nhóm chỉ từ 5-7 người đối với địa bàn trọng điểm. Địa hình những khu vực giáp ranh thường phức tạp, lâm tặc lại manh động, liều lĩnh, sẵn sàng tấn công lực lượng kiểm lâm để tẩu thoát nên lực lượng này luôn đối mặt với nhiều nguy hiểm. Mới đây, vào ngày 26-8, trong lúc tuần tra, lực lượng kiểm lâm của đơn vị phát hiện 8 đối tượng đang khai thác gỗ tại tiểu khu 620, biết bị lộ, 2 tên đã bỏ chạy, bị truy đuổi, 1 tên đã dùng gậy đánh anh Nguyễn Văn Long, kiểm lâm viên trạm số 2 bị thương. Những đối tượng này chủ yếu là người dân tộc thiểu số sống tại các vùng rừng giáp ranh với Khu Bảo tồn.
Là một trong những tỉnh có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất nước, những năm qua, cùng với việc thực hiện các chương trình trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, chính quyền và lực lượng chức năng địa phương đã tích cực triển khai nhiều biện pháp giữ rừng, nhưng do phần lớn diện tích rừng nằm tại những vùng giáp ranh, địa bàn rộng, hiểm trở nên việc khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn xảy ra, trung bình quân mỗi năm, lực lượng chức năng của tỉnh phát hiện xử lý hàng ngàn vụ vi phạm. Riêng trong 9 tháng năm 2013, toàn tỉnh phát hiện hơn 1.930 vụ vi phạm lâm luật, trong đó chủ yếu là mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép với 1.316 vụ. Tuy nhiên, việc xử lý cũng gặp nhiều khó khăn bởi đối tượng vi phạm chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số và người dân sinh sống tại các vùng giáp ranh bị các đối tượng đầu nậu thuê. Từ đầu năm 2013, Chi cục Kiểm lâm đã tổ chức các đợt tuần tra, truy quét tại các điểm “nóng” như: Ea Súp, Buôn Đôn, Ea Kar, Krông Bông, Lak, M’Drak, là những địa bàn có diện tích rừng giáp ranh khá lớn. Qua đó đã xóa bỏ có hiệu quả một số điểm nóng xâm hại tài nguyên rừng, lấn chiếm đất rừng, tuy nhiên, do địa hình rộng, phức tạp, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng lại mỏng, công tác phối hợp với đơn vị bạn còn hạn chế, chưa được thường xuyên nên tình trạng vi phạm lâm luật chưa được ngăn chặn một cách triệt để.
Để công tác quản lý, bảo vệ vùng rừng giáp ranh đạt hiệu quả cao hơn, ngoài việc tăng cường công tác tuần tra, truy quét, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng và ký kết quy chế phối hợp bảo vệ rừng, không chỉ giữa các tỉnh giáp ranh, mà cần có thêm trách nhiệm của các huyện, xã, đơn vị chủ rừng… Bên cạnh việc thường xuyên tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ rừng cho nhân dân vùng giáp ranh, đồng thời có những giải pháp giúp người đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc