Khi người tiêu dùng phải... tự thông thái
Trong khi công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm luôn yếu và thiếu khiến người tiêu dùng hoang mang trước sự tràn lan của thực phẩm bẩn, chứa nhiều hóa chất độc hại thì khái niệm “Người tiêu dùng thông thái” đã được dùng để khuyến cáo các bà nội trợ những điều cần biết khi chọn mua thực phẩm sạch. Và trên thực tế, họ đang tự loay hoay để trở thành người “thông thái” theo cách hiểu biết của riêng mình.
Tràn lan thực phẩm bẩn
Thời gian gần đây, người tiêu dùng tỏ ra hoang mang khi báo chí phát hiện ngày càng nhiều những vụ việc về sử dụng hóa chất độc hại trong chăn nuôi, trồng trọt, chế biến, bảo quản thực phẩm… Mới đây nhất là vụ bún có sử dụng hóa chất Natri Benzoat và Tinopal vượt mức cho phép nhằm làm trắng, làm óng ánh bún tươi. Đây là hóa chất độc tính đối với sức khỏe con người nằm trong danh mục Bộ Y tế cấm sử dụng trong sản xuất thực phẩm. Hay trường hợp người chăn nuôi sử dụng thức ăn chăn nuôi có chứa chất tạo nạc, kích thích tăng trọng, bao gồm chất clenbuterol, salbultamol và họ beta agonist nhằm mục đích làm cho heo nở mông, nở vai, bung đùi, chống còi… Những chất độc hại này đã bị Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấm sử dụng nhiều năm nay. Một loạt thực phẩm bẩn được phát hiện liên quan đến chất tẩy trắng như gạo được tẩy trắng, tạo mùi bằng những hóa chất độc hại như bezoyl peroxide và calcium peroxide chuyên để tẩy trắng gạo và mì mà Trung Quốc đã cấm lưu hành trong chế biến thực phẩm vì dùng quá liều sẽ gây ra hiện tượng rối loạn tiêu hóa, gây tử vong; thực phẩm ôi thối được tẩy trắng tuồn vào các chợ, các quán nhậu, như lòng, dạ dày lợn, gà, vịt làm sẵn…, thậm chí cả những thực phẩm như măng, hoa chuối, ngó sen, cũng bị tẩy trắng để trông hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, các loại rau ăn lá, củ, quả cũng trong tình trạng có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. Đó là chưa kể những sản phẩm rau, củ, quả có nguồn gốc từ Trung Quốc chứa nhiều dư lượng thuốc bảo vệ thực vật độc hại như táo, lê, nho, hành, tỏi, khoai tây, cải thảo… vẫn được bày bán tràn lan ở các chợ trên địa bàn thành phố.
Thực phẩm bày bán ở chợ, bằng mắt thường rất khó phân biệt đâu là sản phẩm sạch. (Ảnh minh họa). |
Trước thực trạng trên, việc bảo đảm an toàn bữa ăn cho các gia đình cũng đã được các bộ, ngành chức năng vào cuộc, từ Bộ NN-PTNT, Công thương, Y tế... Riêng tỉnh ta, trong 9 tháng năm 2013, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản đã xử lý vi phạm 51 trường hợp các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, thức ăn chăn nuôi…, trong đó chủ yếu vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo kết quả đánh giá, phân loại cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, thủy sản trên địa bàn tỉnh, trong số 118 cơ sở được kiểm tra chỉ có 7 cơ sở xếp loại A, 73 cơ sở loại B, 27 cơ sở loại C và 11 cơ sở không xếp loại được.
Người tiêu dùng loay hoay tự bảo vệ mình
Trong khi công tác quản lý, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm chưa thể làm “đến nơi đến chốn” thì người nội trợ buộc phải biến mình thành người thông thái bằng cách là chọn những loại rau quả không đẹp mã, có thể hơi già và có sâu..., hoặc theo phương thức “tự cấp tự túc” tại nhà cho an toàn. Bác Nguyễn Thị Hương, tổ dân phố 2, phường Tân Thành cho hay: khi mua thực phẩm ở chợ, rất khó phân biệt đâu là sạch và không sạch, chủ yếu tin ở người bán là chính, vì vậy bác luôn chọn mua hàng của những người quen biết. Đồng thời hạn chế ăn những sản phẩm rau, củ có sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật như mướp đắng, dưa leo, đậu ve… cũng như tranh thủ trồng thêm rau xanh tại nhà nhằm hạn chế việc ăn phải thực phẩm không an toàn. Còn theo chị Phạm Thị Thu ở buôn M’duk, phường Ea Tam, để tránh mua phải rau, củ, quả… không an toàn, chị phải thường xuyên tìm hiểu thông tin trên mạng internet về cách phân biệt rau sạch và không sạch; cách phân biệt rau, củ, quả của Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, khi ra chợ cũng rất khó nhận biết được bằng mắt thường, bởi vậy chị chọn cách tương đối an tâm nhất là đi mua hàng ở siêu thị vì hàng hóa đã được kiểm tra trước và có thời hạn sử dụng, hoặc mua ở những cửa hàng uy tín, có thương hiệu… Cũng có những trường hợp, gia đình trong phố có bố mẹ, nội, ngoại ở các vùng nông thôn trong tỉnh thì được “trợ cấp” thường xuyên những sản phẩm sạch do người thân tự trồng, tự nuôi để cho an toàn.
Trên thực tế, nhiều người nội trợ đang loay hoay biến mình thành người tiêu dùng thông thái bằng cảm tính, bởi không có gì bảo đảm chắc chắn khi sản phẩm họ mua ở các chợ được truy nguyên nguồn gốc và hầu như được dấu kiểm dịch… là an toàn! Hiện Dak Lak đang nỗ lực xây dựng những vùng rau an toàn theo hướng Vietgap, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học… để tạo được chuỗi sản xuất nhằm quản lý từ gốc đến ngọn vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng các mô hình này đang còn manh mún, đầu ra không ổn định do chưa có thương hiệu nên chưa tạo được lòng tin với người tiêu dùng. Thiết nghĩ, để người nội trợ không phải loay hoay tự bảo vệ mình, nhà quản lý, người sản xuất, phân phối cũng như người tiêu dùng cần “bắt tay” nhau theo phương thức: nhà quản lý cần quản lý tốt hoạt động sản xuất, chế biến, thắt chặt hoạt động kiểm dịch; người sản xuất cần xây dựng mô hình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn và người tiêu dùng nên chọn những sản phẩm có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng để mua. Một khi đã tạo được mối quan hệ tốt từ sản xuất đến phân phối, quản lý, tiêu dùng thì những thực phẩm bẩn sẽ không còn chỗ đứng.
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc