Multimedia Đọc Báo in

”Nhảy việc” trong thời buổi kinh tế khó khăn (kì cuối)

13:06, 18/10/2013

Kỳ cuối: Số lượng người lao động thất nghiệp không ngừng tăng 

Từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh vẫn chưa mấy khả quan so với các năm trước, kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó có tỷ lệ lao động bị thất nghiệp không ngừng tăng lên. 

Thừa người, thiếu việc!

Theo thống kê của Trung tâm giới thiệu việc làm Dak Lak, trong 3 năm (2010-2012) số lượng lao động đến đăng ký thất nghiệp tại Trung tâm tăng lên khá nhiều, cụ thể năm 2010 có 1.401 người, năm 2011 có 2.323 người, năm 2012 là 3.734 người, riêng năm 2013, chỉ tính 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 1.506 người đăng ký thất nghiệp, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, người thất nghiệp là nữ chiếm gần 50% (811 người); độ tuổi từ 25 đến 40 tuổi 54% (890 người) trên tổng số người thất nghiệp. Qua đó cho thấy, số lượng lao động trẻ thất nghiệp khá lớn. Bà Bùi Thị Nga, Trưởng phòng BHTN của trung tâm cho biết, hầu hết người đến đăng ký thất nghiệp là công nhân làm việc tại các công ty sản xuất cà phê, cao su. Lý do thất nghiệp xuất phát từ việc sắp xếp, chuyển đổi của các nông, lâm trường có năng lực hoạt động sản xuất kinh doanh còn yếu kém. Mặt khác, một số lượng lao động lớn dôi dư khi các trạm thu phí của các công ty quản lý đường bộ trên địa bàn tỉnh ngừng hoạt động. Tính từ cuối tháng 12-2012 đến giữa tháng 9-2013, tại Công ty TNHH Một thành viên (MTV) cao su Krông Buk có 197 người đăng ký BHTN tại trung tâm; Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi có 105 người; Công ty TNHH MTV Quản lý và sửa chữa đường bộ Dak Lak 88 người; Công ty TNHH MTV Cà phê 49 là 38 người; Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Sim 36 người; Công ty Cổ phần du lịch Dak Lak 34 người; Công ty Cà phê Trung Nguyên 29 người; Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á 31 người… Theo ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó giám đốc Trung tâm, tại phiên giao dịch việc làm diễn ra vào ngày 15-9 đạt kết quả tương đối cao so với các phiên trước, đã thu hút được nhiều lao động đến tham gia giao dịch tìm kiếm việc làm, nhưng nhìn chung, số lao động được tuyển dụng trực tiếp tại đây còn thấp so với tổng số người tham gia. Chưa kể, vị trí tuyển dụng không đa dạng, chủ yếu tập trung ở các vị trí kinh doanh, dịch vụ thương mại, nhà hàng, khách sạn và lao động phổ thông; có 546  người tham gia phiên giao dịch, nhưng chỉ có 10 đơn vị, DN đăng ký trực tiếp tuyển dụng lao động với nhu cầu 317 người, trong đó chỉ có 113 người được tuyển dụng trực tiếp, 74 người được các DN hẹn phỏng vấn lần sau.

Số lao động được tuyển dụng trực tiếp tại các phiên giao dịch việc làm rất ít so với tổng số người tham gia tìm việc làm.
Số lao động được tuyển dụng trực tiếp tại các phiên giao dịch việc làm rất ít so với tổng số người tham gia tìm việc làm.

Người dễ mất việc lại không được tham gia bảo hiểm thất nghiệp!

Theo Nghị định 127/2008/NĐ-CP, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã tác động trực tiếp đến NLĐ và người sử dụng lao động, góp phần bù đắp một phần thu nhập cho NLĐ học nghề, tìm việc làm mới sau thời gian thất nghiệp. Theo số liệu thống kê tại Trung tâm, 6 tháng đầu năm 2013, toàn tỉnh có 1.635 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp, với tổng số tiền chi trả trên 14,5 tỷ đồng, trong đó có 323 người chuyển từ địa phương khác về để làm thủ tục hưởng BHTN. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là một số quy định về đối tượng được tham gia BHTN vẫn còn có kẽ hở để các DN lách luật gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ, cụ thể, tại khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội, những người có hợp đồng lao động từ 12 tháng trở lên làm việc trong những cơ quan, tổ chức, DN có sử dụng từ 10 lao động trở lên mới thuộc diện tham gia BHTN - điều này đồng nghĩa với việc những người làm việc theo hợp đồng ngắn hạn, hoặc làm ở các đơn vị, DN sử dụng dưới 10 lao động sẽ không thuộc đối tượng tham gia BHTN. Trong khi đó, đây lại là những đối tượng dễ bị mất việc làm nhất, cần được quan tâm thì lại không được tham gia BHTN.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiệp cho biết thêm, trước thực trạng số người đến đăng ký BHTN ngày càng tăng, để bảo đảm quyền lợi của NLĐ, hạn chế thấp nhất những phát sinh vướng mắc trong quá trình giải quyết chế độ, Sở Lao động-Thương binh và xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh và Trung tâm luôn có sự phối hợp nhịp nhàng, trong đó công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề cho NLĐ đặc biệt được chú trọng. Qua đó, đa số NLĐ đến trung tâm đăng ký thất nghiệp đều được tư vấn và giới thiệu việc làm, trong số 1.405 người có 117 người tìm được việc làm mới. Đối với những lao động ở vùng sâu vùng xa, việc đi lại làm thủ tục hưởng chế độ BHTN khó khăn, Trung tâm đã bố trí các văn phòng đại diện để tiếp nhận và giải quyết BHTN tại 2 huyện Ea Kar và thị xã Buôn Hồ.

Theo thống kê của Trung tâm giới thiệu việc làm Dak Lak, trên địa bàn tỉnh có 3.348 DN, cơ quan, tổ chức thuộc diện tham gia BHTN, thực tế, mới chỉ có 1.895 đơn vị tham gia; 114.737 người giao kết hợp đồng lao động, trong đó hợp đồng lao động từ đủ 12 tháng trở lên và hợp đồng không xác định thời hạn đã tham gia BHTN 98.413 người; hợp đồng lao động từ đủ 12 tháng đến 36 tháng và hợp đồng không xác định thời hạn đã tham gia BHTN 78.651 người.

Hoàng Tuyết

 


Ý kiến bạn đọc