Multimedia Đọc Báo in

"Quýt làm, cam chịu"!

10:30, 05/10/2013
Nhiều DN xuất khẩu cà phê đang gửi khiếu nại đến Tổng Cục thuế về việc bị Cục Thuế Dak Lak thu hồi hoàn thuế VAT. Theo các DN này, việc xác minh hóa đơn trước khi hoàn thuế VAT theo tinh thần Công văn 7527 của Bộ Tài chính đang đẩy DN vào thế khó, thậm chí là bị oan.
Thị trường không lành mạnh, nhiều DN xuất khẩu cà phê đang gặp khó khăn.                                                                                            (Ảnh minh họa).
Thị trường không lành mạnh, nhiều DN xuất khẩu cà phê đang gặp khó khăn. (Ảnh minh họa).

Theo Công văn 7527 về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các DN có dấu hiệu rủi ro cao về thuế do Bộ Tài chính ban hành ngày 12-6-2013 thì DN kinh doanh, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản sử dụng hóa đơn bán hàng của DN có trụ sở tại những địa phương không có nguồn nguyên liệu được xem là một trong những dấu hiệu rủi ro cao về thuế. Công văn cũng yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố tổ chức kiểm tra khi hoàn thuế VAT đối với các trường hợp sử dụng hóa đơn của các DN có dấu hiệu rủi ro cao về thuế rất cụ thể. Theo đó, đối với các DN xuất khẩu nông, lâm, thủy, hải sản nếu mua trực tiếp của người sản xuất hoặc chỉ qua 1 khâu trung gian thì được hoàn thuế theo quy định; nếu mua hàng hóa qua nhiều khâu trung gian thì phải kiểm tra các khâu trung gian trước. Nếu các DN thương mại trung gian đã kê khai, nộp thuế VAT theo đúng quy định thì mới xét hoàn thuế cho DN xuất khẩu.

Thực hiện Công văn này, từ tháng 6-2013 đến nay, Cục Thuế Dak Lak đã tiến hành kiểm tra trước hoàn thuế đối với 22 trường hợp, tổng số thuế đề nghị hoàn hơn 80 tỷ đồng. Tính đến nay, chỉ mới có 5 DN được hoàn thuế với số tiền hơn 4,9 tỷ đồng, số còn lại đang tiếp tục xác minh. Qua xác minh, đã có nhiều trường hợp bị Cục Thuế ra quyết định thu hồi hoàn thuế do DN xuất khẩu mua hàng hóa qua nhiều khâu trung gian, và các DN trung gian bán trực tiếp hoặc gián tiếp đều có dấu hiệu phạm tội thuế. Chẳng hạn như trường hợp của Công ty TNHH cà phê Phước An mua cà phê của Công ty TNHH thương mại Phước Bảo (TP. Buôn Ma Thuột); Công ty TNHH thương mại Phước Bảo mua cà phê của Công ty TNHH Một thành viên Trịnh Duy Hiệp (Dak R’lấp, Dak Nông); Công ty Trịnh Duy Hiệp mua hàng hóa của Công ty TNHH Một thành viên Văn Đình Phát (Trảng Bom, Đồng Nai) và Công ty TNHH Một thành viên thương mại và dịch vụ Tiến Thành (Bù Đăng, Bình Phước). Thế nhưng, kết quả xác minh tại các cơ quan thuế quản lý trực tiếp thì Công ty Văn Đình Phát không có hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đăng ký; Công ty Tiến Thành không kê khai thuế và cũng đã bỏ địa chỉ kinh doanh. Đặc biệt, Cục Thuế Dak Nông còn kết luận toàn bộ hóa đơn VAT của công ty Trịnh Duy Hiệp lập và phát hành là hóa đơn khống.

Nhiều DN xuất khẩu cho rằng, việc tăng cường kiểm tra DN có nguy cơ rủi ro cao là hoàn toàn phù hợp vì sẽ tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh. Tuy nhiên, việc thu mua hàng nông sản nói chung, cà phê nói riêng thường qua rất nhiều khâu trung gian theo kiểu: đơn vị A mua của đơn vị B, B mua của C, rồi một chuỗi kéo dài đến X, Y, Z… Trong khi đó, theo mối quan hệ mua bán này, DN xuất khẩu chỉ cần mua được hàng có đầy đủ hóa đơn chứng từ theo quy định chứ không thể kiểm tra tính pháp lý các giao dịch trước đó của đối tác. Việc một vài DN trong chuỗi bán hàng trước đó vi phạm pháp luật là ngoài tầm kiểm soát của DN xuất khẩu. Chính vì thế, việc cơ quan thuế truy hoàn thuế VAT đối với DN xuất khẩu (làm ăn chân chính) là không thỏa đáng; DN nào vi phạm thì xử lý DN đó chứ không nên bắt DN xuất khẩu liên đới chịu trách nhiệm.

Những bất cập trong hoàn thuế VAT đối với lĩnh vực xuất khẩu cà phê đang cần có biện pháp giải quyết hữu hiệu vì nó đã và đang đẩy DN xuất khẩu vào thế khó, nhất là trong điều kiện tình hình tài chính hạn hẹp như hiện nay. Nhiều DN xuất khẩu đã tạm dừng việc xuất khẩu vì sợ rủi ro. Nếu tình trạng này kéo dài, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ mất dần thị trường. Điều này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, trong đó, dễ thấy nhất là cán cân thương mại mất cân đối lớn.

Lê Ngọc

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.