Cựu chiến binh chung tay xóa đói, giảm nghèo
Trong những năm qua, cùng với việc xây dựng, củng cố tổ chức hội vững mạnh, Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh luôn chú trọng đẩy mạnh phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi và ngày càng xuất hiện nhiều gương hội viên vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.
Những tấm gương tiêu biểu
Hội CCB tỉnh hiện có trên 47.000 hội viên, sinh hoạt tại 350 Hội CCB cơ sở và trên 200 Chi hội CCB cấp xã, phường, thị trấn. Trong những năm qua, Hội CCB tỉnh luôn quan tâm, giúp đỡ hội viên thay đổi nhận thức về sản xuất kinh doanh, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó nhiều hội viên từ cuộc sống khó khăn, đến nay đã có cơ ngơi trị giá hàng trăm triệu đồng. Một trong những tấm gương tiêu biểu vượt khó để làm giàu phải kể đến CCB Vũ Ngọc Nhanh ở xã Quảng Hiệp (huyện Cư M’gar). Năm 1990, vợ chồng bác rời Hưng Yên vào Dak Lak lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Nhờ đức tính cần cù, chịu khó, biết chi tiêu hợp lý mà đến nay gia đình bác đã xây dựng được một cơ ngơi khang trang với một đại lý vật liệu xây dựng và một héc ta trồng cà phê, tiêu kết hợp với chăn nuôi gà thả vườn. Mỗi năm gia đình bác có thu nhập trên 480 triệu đồng và giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động ở địa phương. Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình bác Nhanh còn giúp đỡ nhiều hội viên CCB khó khăn vươn lên thoát nghèo. Từ năm 2008 đến nay, gia đình bác đã cho 12 gia đình CCB vay với số tiền hơn 500 triệu đồng không lấy lãi để đầu tư phát triển sản xuất và xóa nhà dột nát. Hay như tấm gương vượt khó của CCB Nguyễn Thị Quýt (buôn Krang, xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana). Trước đây gia đình bà Quýt là hộ nghèo, có tới 5 người con, đất đai sản xuất ít, không có vốn nên làm mãi chẳng đủ ăn. Sau khi được Chi hội CCB xã hỗ trợ 8 triệu đồng, vay mượn thêm của bạn bè, anh em bà con, gia đình bà đã triển khai mô hình VAC, trồng 5 ha cà phê, chăn nuôi heo rừng, heo thịt và nuôi cá nước ngọt. Nhờ cần cù chịu khó nên gia đình bà đã thoát nghèo, con cái học hành thành đạt. Hiện nay, thu nhập bình quân của gia đình gần 500 triệu đồng/năm. Ngoài ra, còn nhiều điển hình khác như: CCB Phạm Thành Long (thôn 14, xã Ea Uy, huyện Krông Pak), thoát nghèo từ mô hình VAC kết hợp làm dịch vụ, thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/năm; CCB Hồ Huy (thôn 10, xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông) làm giàu từ mô hình Vườn-Ruộng-Chăn nuôi và làm dịch vụ, thu nhập 300 triệu đồng/năm; CCB Vũ Trọng Luyến (TDP6, phường Thiện An, thị xã Buôn Hồ), vươn lên làm giàu từ mô hình kinh tế gia trại, trồng xen sầu riêng, vải thiều trong vườn cà phê, thu nhập 600 triệu đồng/năm; CCB Vũ Đức Minh (thôn Tứ Xuân, xã Cư Huê, huyện Ea Kar), thoát nghèo bền vững từ mô hình VACR và dịch vụ, thu nhập 500 triệu đồng/năm…
Mô hình kinh tế VAC của CCB Nguyễn Thị Quýt (buôn Krang, xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana) thu nhập bình quân gần 500 triệu đồng/năm. |
Phát huy vai trò của tổ chức Hội
Ông Nguyễn Kim Hồng, Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết: Phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, nhiều hội viên đã nêu cao ý thức tự lực tự cường, chủ động nắm thời cơ, năng động sáng tạo học hỏi các mô hình sản xuất kinh doanh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch phát triển kinh tế của địa phương, mang lại hiệu quả cao. Đồng hành cùng với các hội viên trên con đường xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng, các cấp Hội CCB trong tỉnh đã chủ động khai thác từ các nguồn vốn vay để giúp hội viên phát triển kinh tế. Trong 5 năm (2008-2013), các cấp hội đã xây dựng được 119 căn nhà nghĩa tình đồng đội, huy động 32.000 ngày công lao động, ủng hộ giúp đỡ các hội viên về con giống, cây giống để phát triển sản xuất trên 2 tỷ đồng; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giải quyết cho hơn 26.000 hộ gia đình CCB được vay vốn với dư nợ hơn 421 tỷ đồng. Cùng với đó, các cấp Hội cũng phối hợp với các ban, ngành tổ chức hàng trăm lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất, chăn nuôi; tổ chức đi tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả trong và ngoài tỉnh... Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của tổ chức Hội mà nhiều hộ CCB đã thoát được nghèo, đời sống của hội viên được nâng lên rõ rệt. Từ năm 2008 đến nay, đã có 1.335 hội viên được xóa nghèo; 295 hội viên thoát khỏi tình trạng khó khăn về nhà ở, hơn 19.000 gia đình hội viên có mức sống khá giàu (chiếm gần 45% tổng số hội viên). Nhiều gia đình hội viên có thu nhập từ 500 triệu đồng/năm trở lên, được công nhận danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, cấp trung ương. Điển hình như chi hội CCB buôn M’ghi (xã Yang Mao, huyện Krông Bông). Trước năm 2008, gia đình các hội viên trong Chi hội đều thuộc diện hộ nghèo. Để giúp đỡ hội viên phát triển sản xuất, Hội CCB xã Yang Mao đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho các hộ vay vốn để sắm dụng cụ sản xuất, phát triển chăn nuôi; đồng thời, mời cán bộ khuyến nông từ huyện xuống buôn hướng dẫn hội viên kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, giúp họ thay đổi tập quán sản xuất. Hiện nay, hơn 90% số hộ có cuộc sống khá và giàu, nhiều hộ có thu nhập hằng năm trên 150 triệu đồng.
Phong trào CCB giúp nhau xóa đói giảm nghèo, làm kinh tế giỏi đã khơi dậy sự đoàn kết gắn bó tình đồng chí, đồng đội. Dù cá nhân hay tập thể, họ vẫn luôn phát huy phẩm chất người lính, trăn trở làm sao để giúp đồng đội vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. Phát huy những kết quả trên, thời gian tới các cấp Hội CCB sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào “CCB gương mẫu, thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”, gắn với phong trào “Xây dựng nông thôn mới”; phấn đấu đến năm 2018 cơ bản xóa nhà dột nát cho hội viên; 100% gia đình hội viên thoát nghèo…
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc