Đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh Tây Nguyên: Chậm phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng, công trình chưa được thi công
“Địa phương nào không làm tốt công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) sẽ bị Thủ tướng phê bình, kiểm điểm nghiêm khắc; đơn vị thi công chây ỳ thì Bộ GTVT sẽ tiến hành thay thế ngay để bảo đảm tiến độ thi công công trình” - Đó là kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị triển khai GPMB mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên tại Hà Nội vào chiều 22-10.
Lắp giải phân cách đường Hồ Chí Minh, đoạn phía Nam TP. Buôn Ma Thuột. |
Đường Hồ Chí Minh qua Dak Lak có chiều dài 127km, từ km607+000 (điểm giáp ranh giữa huyện Ea H’leo và tỉnh Gia Lai) – km734+000 (điểm giáp với tỉnh Dak Nông). Đến thời điểm này, công tác GPMB tại các địa bàn có tuyến đường đi qua như sau: huyện Ea H’leo, có tổng chiều dài gần 42km (từ km607+960 – km649+780), kinh phí cho GPMB dự kiến khoảng 15 tỷ đồng, đến nay đã tiến hành bàn giao mặt bằng ở 4 xã ngoài khu vực nội thị, còn khu vực thị trấn Ea Drăng, dự kiến bàn giao trong tháng 10-2013. Huyện Krông Buk, chiều dài tuyến đường chạy qua trên 24km, dự kiến đến cuối tháng 10-2013 bàn giao 30%, khối lượng còn lại chủ đầu tư và đơn vị tư vấn đang điều chỉnh thiết kế. Dự án qua thị xã Buôn Hồ có chiều dài trên 20km, đến nay gói thầu bằng hình thức BOT đã bàn giao khoảng 70% khối lượng, gói thầu bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ mới bàn giao được 2/4,75km; kinh phí để giải tỏa công trình hạ tầng kỹ thuật trong hành lang đường bộ khoảng 31,6 tỷ đồng. Đoạn qua huyện Cư M’gar dài gần 9km, kinh phí giải đền bù nhà, đất, hoa màu khoảng 3 tỷ đồng đang trình phê duyệt, dự kiến đến hết tháng 10-2013 sẽ bàn giao 100% khối lượng, nhưng việc xác định công trình hạ tầng kỹ thuật chưa thực hiện được.
Thi công đường Hồ Chí Minh đoạn phía Nam TP. Buôn Ma Thuột. |
Ông Y Puăt Tơr, Giám đốc Sở GTVT cho biết, công tác GPMB Dự án đường Hồ Chí Minh qua địa bàn Dak Lak vẫn gặp khó khăn như: các công trình hạ tầng kỹ thuật trên tuyến đường do nhiều đơn vị quản lý, xây dựng ở các thời điểm khác nhau; một số công trình lại nhận bàn giao từ đơn vị này qua đơn vị khác. Vì vậy, hồ sơ lưu trữ các công trình bị thất lạc, dẫn đến khó xác định thời điểm xây dựng công trình làm cơ sở xác định việc hỗ trợ di chuyển. Trong khi đó hầu hết các đơn vị quản lý đều gặp khó khăn do không chủ động được kế hoạch vốn để bố trí thực hiện việc di dời. Mặt khác, vẫn còn tồn tại tình trạng các đơn vị công trình hạ tầng kỹ thuật chưa thực sự quan tâm, phối hợp cùng địa phương trong quá trình thực hiện lập hồ sơ di dời công trình, ảnh hưởng đến tiến độ thi công…
Theo đánh giá của Bộ GTVT, việc triển khai các dự án trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, trong đó một số gói thầu bằng hình thức BOT được huy động trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn như hiện nay mang ý nghĩa hết sức to lớn. Do đó, ban cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo thường xuyên, sâu sát và quyết liệt việc triển khai các dự án trên tuyến. Hàng tháng, Bộ tiến hành kiểm điểm về tình hình tổ chức thực hiện của các cơ quan liên quan, chỉ ra tồn tại làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình. Trước đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong công tác GPMB, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho ứng trước vốn ngân sách Nhà nước tại văn bản số 810/TTg-KTN ngày 6-6-2013, với giá trị 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đối với các dự án trên đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh Tây Nguyên, đến nay mới chỉ có tỉnh Kon Tum có phương án GPMB tổng thể để làm thủ tục đăng ký vốn. Do vậy, hầu hết các gói thầu trên tuyến nói chung, Dak Lak nói riêng được khởi công từ đầu tháng 6-2013 đều chưa được thi công do địa phương chậm phê duyệt phương án GPMB.
Để bảo đảm tiến độ các dự án trên tuyến đường, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ kịp thời chỉ đạo các địa phương có dự án đi qua nhanh chóng phê duyệt phương án tổng thể GPMB và đăng ký cụ thể tiến độ giải ngân hàng tháng gửi Bộ chậm nhất hết tháng 10-2013 để làm cơ sở phân bổ kinh phí GPMB cho địa phương, đồng thời tiến hành thành lập hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư tại các địa bàn có dự án, chậm nhất đến 31-12-2013 phải bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Các đơn vị quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật khẩn trương di dời công trình trong phạm vi GPMB và thực hiện đúng cam kết với chủ đầu tư dự án. Công tác GPMB là một khâu hết sức quan trọng góp phần vào việc hoàn thành tiến độ dự án, Bộ đề nghị toàn bộ hệ thống chính trị của địa phương cần vào cuộc, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện, thành phố, thị xã và chủ đầu tư phải trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cho công tác GPMB.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ GTVT, dự án mở rộng đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh Tây Nguyên có tổng kinh phí GPMB khoảng 1.300 tỷ; tổng diện tích thu hồi đất trên 175 ha; 503 hộ dân bị ảnh hưởng. Hiện nay công tác GPMB đối với các dự án trên tuyến đường đang được các địa phương kiểm đếm, áp giá, lập phương án tổng thể và chi tiết.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc