Gian nan hành trình giảm nghèo bền vững ở Ia R'vê
Hơn 57% là hộ nghèo, còn lại là hộ cận nghèo và số ít có đời sống trung bình khá trong tổng số hộ trên địa bàn xã Ia R’vê, huyện Ea Súp. Nguyên nhân nghèo đã được xác định là do mất mùa, chưa có việc làm tạo thu nhập ổn định, thiếu đất, vốn, phương tiện sản xuất. Nhưng tìm cách để giảm nghèo bền vững thì chính quyền xã vùng biên này thực sự thấy khó vì hiện trạng có quá nhiều cái khó…
Những câu chuyện mà chúng tôi nghe được từ người dân vùng biên giới Ia R’vê thì chuyện nghèo đi nghèo lại của họ quả thực phụ thuộc rất nhiều vào ông trời. Chẳng riêng gì mùa mưa lũ năm nay, một vài năm trước cũng vậy, ranh giới mong manh giữa thoát nghèo và tay trắng có khi chỉ sau một đêm. Lúa, ngô, sắn đang chuẩn bị thu hoạch thì gặp một trận lụt, thế là tất cả thành quả một vụ mùa chìm trôi trong nước. Mùa mưa đã vậy, còn mùa khô thì khỏi nói. Ai đã từng đặt chân đến huyện Ea Súp, đặc biệt là vùng biên Ia R’vê, một lần thôi cũng không thể quên cái nắng bạc đất, bạc người nơi đây. Ấy vậy nên mất mùa mới được xếp là một trong những nguyên nhân chính của cái nghèo ở Ia R’vê.
Người dân xã Ia R’vê tham gia trồng cây keo để phát triển kinh tế. Ảnh: Hoàng Gia |
Còn trong câu chuyện với chính quyền xã Ia R’vê, cái nghèo và công cuộc giảm nghèo ở đây khó vì hầu như đụng đâu cũng khó, nhất là về cơ sở hạ tầng. Giải quyết bài toán mùa màng thất bát thì nhìn lại hệ thống thủy lợi còn rất thiếu nên 8 năm từ ngày thành lập xã đến giờ người dân nơi đây vẫn phải tiếp tục “đánh bạc” với trời. Xã đã có hệ thống điện lưới quốc gia gồm khoảng 53 km đường điện trung thế, 14 km đường điện hạ thế, với tổng số 24 trạm biến áp, phân bố ở tất cả 14 thôn trên địa bàn xã. Tuy nhiên do địa bàn rộng, một số hộ dân ở phân tán nên mạng lưới điện hạ thế mới chỉ có thể phục vụ được khoảng 54% tổng số hộ, số còn lại do các hộ tự kéo đường dây, không bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật.
Tính đến cuối năm 2012, toàn xã mới có 1/14 thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng, xây dựng tạm chưa được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất. Xã chưa có chợ nông thôn phục vụ nhu cầu trao đổi mua bán hàng hóa của người dân trong xã, chỉ có một số hàng quán nhỏ lẻ phân bố rải rác ở các thôn. Mọi nhu cầu mua bán trao đổi hàng hóa của người dân đều sang chợ xã lân cận hay chợ huyện. Trên địa bàn xã chưa có công trình cấp nước sạch tập trung. Ngoài một số giếng do bà con tự đào, giếng khoan theo dự án kinh tế mới của Bộ Quốc phòng, nguồn nước sinh hoạt của nhân dân chủ yếu là nước ngầm. Nguồn lao động của xã tương đối dồi dào, tuy nhiên trình độ tay nghề của người lao động còn thấp, hầu hết chưa qua đào tạo nên ảnh hưởng rất lớn đến khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Trước thực tế này, từ năm 2011 đến nay, các biện pháp để giảm nghèo của Ia R’vê, lãnh đạo chính quyền địa phương cũng trăn trở lắm ví như chuyện nghiên cứu, thử nghiệm nhiều mô hình sản xuất nhưng chưa có mô hình nào thành công, đứng chân lâu dài. 3 loại cây trồng chính là lúa, ngô, sắn thì canh tác cũng bấp bênh do thời tiết và vấn đề thu mua bị tư thương ép giá. Bởi vậy tiềm lực không có nên chủ yếu phụ thuộc vào sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt trên các mặt nhà ở, giáo dục, y tế, điện... Để giúp dân cải thiện đời sống, tăng thu nhập, hàng nghìn lượt người đã được hỗ trợ vay vốn với mục đích chăn nuôi gia súc gia cầm và phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng thực tế do trình độ khoa học kỹ thuật của người dân còn hạn chế nên “kênh” này chưa phát huy tối đa hiệu quả.
Theo đề án giảm nghèo của xã giai đoạn 2013-2015, với mục tiêu mỗi năm giảm 5% số hộ nghèo, nhiều nội dung, nhiệm vụ được đề ra. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là trong số đó hầu hết những hướng để giảm nghèo, kinh phí đều phải đề nghị Nhà nước hỗ trợ 100%, đơn cử như: về chuyển giao kỹ thuật và khuyến nông lâm, công tác đào tạo, việc làm; giáo dục đào tạo; xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng: giao thông, thủy lợi, công trình cấp nước quy mô nhỏ, trường học, chợ, nhà sinh hoạt cộng đồng… Với những khó khăn này, xem ra, hành trình giảm nghèo của Ia R’vê sẽ còn khá gian nan, vất vả nếu không tiếp tục có sự đầu tư của Nhà nước.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc