Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ mô hình ngân hàng lương thực cộng đồng ở huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum)

07:57, 26/11/2013

Ngày 10-3-2011, Ban Thường vụ Huyện ủy Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) đã ban hành Chỉ thị 04-CT/HU về lãnh đạo xây dựng Ngân hàng lương thực cộng đồng (NHLTCĐ) tại các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện nhằm đáp ứng nhu cầu dự trữ, bảo quản lương thực giúp hàng nghìn hộ DTTS vay ổn định đời sống, bảo đảm an ninh lương thực, đề phòng bão lũ, thiên tai, khắc phục tình trạng cho vay nặng lãi, xây dựng cộng đồng dân cư phát triển toàn diện.

Từ thành công của mô hình thí điểm ở xã Ngọc Wang, đến nay, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đăk Hà đã vận động, hỗ trợ nhân dân ở các thôn, làng tận dụng các vật liệu sẵn có tại địa phương đầu tư xây dựng được 60 NHLTCĐ tại 58 thôn, buôn DTTS. Mỗi NHLTCĐ rộng khoảng 25 m2, được thiết kế theo cùng một kiểu mẫu: cột gỗ, lợp mái tôn.

Để mô hình NHLTCĐ đưa vào hoạt động có hiệu quả, các cấp, các ngành, các đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã tổ chức tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng NHLTCĐ. Cùng với việc xây dựng hệ thống các NHLTCĐ, huyện cũng đã chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn thành lập các tổ quản lý và xây dựng Điều lệ quản lý NHLTCĐ. Đến nay, mỗi NHLTCĐ tại các thôn, làng trên địa bàn đều đã thành lập các tổ quản lý đảm nhận tốt nhiệm vụ huy động, bảo quản lương thực, xét cho người dân vay đúng đối tượng, theo dõi và thu hồi lương thực cho vay khi đến hạn trả. Bên cạnh nguồn hỗ trợ ban đầu của huyện, các cấp chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trên địa bàn huyện cũng đã làm tốt công tác vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hỗ trợ xây dựng NHLTCĐ dưới hình thức hỗ trợ lúa, gạo, tiền mặt. Nhận thấy lợi ích thiết thực từ chủ trương của huyện, bà con cũng tự nguyện đóng góp mỗi hộ 50.000 đồng, xây kho chứa lúa ở mỗi làng. Nhờ vậy, mô hình NHLTCĐ nhanh chóng được mở rộng, hiệu quả được phát huy, tình trạng bán lúa non, vay nặng lãi tại các thôn, buôn chấm dứt hẳn.

Theo thống kê của chính quyền địa phương, đến nay, tổng số lương thực huy động được cho 60 NHLTCĐ tại 58 thôn, buôn trên địa bàn huyện là 211.886 kg lúa, 132.350 kg gạo và 148 triệu đồng; trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 200 triệu đồng (28.000 kg lúa), phần còn lại là do nguồn hỗ trợ của các tổ chức và cá nhân ủng hộ. Số lương thực trên đã giúp cho các hộ nghèo thiếu ăn giáp hạt có nguồn vay để ổn định cuộc sống, an tâm sản xuất, làm ăn.  

Ngân hàng lương thực cộng đồng tại thôn Kon Rôn, xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum).
Ngân hàng lương thực cộng đồng tại thôn Kon Rôn, xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum).

Hiệu quả cho thấy rõ hơn từ mô hình NHLTCĐ là ở một số thôn, làng, người dân đã biết phát huy tinh thần cộng đồng bằng việc không chỉ trông chờ nguồn hỗ trợ từ ngân sách huyện mà đã tự đóng góp lúa, gạo vào ngân hàng để giúp đỡ các hộ gia đình khó khăn khác. Điển hình của việc làm này là nhân dân các thôn Kon Stiu, Kon Hơ Drế ở xã Ngọc Réo. Qua hơn 2 năm triển khai mô hình, người dân thôn Kon Stiu đã góp được 1.257 kg lúa, thôn Kon Hơ Drế góp được 900 kg lúa vào ngân hàng tại thôn để giúp đỡ hàng trăm hộ gia đình trong thôn  có cái ăn, nguồn lúa giống để gieo trồng, nhất là vào thời điểm giáp hạt. Ông Chu Văn Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Réo cho biết: Từ ngày có NHLTCĐ, bà con trên địa bàn xã rất phấn khởi, tình trạng thiếu ăn mùa giáp hạt hầu như không còn tái diễn.

Cũng nhờ mô hình này, tính cộng đồng trong dân cư cũng được phát huy cao độ khi giờ đây những hộ gia đình khá giả hơn đã cùng góp lương thực vào NHLTCĐ để giúp đỡ những hộ gia đình khó khăn hơn. Cũng chính nhờ NHLTCĐ mà những người dân khi gặp thiên tai, bão lũ cũng có cái ăn để tiếp tục chăm lo cho cuộc sống.    

Nhằm huy động các nguồn lực hỗ trợ cho các hộ  DTTS nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không chỉ vay lương thực mà còn có thể vay phân bón, kinh phí để phát triển sản xuất, mới đây, huyện Đăk Hà đã chủ trương nâng cấp 60 NHLTCĐ thành “ngân hàng cộng đồng”. Mỗi ngân hàng cộng đồng được phân bổ 5 tấn lương thực, 5 tấn phân bón các loại gồm urê, lân, kali và có thêm ít nhất 20 triệu đồng tiền mặt để những người dân gặp khó khăn, hoạn nạn vay xoay vòng. Bên cạnh việc vận động các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí, lương thực, phân bón, huyện Đăk Hà cũng đã chỉ đạo các địa phương trên địa bàn huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động nhằm huy động tính cộng đồng trong dân cư. Đặc biệt tất cả các Ngân hàng cộng đồng ở Đăk Hà do chính người dân trong thôn, làng điều hành; nhờ sát dân, sát hộ nên tránh được việc cho vay sai đối tượng, sai mục đích hay người vay chây ì không hoàn trả vốn vay.

Chủ trương thành lập Ngân hàng cộng đồng của huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) thực sự là cách làm hiệu quả để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đắc Vinh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.