Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M'gar: Hiệu quả từ mô hình trồng xen canh cây ăn trái

08:35, 13/11/2013

Nhận thấy cây sầu riêng là một trong những loại cây có hiệu quả kinh tế cao và thích hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng ở địa phương, đặc biệt là phù hợp với hình thức trồng xen canh, năm 2004, ông Nguyễn Văn Sứ ở thôn 4, xã Cư Suê (huyện Cư M’gar) đã đưa thêm một số cây sầu riêng Dona vào trồng thử nghiệm trên hơn 7 sào cà phê của gia đình.

Sau vài năm, thấy được hiệu quả của mô hình này đem lại, ông đã tiếp tục đưa thêm hàng chục cây nữa vào trồng xen, bình quân cứ 2 hàng cà phê trồng một hàng sầu riêng. Đến nay trên diện tích đất canh tác của gia đình ông đã có gần 100 cây sầu riêng, trong có 64 cây đang trong giai đoạn kinh doanh, bình quân mỗi cây thu được 1,5 – 2 tạ, với giá thị trường giao động từ 18 – 22.000 đồng/kg mỗi năm gia đình ông Sứ có nguồn thu nhập hàng chục triệu từ cây sầu riêng. Bên cạnh đó, với hơn 600 cây, mỗi vụ ông cũng thu được 1-1,5 tấn. Ông Sứ chia sẻ: “Trồng xen cây ăn trái trong vườn cà phê có nhiều cái lợi, công chăm sóc, phân bón được tận dụng từ cây cà phê. Với cây sầu riêng, chỉ riêng trong năm nay tôi thu được hơn 100 triều đồng, nếu tính hiệu quả chung thì hơn 7 sào đất canh tác tôi thu tương đương hơn 4 tấn cà phê.”

Những năm gần đây, trồng xen canh cây ăn quả trong diện tích đất canh tác của gia đình phát triển mạnh trên địa bàn huyện Cư M’gar. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Cư M’gar, đến nay toàn huyện có khoảng 30,9 ha cây ăn trái (tăng 10,4 ha so với nâm 2012), chủ yếu là sầu riêng, bơ… Trong đó, diện tích vườn cây đang trong giai đoạn kinh doanh có 15,9 ha; chủ yếu tập trung ở các xã: Cư M’gar, Ea Kpam, Ea Kuêh và Ea Tul. Việc đưa các loại cây ăn quả vào trồng xen canh đã góp phần giúp người nông dân nâng cao được hiệu quả trên một đơn vị diện tích canh tác, cũng như hạn chế được rủi ro trong sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho gia đình. Các loại cây ăn trái còn có tác dụng che nắng, chắn gió, giữ ẩm cho đất, làm giảm lượng nước tưới. Mô hình này rất cần được nhân rộng, tạo sự phát triển bền vững trong ngành sản xuất nông nghiệp ở địa phương.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.