Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông: Nhân rộng mô hình nuôi bò nhốt thâm canh

09:34, 11/11/2013
Tại thôn 8, xã Hòa Sơn, UBND huyện Krông Bông đã tổ chức Hội nghị đánh giá và nhân rộng mô hình nuôi bò nhốt thâm canh trên địa bàn huyện. Tham dự hội nghị có đại diện Trung tâm Công nghệ Sinh học Trường Đại học Tây Nguyên; đại diện lãnh đạo 14 xã, thị trấn và đông đảo người chăn nuôi bò trên địa bàn huyện Krông Bông.

 Mô hình nuôi bò nhốt thâm canh được huyện Krông Bông triển khai từ đầu năm 2011. Tuy nhiên, do hình thức đầu tư dàn trải, chưa chuyên sâu, nhiều nông dân chưa mạnh dạn áp dụng mô hình, nên kết quả mang lại từ việc chăn nuôi bò chưa cao. Bước sang năm 2012 - 2013, UBNB huyện Krông Bông đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện tập trung xây dựng các mô hình nuôi bò nhốt thâm canh điểm, thông qua Dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh và các nguồn vốn phát triển khác của huyện. Bước đầu, phòng NN và PNNT huyện chọn 5 hộ dân ở thôn 8 và thôn 9, xã Hòa Sơn nuôi bò vỗ béo thí điểm với 15 con bò bằng nguồn vốn từ Dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh. Huyện cũng vận động người dân trồng cỏ phát triển đàn bò và xây dựng thêm 21 mô hình nuôi bò nhốt thâm canh với 56 con bò tại 4 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Mô hình nuôi bò nhốt của gia đình Phạm Văn Tàu  ở thôn 9, xã Hòa Sơn.
Mô hình nuôi bò nhốt của gia đình Phạm Văn Tàu ở thôn 9, xã Hòa Sơn.

Kết quả cho thấy, các mô hình nuôi bò nhốt thâm canh, đặc biệt là các mô hình nuôi bò vỗ béo bước đầu mang lại chất lượng, năng suất, giá trị kinh tế khá cao. Đối với mô hình nuôi bò nhốt thâm canh, tỷ lệ tăng trọng bình quân đạt hơn 600 gam/con/ngày; mang lại nguồn lãi cho người dân từ việc chăn nuôi bò nhốt thâm canh 1 – 1,2 triệu đồng/con/tháng, chưa tính đến giá trị từ lượng phân bán ra của người dân trong suốt quá trình chăn nuôi. Còn đối với dự án nuôi bò vỗ béo thì kết quả cao hơn, bình quân thu lãi từ việc nuôi bò vỗ béo mỗi con trong một tháng sẽ thu được từ 1,2 – 1,4 triệu đồng/con. Điển hình như mô hình nuôi bò vỗ béo của gia đình ông Phạm Văn Tàu ở thôn 9, mô hình nuôi bò của hộ anh Huỳnh Xuân Vinh ở thôn 8, xã Hòa Sơn và một số mô hình khác.

Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá cao việc phát triển đàn bò trên địa bàn huyện theo hướng nuôi bò nhốt thâm canh, góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Nhiều bà con nông dân bày tỏ mong muốn các ngành chức năng của huyện, đặc biệt là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cần tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay phát triển mô hình chăn nuôi này.

Phan Tuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.