Multimedia Đọc Báo in

Lập lại trật tự trong kinh doanh lâm sản: Những chuyển biến tích cực từ địa bàn TP. Buôn Ma Thuột

08:36, 13/11/2013

Sau gần 1 năm triển khai thực hiện quản lý lâm sản theo Thông tư  01/2012/TT-BNNPTNT, quy định về hồ sơ lâm sản hợp pháp và kiểm tra nguồn gốc lâm sản, hoạt động chế biến, kinh doanh lâm sản trên địa bàn tỉnh từng bước được chấn chỉnh và đi vào nền nếp…

Trước đây, TP. Buôn Ma Thuột là một trong những địa bàn “nóng”  về kinh doanh lâm sản, nhưng sau khi Thông tư số 01 được ban hành để thay thế Quyết định số 59/2005/QĐ-BNN thì hoạt động của các cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản trên địa bàn thành phố đã từng bước đi vào trật tự. Ông Y Ngọc Kpă, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Buôn Ma Thuột cho biết, Quyết định 59 tạo cơ chế thông thoáng cho các tổ chức, cá nhân trong phát triển sản xuất, kinh doanh, xã hội hóa nghề rừng, nhưng lại có quá nhiều kẽ hở khi chưa gắn kết hoạt động quản lý lâm sản với quản lý rừng bền vững. Cơ chế bảo đảm giám sát nguồn gốc lâm sản còn nhiều bất cập nên bị các đối tượng lợi dụng nhằm hợp pháp hóa lâm sản có nguồn gốc bất hợp pháp. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp dùng phương thức quay vòng hồ sơ để hợp thức hóa, tẩu tán lâm sản trái phép. Ngoài ra, Quyết định quy định không được kiểm tra đối với hàng mộc hoàn chỉnh, các loại lâm sản khác ngoài gỗ, nên không xử lý hết những trường hợp lợi dụng để khai thác, vận chuyển loại lâm sản này từ rừng tự nhiên. Chủ xưởng chế biến gỗ không cần báo cáo nguồn nhập, không ghi chép sổ theo dõi, nên có một thời kỳ, hoạt động chế biến, kinh doanh lâm sản phát triển khá “nóng”, ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh rừng trên địa bàn cũng như toàn tỉnh.

Do thiếu nguồn nguyên liệu ổn định, một số xưởng chế biến gỗ  chỉ hoạt động cầm chừng (Ảnh minh họa).
Do thiếu nguồn nguyên liệu ổn định, một số xưởng chế biến gỗ chỉ hoạt động cầm chừng (Ảnh minh họa).

Trong khi đó, Thông tư  số 01 với  những quy định chặt chẽ hơn như hồ sơ lâm sản phải chi tiết trong từng khâu theo chuỗi cung ứng lâm sản; cán bộ kiểm lâm có thể dễ dàng kiểm tra tại các khâu để loại trừ lâm sản không hợp pháp ra khỏi chuỗi cung ứng lâm sản, bảo đảm lâm sản tiêu thụ minh bạch, hợp pháp; cho phép được kiểm tra đồ mộc hoàn chỉnh; không quy định giấy phép vận chuyển đặc biệt…, góp phần đưa hoạt động kinh doanh lâm sản trên địa bàn thành phố từng bước đi vào nền nếp. Kết quả kiểm tra các doanh nghiệp chế biến gỗ, cơ sở sản xuất mộc, đại lý thu mua lâm sản, mỹ nghệ mới đây cho thấy, thành phố hiện chỉ có 5/7 xưởng chế biến gỗ của 7 doanh nghiệp và 26 cơ sở mộc (chủ yếu là hộ cá thể), còn hoạt động, giảm nhiều so với trước đây. Việc các cơ sở kinh doanh lâm sản, các xưởng mộc gia đình… quen với lối làm ăn cũ, nay phải đóng cửa, hoạt động cầm chừng hoặc chờ ngày giải thể vì nguồn gỗ bất hợp pháp không còn, lại bị quản lý bởi cơ chế chặt chẽ hơn cũng là điều tất yếu. Bên cạnh đó, việc tăng cường phối hợp của kiểm lâm với lực lượng liên ngành trong kiểm tra kiểm soát cũng đã kịp thời phát hiện, xử lý nhiều sai phạm. Cụ thể, ngày 9-1-2013, Hạt Kiểm lâm Buôn Ma Thuột phối hợp với Đội Kiểm lâm cơ động số 1 khi tiến hành kiểm tra cơ sở xẻ củi bìa của ông Đỗ Nam Hoàng đã phát hiện 9,54m3 gỗ hộp các loại từ nhóm II-VII, Hạt đã lập biên bản chuyển hồ sơ cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh xử lý. Ngày 4-4-2013, UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt đối với ông Đỗ Nam Hoàng về hành vi cất giữ lâm sản trái với các quy định của Nhà nước, tổng số tiền 75 triệu đồng. Cũng trong tháng 1-2013, lực lượng chức năng của thành phố phát hiện xử lý hành vi vận chuyển 5,770 m3 gỗ trái phép của ông Dương Tiến ở 80 Nguyễn Thị Minh Khai, số tiền bị xử phạt là 50 triệu đồng. Trong tháng 7-2013, Hạt Kiểm lâm thành phố, phát hiện xử lý 7 vụ vận chuyển lâm sản trái phép, chủ yếu là gỗ tròn với tổng tiền xử lý hành chính là 115 triệu đồng.

Bên cạnh việc triển khai nghiêm túc Thông tư số 01, những năm qua, trước tình hình an ninh rừng phức tạp, chủ trương quy hoạch lại mạng lưới chế biến lâm sản, di dời các cơ sở chế biến lâm sản vào các khu, cụm công nghiệp và điểm quy hoạch đã góp phần siết chặt quản lý, từng bước lành mạnh hóa hoạt động này. Ông Nguyễn Bá Công, Trưởng phòng Pháp chế - Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, sau khi Thông tư số 01 có hiệu lực, toàn tỉnh có trên 20 cơ sở mộc, xưởng chế biến gỗ bị đình chỉ hoạt động, chưa kể nhiều cơ sở mộc tự giải thể vì thiếu nguồn nguyên liệu ổn định, hợp pháp. Việc triển khai, áp dụng nghiêm túc Thông tư trên đã tạo bước chuyển biến rõ rệt trong ngăn chặn hoạt động mua, bán hóa đơn, hợp thức hóa gỗ không có nguồn gốc hợp pháp; tình trạng quay vòng hóa đơn bán hàng lâm sản trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát chặt chẽ. Cùng với sự chỉ đạo rốt ráo của UBND tỉnh trong việc lập lại trật tự hoạt động kinh doanh lâm sản, các xưởng chế biến gỗ  gần rừng, ven rừng tại các huyện: Buôn Đôn, Ea Súp, Ea H’leo cũng cơ bản bị xóa sổ, góp phần hạn chế tình trạng xâm hại tài nguyên rừng.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.