Một hợp tác xã sản xuất nấm hoạt động hiệu quả
Chứng kiến các trại nấm trong khuôn viên hơn 5000 m2 của HTX Hà Hương đang hiện diện các loại nấm với các giai đoạn sinh trưởng khác nhau: trại vừa cấy meo, trại đang giai đoạn nấm vừa nhú, cũng có trại đang thời kỳ thu hái, ít ai biết rằng khởi đầu của HTX cũng thật nhiều khó khăn. Từ những năm cuối của thập niên 90 thế kỷ trước, anh Trương Tố Hà, người sáng lập HTX Hà Hương, “khăn gói quả mướp” từ quê hương Đồng Nai lên vùng Tây Nguyên đất đỏ với hành trang là đôi bàn tay trắng cùng niềm tin của nghị lực và “bài học” của những lần thất bại sau 6 năm đeo đuổi nghề sản xuất nấm tại quê nhà. Chân ướt, chân ráo đến Buôn Ma Thuột, anh Hà làm nghề bốc vác mùn cưa cao su cho các xưởng cưa trên địa bàn thành phố. Không phải ngẫu nhiên mà anh chọn cái nghề cùng cực này, bởi đây là công việc phù hợp nhất nằm trong định hướng kế hoạch phát triển nghề nấm tại Tây Nguyên. Mùn cưa của cây cao su là nguyên liệu cần thiết đầu tiên cho việc sản xuất các loại nấm giá trị (nấm mèo, nấm sò, nấm linh chi…). Dành dụm được ít tiền từ mồ hôi của những ngày bán sức làm thuê, anh bắt tay vào nghề sản xuất nấm nhưng… lại tiếp tục “tay trắng”. Không phải là thất bại do tay nghề chưa cao mà do bị kẻ xấu làm hại (trong 3 năm ít nhất 2 lần anh bị đốt trại nấm). Anh Hà lại tiếp tục theo đuổi nghề đã định bằng cách vay mượn đầu tư sản xuất, đến năm 2005, anh quyết định thành lập HTX sản xuất nấm Hà Hương.
Năm 2008, vận may đã “mỉm cười” với Trương Tố Hà khi anh được Chi cục Phát triển nông thôn Dak Lak đã hỗ trợ một phần kinh phí để triển khai thực hiện dự án "Xây dựng các mô hình sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến nấm hàng hóa trên quy mô diện rộng". Anh bắt tay ngay vào việc mở rộng diện tích sản xuất, mạnh dạn đầu tư phát triển. Sau hơn ba năm triển khai, HTX sản xuất nấm Hà Hương do anh làm Chủ nhiệm đã xây dựng thành công nhiều mô hình sản xuất giống nấm cấp một, cấp hai đối với các loại nấm linh chi, nấm sò, nấm rơm… và bốn mô hình sản xuất giống nấm cấp hai, cấp ba tại các hộ nhỏ lẻ với công suất 80 tấn/năm. Sự thành công của dự án là cơ sở để củng cố niềm tin không những cho tất cả xã viên của HTX mà còn cho những nông dân, doanh nghiệp đang nhen nhóm hy vọng làm giàu từ nghề trồng nấm. Nhiều đơn vị doanh nghiệp, cá nhân, học sinh, sinh viên đã thường xuyên tìm đến trang trại của HTX Hà Hương tham quan, học tập.
Nhân viên HTX cấy giống vào các bịch nguyên liệu. |
Với hoạt động khá hiệu quả, trong những năm qua, HTX Hà Hương không những mang lại lợi nhuận cao mà đã góp phần tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho 50 hộ xã viên tại địa phương, trong đó có 34 hộ xã viên dân tộc thiểu số. Đến nay, HTX đã nuôi cấy thành công nhiều loại giống nấm đạt kết quả tốt, có thể đáp ứng 100% nhu cầu về giống nấm cho các hộ sản xuất trong huyện, tỉnh. Ngoài ra, HTX Hà Hương còn đào tạo được hơn 200 học viên, hầu hết là nông dân nghèo trong tỉnh. Khoảng 30% số người học nghề đã sống được bằng nghề trồng nấm. Anh Hà cho biết, nếu sản xuất 1000 m2 nấm các loại, sau khi trừ chi phí đầu vào sẽ còn lãi được từ 50 – 60 triệu đồng, một năm có thể sản xuất từ 3 – 4 vụ. Riêng gia đình anh mỗi năm có thu nhập từ 500-700 triệu đồng (đã trừ mọi chi phí và lãi do vay mượn đầu tư).
Ngoài việc chỉ đạo sản xuất tại các trang trại đang triển khai, HTX Hà Hương còn phối hợp với Trung tâm dạy nghề các huyện Ea Kar, Krông Pak, Buôn Đôn…để chuyển giao kỹ thuật sản xuất nấm nhằm nhân rộng phát triển nghề sản xuất nấm trên địa bàn Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Dak Lak nói chung. Theo anh Hà, nghề sản xuất nấm không khó nhưng phải có nhiệt huyết, chăm chỉ, tận tâm yêu nghề mới thành công. Anh sẵn sàng hỗ trợ hướng dẫn về kỹ thuật tận tình và cung cấp giống, vật liệu ban đầu cho bất cứ ai có nguyện vọng phát triển nghề sản xuất nấm. Anh cũng ghi chép tỉ mỉ các Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất các loại nấm: Linh chi, nấm sò, nấm mèo, nấm rơm và sẵn sàng chia sẻ với người có nhu cầu tìm hiểu.
Từ kinh nghiệm phát triển HTX Hà Hương, anh Hà mong muốn: để nghề sản xuất nấm của tỉnh phát triển hiệu quả, bền vững thì cần tổ chức lại hệ thống phát triển sản xuất với quy mô lớn, trong đó, vị trí và vai trò của “các nhà” cần phát huy đúng mức: Nhà nước cần quan tâm trong công tác quản lý và có định hướng chủ trương, tuyên truyền, hỗ trợ cho sự phát triển của nghề trồng nấm (nhất là hỗ trợ vay vốn đầu tư sản xuất). Nhà khoa học trên cơ sở ưu việt của các giống nấm cần tiếp tục nghiên cứu, giải mã, tổng hợp để hoàn thiện hơn về phát huy tiềm năng lợi thế các giống nấm, tạo năng suất, chất lượng các loại nấm trong sản xuất. Nhà nông tiếp tục đầu tư nhân rộng quy mô sản xuất trên cơ sở khoa học và theo chủ trương định hướng của nhà nước. Nhà doanh nghiệp cần hỗ trợ thêm cho nông dân trong việc đầu tư sản xuất và nghiên cứu thị trường nhằm giải quyết đầu ra cho nông dân. Nếu thực hiện tốt mối quan hệ phổ biến này là thực hiện được nguyên lý của sự phát triển thành công và mở ra hướng phát triển mới tích cực cho tỉnh ta trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu lao động trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Cẩm Lai
Ý kiến bạn đọc