Phát triển công nghiệp nông thôn: Cần thêm những nguồn lực
Thời gian qua, các chương trình, đề án khuyến công được triển khai có hiệu quả, qua đó thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN) vùng nông thôn phát triển. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn gặp nhiều khó khăn và cần thêm những nguồn lực mạnh mẽ hơn...
Hiệu quả từ hoạt động khuyến công
Trên cơ sở xem xét điều kiện, tình hình sản xuất tại các địa phương, khuyến công Dak Lak đã xác định được một số nội dung quan trọng trong năm 2013 là: hỗ trợ máy móc, thiết bị trong sản xuất CN – TTCN, phối hợp đẩy mạnh phát triển CN phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và quảng bá sản phẩm CN – TTCN… Trên cơ sở đó, Trung tâm khuyến công đã triển khai các chương trình, đề án của ngành đến các đơn vị thụ hưởng, trong đó tập trung ở địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đối với chương trình khuyến công, Trung tâm đã tổ chức 11 lớp đào tạo nghề may cho 330 lao động với kinh phí 330 triệu đồng từ nguồn vốn của chương trình khuyến công quốc gia; riêng khuyến công địa phương đã triển khai 15 đề án với kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Trung tâm đã thực hiện chương trình tiết kiệm năng lượng với việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về tiết kiệm điện cho 1.100 hộ dân ở TP. Buôn Ma Thuột và thị xã Buôn Hồ; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi về tiết kiệm năng lượng ở cấp tiểu học với kinh phí 200 triệu đồng bằng nguồn vốn của của Bộ Công thương. Tuy nhiên, hiệu quả nhất trong hoạt động khuyến công thời gian qua là chương trình giảm tổn thất sau thu hoạch. Theo đó, đơn vị đã cùng với Sở NN-PTNT tổ chức 2 lớp tập huấn về bảo quản nông sản và giảm tổn thất sau thu hoạch ở huyện M’Drak và Buôn Đôn; triển khai 3 mô hình hỗ trợ các địa phương gồm máy bóc tẽ ngô và xạc nông sản cho xã Krông Na (huyện Buôn Đôn), Ea Trang (huyện M’Drak) và máy gặt đập liên hợp cho xã Ea R’Bin (huyện Lak). Các mô hình này đã góp phần giúp đơn vị thụ hưởng áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, giảm tổn thất sau thu hoạch nông sản từ 0,5%-1%. Ngoài những chương trình trên, Trung tâm khuyến công còn phối hợp, lồng ghép các hoạt động của đơn vị với các tổ chức, đoàn thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác khuyến công. Cụ thể, đơn vị đã phối hợp với Hội nông và Tỉnh đoàn Dak Lak tổ chức các lớp tập huấn nhằm trang bị cho các hội viên nông dân và đoàn viên thanh niên có kiến thức về trồng trọt, bảo quản nông sản, khởi sự doanh nghiệp để áp dụng vào sản xuất thực tế. Trung tâm khuyến công (Sở Công thương) cho biết: các chương trình, đề án khuyến công trên đang trong quá trình nghiệm thu kết quả, theo đánh giá của các địa phương thì bước đầu các chương trình đã phát huy được hiệu quả tích cực vào quá trình sản xuất, canh tác. Hiện tại, trung tâm cũng đang xây dựng kế hoạch hoạt động khuyến công 2014 với nhiều hoạt động tích cực nhằm hỗ trợ sản xuất CN – TTCN ở các địa phương.
Trung tâm Khuyến công Dak Lak bàn giao và hướng dẫn sử dụng máy bóc tẽ ngô và xạc nông sản cho nông dân. |
Cần thêm sự hỗ trợ
Ông Đoàn Thượng Phấn, Trưởng phòng Tổng hợp - Trung tâm khuyến công Dak Lak cho biết: thời gian qua, hoạt động khuyến công đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ ngành công thương cũng như các địa phương. Hiệu quả lớn nhất của các chương trình, đề án khuyến công chính là sự hỗ trợ đắc lực cho phát triển sản xuất CN – TTCN vùng nông thôn, đặc biệt là địa bàn vùng sâu vùng xa, tạo sản phẩm tại chỗ, nâng cao tỷ trọng ngành công nghiệp trong cơ cấu kinh tế theo hướng tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn; góp phần thay đổi diện mạo công nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa.
Tuy nhiên, hoạt động khuyến công, phát triển công nghiệp nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó cơ chế chính sách chồng chéo, thiếu hướng dẫn cụ thể dẫn đến những lúng túng cho đơn vị triển khai; quy mô hỗ trợ còn thấp, thủ tục rờm rà, máy móc thiết bị hỗ trợ chưa đáp ứng nhu cầu thực tế khiến các đơn vị được thụ hưởng không mặn mà tiếp nhận. Mặt khác, mạng lưới khuyến công viên chưa có, nhân lực ít trong khi địa bàn rộng gây khó khăn trong việc chuyển giao, giám sát các chương trình, đề án; đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm tại các huyện trình độ chuyên môn chưa cao, không có chế độ phụ cấp nên hoạt động yếu. Bên cạnh đó, tình hình sản xuất của các cơ sở vùng nông thôn thời gian qua gặp nhiều khó khăn, không có vốn đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp bị phá sản, giải thể…
Có thể nói, công nghiệp nông thôn ở Dak Lak có nhiều tiềm năng nhờ nguồn tài nguyên, nguyên liệu tại chỗ tương đối thuận lợi, đội ngũ nhân công dồi dào và đặc biệt là có nhiều nghề thủ công truyền thống. Bên cạnh đó, ở vùng nông thôn cũng đã hình thành nhiều cụm công nghiệp phục vụ sản xuất CN – TTCN như: Ea Dah (huyện Ea Kar), M’Drak (huyện M’Drak), Ea Lê (huyện Ea Súp), Trường Thành (huyện Ea H’leo). Tuy nhiên, để hoạt động sản xuất CN – TTCN phát triển thì bên cạnh các hoạt động khuyến công, cần thêm những hỗ trợ khác như: trợ giúp về vốn cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp vùng nông thôn để hình thành các cơ sở sản xuất, nhà máy chế biến, lắp ráp để tận dụng nguồn nguyên, vật liệu (đá, cát xây dựng, cà phê, mủ cao su, gỗ…) và lực lượng lao động tại chỗ. Các ngành liên quan cần tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ, chuyển giao khoa học kỹ thuật và máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất. Điều này đòi hỏi cần có sự tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, nhân lực khuyến công và sự phối hợp của các ngành, đoàn thể trong triển khai chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với vùng nông thôn.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc