Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi: Thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới
Hưởng ứng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã chú trọng khai thác tiềm năng đất đai, lao động, vốn, mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi trong sản xuất, đem lại hiệu quả cao. Đây cũng chính là những nhân tố điển hình góp phần tích cực thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới.
Khai thác hiệu quả các tiềm năng
Gia đình ông Bùi Thanh Liêm ở thôn 9 (xã Ea Đar, huyện Ea Kar) có 1,5 ha đất canh tác. Sau nhiều năm trồng hoa màu “lấy ngắn nuôi dài” để tích lũy vốn, vợ chồng ông quyết định chuyển sang chuyên canh cây cà phê. Gắn bó với cây cà phê hơn chục năm, ông nhận thấy loại cây trồng này mất nhiều công chăm sóc, vốn đầu tư lớn nhưng lợi nhuận thấp, rủi ro cao do giá cả luôn biến động nên ông tính toán để quy hoạch lại trang trại. Theo đó, 3 sào đất ở phần trũng nhất, ông đào ao thả các loại cá, mỗi năm thu được trên 2 tấn. Có thêm vốn, ông mạnh dạn xây chuồng, quây bờ rào chăn nuôi heo rừng với 5 heo nái và 70 heo thịt. Qua tham khảo thực tế nhận thấy cây tiêu thích hợp với vùng đất này, ông chuyển đổi dần diện tích cà phê kém hiệu quả sang trồng 800 trụ tiêu, trong đó có 400 trụ đã cho thu hoạch. Nhờ tận dụng nguồn phân chuồng trong chăn nuôi ủ thành phân vi sinh bón cho cà phê, tiêu, vừa giúp vườn cây phát triển xanh tốt, vừa giảm chi phí đầu tư, mỗi năm trừ chi phí, trang trại của ông đã cho thu nhập trên 150 triệu đồng. Ông Liêm chia sẻ: Muốn tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích, ngoài việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nông dân cần chuyển từ độc canh cây trồng, vật nuôi sang mô hình đa cây, đa con để có thể phát triển bền vững.
Trang trại tổng hợp của gia đình ông Bùi Thanh Liêm đem lại thu nhập ổn định 150 triệu đồng/năm. |
Hộ ông Bùi Thanh Liêm chỉ là một trong số gần 80.000 nông dân SXKD giỏi trên địa bàn tỉnh đã thành công với việc khai thác các tiềm năng sẵn có để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nông dân trong tỉnh đã chủ động trong khâu lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, biết cách chăm sóc, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả, góp phần hạn chế rủi ro, tiết kiệm chi phí đầu tư, tăng thu nhập, bảo vệ môi trường. Từ đó đã hình thành các vùng chuyên canh cà phê, cao su, ngô lai, lúa, rau an toàn, chăn nuôi theo hướng công nghiệp. Bên cạnh các vùng chuyên canh, các hộ SXKD giỏi đã đổi mới cách nghĩ, cách làm, phát triển trang trại tổng hợp, đa con, đa con bằng cách trồng xen cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như cam sành, sầu riêng, mít nghệ, vải thiều, bơ…; phát triển chăn nuôi với các giống mới như: nhím, hưu sao, nai, gà siêu trứng, ngan pháp, heo rừng, ba ba, rắn, chim trĩ…
Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Từ phong trào thi đua SXKD giỏi, nhiều hộ nông dân đã chú trọng đầu tư phát triển ngành nghề, mở rộng dịch vụ phục vụ sản xuất, góp phần chuyển đổi một bộ phận lao động nông nghiệp sang lao động ngành nghề, dịch vụ, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển theo hướng tích cực, gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. Điển hình trong việc sản xuất nông nghiệp kết hợp với làm dịch vụ có gia đình ông Võ Thiện Thuật ở thôn 1 (xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp) có 13 ha đất trồng lúa, điều, bắp, đậu, chăn nuôi 70 con bò, làm dịch vụ cày, bừa đất, cung ứng vật tư nông nghiệp, mỗi năm đem lại thu nhập 960 triệu đồng, tạo việc làm cho 20 lao động địa phương. Cũng từ phong trào thi đua SXKD giỏi đã từng bước khôi phục và phát triển nghề truyền thống, hình thành một số nghề mới nhờ kỹ năng và tay nghề cao của hội viên nông dân như: trồng hoa, cây cảnh, trồng nấm, làm bánh tráng. Quá trình tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của hội viên nông dân đã góp phần chủ động lương thực tại chỗ, tạo nguồn nguyên liệu cung ứng ổn định cho các ngành công nghiệp chế biến, tăng kim ngạch xuất khẩu, thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác và hợp tác xã ở nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống hội viên. Không chỉ chăm lo cho cuộc sống gia đình, những nông dân SXKD giỏi còn giúp các hội viên nghèo có thêm điều kiện thoát nghèo và vươn lên khá giả bằng nhiều hình thức như giúp vốn, cây, con giống, kỹ thuật, ngày công… Những mô hình làm ăn hiệu quả của các hộ nông dân SXKD giỏi còn là điểm tham quan học tập của bà con trong và ngoài địa bàn để áp dụng vào thực tế gia đình mình, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Bên cạnh thúc đẩy phát triển kinh tế, phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi còn động viên nông dân tích cực tham gia xây dựng gia đình văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Hằng năm, có trên 161.000 hộ gia đình nông dân đạt gia đình văn hóa, chiếm 60,9% tổng số hộ đạt gia đình văn hóa toàn tỉnh. Hội viên nông dân đã tích cực tham gia huấn luyện quân sự, lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên tại các địa phương, đóng góp xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa, hưởng ứng các hoạt động xã hội từ thiện. Bên cạnh đó, mỗi năm, hội viên nông dân cũng tự nguyện đóng góp tiền, công lao động, nguyên vật liệu tu bổ, sửa chữa trên 3.300 km đường, 521 km kênh mương nội đồng, 81 công trình cầu, cống, hồ đập nhỏ đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất, sinh hoạt của nông dân.
Ông Y Tô Niê Kdăm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đánh giá: Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi đã góp phần phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, làm thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn. Thời gian tới, các cấp hội tiếp tục xây dựng nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân trong sản xuất như chuyển giao khoa học - kỹ thuật, giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng và nhân rộng mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm… góp phần vào việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc