Quản lý được siết chặt khi rừng đã định giá
08:31, 05/11/2013
Quyết định số 19/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 16-7-2013 quy định áp dụng khung giá các loại rừng và xác định giá cho thuê rừng trên địa bàn Dak Lak được xem là cơ sở để ngành chức năng làm căn cứ xử lý các vụ vi phạm lâm luật, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chủ rừng trong việc giữ gìn, bảo vệ giá trị kinh tế và môi trường rừng.
Kiểm tra rừng trồng tại huyện Ea Súp. |
Theo Quyết định trên, giá cho thuê rừng được xác định tùy thuộc vào loại rừng, trạng thái rừng, trữ lượng, chất lượng lâm sản và mục đích sử dụng rừng. Đối với các khu rừng cùng loại, cùng chức năng, có trạng thái rừng, trữ lượng, chất lượng lâm sản như nhau và cùng mục đích thuê thì giá cho thuê rừng là như nhau. Khung giá các loại rừng sẽ là cơ sở để xác định giá trị tài sản là rừng của Nhà nước khi giao, cho thuê rừng cũng như xác định giá trị đền bù phải trả của tổ chức, cá nhân khi chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc cải tạo rừng tự nhiên; khung giá được áp dụng cho rừng tự nhiên và cả rừng trồng. Việc xác định giá rừng cũng là cơ sở để xác định mức độ, hậu quả đối với hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại về rừng, làm căn cứ buộc người có hành vi vi phạm phải bồi thường cho chủ sở hữu, chủ quản lý cả về giá trị lâm sản và giá trị môi trường của diện tích rừng bị thiệt hại. Khung giá rừng mà UBND tỉnh đã ban hành quy định rất cụ thể, chi tiết từng loại rừng và chia theo khu vực, đối với rừng tự nhiên lá rộng thường xanh tại khu vực huyện M’Drak, Ea Kar, Krông Bông, giá rừng áp dụng để tính tiền bồi thường thiệt hại với người gây thiệt hại về rừng là từ 10 – 44 triệu đồng (rừng nghèo trữ lượng từ 10-50 m
3/ha) và trên 500 triệu đồng/ha (rừng rất giàu có trữ lượng 401-500 m
3/ha). Hay rừng tự nhiên lá rộng rụng lá tại khu vực Ea H’leo, Krông Buk, Krông Năng, Buôn Hồ, giá rừng được tính 10-59 triệu đồng/ha đối với rừng nghèo có trữ lượng từ 10-50 m
3/ha, và đối với rừng rất giàu có trữ lượng 400-500 m
3/ha, khung giá rừng được tính lên đến 902 triệu đồng… Ông Lê Cước, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, hiện toàn tỉnh đã giao trên 226 nghìn ha rừng cho các ban quản lý rừng phòng hộ đặc dụng quản lý gồm: Ban QLR đặc dụng Nam Ka (18.646,50ha), Vườn Quốc gia Chư Yang Sin (59.405,70ha), Ban QLDA khu rừng lịch sử văn hóa môi trường hồ Lak (7.358,40ha), Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (22.599,40ha), Vườn Quốc gia Yok Đôn (109.651,80ha), Ban QLR phòng hộ Núi Vọng Phu (2.957,67ha), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (5.795,5ha). Từ năm 2011 đến tháng 12-2012, tỉnh đã có quyết định cho thuê rừng, đất rừng đối với 14 doanh nghiệp sử dụng vào mục đích trồng cao su, trồng, khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ rừng, với tổng diện tích 7.620,07 ha.
Như vậy, việc xử lý đối với những trường hợp vi phạm lâm luật theo Quyết định trên chỉ áp dụng từ 26-7-2013 trở đi, còn đối với những diện tích rừng bị mất vào thời gian trước đó đang được các cơ quan chuyên môn xem xét, đề xuất phương án xử lý. Việc triển khai thực hiện quy định định giá rừng, giá cho thuê rừng trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần đẩy mạnh sản xuất lâm sản và phát triển các dịch vụ lâm nghiệp trên cơ sở vốn rừng và tài nguyên rừng được quản lý bền vững, tổ chức thực hiện một hệ thống chính sách lâm nghiệp có khả năng thu hút cao sự tham gia của người dân và các thành phần kinh tế; nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, sử dụng và bảo vệ rừng cho các chủ rừng, góp phần thúc đẩy phát triển ngành lâm nghiệp… Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc như diện tích rừng giao cho doanh nghiệp thuê trước đây, khi chưa có Quyết định 19 bị biến động do sự xâm canh, lấn chiếm đất rừng và rừng của người dân vùng dự án, nhưng do tỉnh vẫn chưa thành lập được Hội đồng định giá rừng nên gây nhiều khó khăn khi áp dụng Quyết định này vào thực tế, nhất là đối với những diện tích rừng đã có Quyết định cho thuê vào trước thời điểm Quyết định 19 có hiệu lực.
Để Quyết định 19 nhanh chóng được áp dụng vào thực tế cần sự nỗ lực của các ngành chức năng, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động để chủ rừng và người dân hiểu rõ về những quy định trong Quyết định, cũng như quyết liệt trong việc xử lý đối với những trường hợp vi phạm. Có như vậy, rừng mới thực sự có chủ, công tác quản lý bảo vệ rừng được siết chặt.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc