Sản xuất vụ đông xuân 2013-2014: Cần chủ động phòng chống khô hạn
Vụ đông xuân 2013-2014 được nhận định là sẽ rất khó khăn khi thời tiết có những biến đổi bất lợi cho sản xuất nông nghiệp. Trong khi một số huyện vừa phải đối mặt với trận mưa lũ kinh hoàng hồi cuối tháng 9, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, một số công trình thủy lợi nước dâng quá cao, phải xẻ thân đập để xả nước nhằm tránh vỡ đập, thì ở nhiều địa phương đến thời điểm này nhiều hồ, đập vẫn chưa tích đủ nước để phục vụ cho sản xuất đông xuân sắp tới.
Nông dân huyện Krông Ana chuẩn bị đất cho sản xuất vụ đông xuân. |
Nguy cơ thiếu nước tưới
Theo kế hoạch, vụ đông xuân 2013-2014 toàn tỉnh sẽ triển khai gieo trồng 39.694 ha cây hằng năm, phấn đấu sản lượng lương thực hơn 207.800 tấn (lúa 190.083 tấn, ngô 17.726 tấn). Trong đó, lúa 29.450 ha, ngô 3.338 ha, cây có củ 1.445 ha, đậu đỗ các loại 887 ha, rau các loại 2.764, thuốc lá 815 ha, cây hàng năm khác 992 ha. Vụ đông xuân năm nay được đánh giá sẽ gặp khá nhiều khó khăn trước sự biến đổi phức tạp của khí hậu, đặc biệt là về nước tưới. Theo dự báo từ các địa phương, mực nước ngầm vào thời kỳ cuối năm 2013 duy trì ở mức thấp hơn so với những năm gần đây, sau đợt mưa đầu tháng 10-2013, các hồ vừa và nhỏ đã đạt mức nước dâng bình thường. Riêng trên địa bàn huyện M’Drak có 8 hồ chưa đạt mực nước dâng bình thường và dự kiến sẽ thiếu nước tưới vào cuối vụ. Trong các công trình do Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi có 4 hồ chứa có mực nước thấp hơn ngưỡng tràn (chưa đạt mực nước dâng bình thường), gồm: hồ Buôn Triết là 3,2 m; các hồ Ea Bông I, Ia Jlơi, Vụ Bổn là 0,5 m. Bên cạnh đó, năng lực phục vụ sản xuất của các công trình nhìn chung còn nhiều hạn chế, đặc biệt là có nhiều hệ thống kênh mương bị hư hỏng, bồi lấp. Đối với những công trình đã trữ đầy nước nhưng hệ thống kênh dẫn bị hư hỏng gây tổn thất nước lớn. Một số huyện đang phải đối mặt với nguy cơ khô hạn ngay từ đầu vụ như Krông Năng, Ea Kar… Theo Phòng NN-PNTN huyện Krông Năng, từ sau cơn bão số 10 đến nay hầu như trên địa bàn huyện không có mưa, một số diện tích hoa màu vụ thu đông 2013 đã có dấu hiệu bị thiếu nước, giảm năng suất, đó là chưa kể một số hồ đập trên địa bàn bị hư hỏng nặng, không tích được nhiều nước như hồ Ea Đinh thuộc xã Ea Tân, Ea Kmiên 3, thuộc xã Phú Xuân... và nguy cơ thiếu nước tưới cho hàng trăm héc-ta hoa màu và cà phê trong vụ đông xuân đang là nỗi lo đau đáu của người dân địa phương. Tại thị xã Buôn Hồ, đập Ea Mrông (xã Ea Drông) cung cấp nước tưới hơn 40 ha ruộng lúa và khoảng 150 ha cà phê trong vùng cũng đã không tích được nước do sự cố sụp lún thân đập nên phải xẻ thân đập để xả nước nhằm tránh nguy cơ vỡ đập. Hiện tại cán bộ và nhân dân xã Ea Drông hết sức lo lắng vì thiếu nước vào mùa khô tới đây là điều chắc chắn sẽ xảy ra và địa phương lại phải tiếp tục đối mặt với một năm hết sức khó khăn.
Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp
Với mục tiêu phát triển sản xuất theo hướng an toàn và đạt hiệu quả kinh tế trên cơ sở bố trí cây trồng và sử dụng giống thích hợp với thực tế nguồn nước, đất đai nhằm tránh các điều kiện thời tiết bất lợi như ảnh hưởng không khí lạnh, gió, mưa xảy ra ở các tháng 12, 1 và tình trạng khô hạn ở cuối vụ, Sở NN-PTNT đã đưa ra các giải pháp đồng bộ, cụ thể cho từng loại cây trồng, đặc biệt đối với các loại cây lương thực để thực hiện thắng lợi vụ đông xuân 2013-2014.
Cụ thể, đối với cây lúa nước, Sở yêu cầu các địa phương chỉ xây dựng kế hoạch sản xuất ở những diện tích có công trình thủy lợi, có nguồn nước tưới bảo đảm; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, rà soát nguồn nước, kiên quyết chỉ đạo các địa phương không gieo cấy ở các vùng không đủ nguồn nước, những vùng thường bị mất trắng trong các vụ trước và chuyển sang gieo trồng cây ngắn ngày khác như ngô, rau, màu… Ngoài ra, cán bộ Phòng NN-PTNT các địa phương cần hướng dẫn, khuyến cáo nông dân chú ý đến công tác xử lý, vệ sinh đồng ruộng trước khi gieo cấy, tập trung xuống giống đồng loạt, không kéo dài nhằm phòng tránh rầy nâu, áp dụng rộng rãi biện pháp gieo sạ hàng và chỉ gieo khoảng 90-120 kg lúa giống/ha đối với giống lúa xác nhận và 40-45 kg giống/ha đối với giống lúa lai; đối với những diện tích bảo đảm nước tưới cần tăng cường sử dụng giống lúa lai F1 (Arize BTE 1, Arize XL, CT 16, TH3-3, TH3-5, Syn 6, PAC 807…), những chân ruộng có khả năng hạn về cuối vụ cần sử dụng các giống ngắn hoặc cực ngắn ngày và gieo sạ sớm, đối với những chân ruộng hay bị ngập lụt đầu vụ cần bố trí gieo sạ muộn hơn. Khuyến cáo nông dân tích cực đầu tư thâm canh, áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), “ba giảm ba tăng” cùng với “2 không” (không sử dụng giống dài ngày, không gieo sạ kéo dài và ngoài khung lịch thời vụ khuyến cáo). Thời gian gieo sạ trà sớm từ 25-11 đến 10-12; trà chính vụ từ 10-12-2013 đến 15-1-2014; trà muộn từ 20-1 đến 15-2. Đối với cây ngô, ưu tiên các giống ngô lai có thời gian sinh trưởng ngắn và trung ngày, tiến hành gieo trồng sớm nhằm tận dụng độ ẩm của đất, thời vụ gieo trồng từ 10-11 đến 15-12. Đối với các giống đậu, đỗ, cần hướng dẫn bà con thực hiện gieo trồng sớm trong tháng 11 và kết thúc chậm nhất vào 20-12, khuyến cáo nông dân tăng cường sử dụng các giống có năng suất cao, chịu hạn tốt vào sản xuất…
Trong Hội nghị tổng kết vụ đông xuân 2012-2013 và triển khai kế hoạch đông xuân 2013-2014, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Khiết đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó chú ý tập trung rà soát và xây dựng kế hoạch sản xuất hợp lý, nhất là việc chuyển đổi, bố trí cơ cấu giống cây trồng cần phải xem xét kỹ lưỡng, không cứng nhắc và phù hợp với điều kiện khí hậu thời tiết cũng như kinh tế, xã hội của từng vùng. Phát động phong trào làm thủy lợi ở các hội, đoàn thể như: thanh niên, phụ nữ, nông dân… để hạn chế sự phụ thuộc vào kinh phí nhà nước; gia cố lại các hồ chứa nhằm bảo đảm an toàn và tránh thất thoát nguồn nước. Các địa phương phải chủ động xây dựng phương án phòng chống thiên tai, hạn chế tối đa rủi ro cho sản xuất, đặc biệt là phương án phòng chống khô hạn trong vụ đông xuân 2013-2014.
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc