Thách thức nước tưới cho cây cà phê
Đối mặt
Theo Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông - lâm nghiệp Tây Nguyên, tưới nước là biện pháp quyết định năng suất cà phê. Cây cà phê vối có khả năng chịu hạn kém (trên 85% rễ phân bố ở độ sâu 0-30 cm); nước là điều kiện cần để cây cà phê nở hoa tập trung. Trong khi đó, toàn bộ diện tích cà phê vối được trồng ở các tỉnh phía Nam và tập trung ở Tây Nguyên với hơn 550 nghìn ha, chiếm trên 95%, đây lại là khu vực có mùa khô kéo dài từ 5-6 tháng, từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.
Nước tưới là một trong những yếu tố quan trọng quyết định năng suất, chất lượng cà phê. |
Trong một hội thảo về cà phê được tổ chức trung tuần tháng 10 vừa qua tại TP. Buôn Ma Thuột, những phân tích của các đại biểu đã cho thấy Việt Nam là nước sản xuất cà phê Robusta hàng đầu thế giới và cà phê cũng là cây trồng hỗ trợ cho sinh kế của hơn 2 triệu người dân vùng nông thôn. Kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam năm 2012 đạt ngưỡng 27,8 triệu bao cà phê (bao 60 kg), đem lại 3,74 tỷ USD tương đương với 3% vào tổng sản phẩm quốc nội. Tuy nhiên, vấn đề nước tưới cho cây cà phê đang thực sự đáng lo ngại khi diện tích cà phê trong cả nước phát triển không ngừng, quy hoạch là 450 nghìn ha nhưng hiện đã phát triển lên đến trên 550 nghìn ha và dự báo có thể còn tiếp tục tăng. Diện tích cà phê năng suất thấp dưới 1,5 tấn/ha chiếm đến 25% và tiếp tục còn tăng trong các năm tiếp theo do vườn cà phê già tăng từ 20% (hiện tại) lên khoảng 40% đến năm 2020. Thứ nữa là nguồn nước mặt bị thiếu hụt, hồ đập thủy lợi thiếu và xuống cấp, nước mặt chỉ đáp ứng được 40%, còn trên 60% phải sử dụng nước ngầm trong khi nước ngầm cũng đang ngày càng suy giảm. Biến đổi khí hậu với sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn trong mùa mưa, mưa trong mùa khô, lượng mưa biến động giữa các năm cũng làm ảnh hưởng đến nước tưới cho cây cà phê. Thực tế sản xuất của người dân cho thấy, trong khi nước ngầm suy giảm thì tưới nước lại quá mức, lượng nước tưới vượt quá yêu cầu của cây do tâm lý, nhận thức không đầy đủ về tài nguyên nước. Nhiều nông dân cho rằng nước là của trời, việc tưới hầu như chỉ trả tiền nhiên liệu. Tại Dak Lak - tỉnh đóng góp khoảng 40% vào sản lượng cà phê Việt Nam, để việc canh tác cà phê đem lạ hiệu quả kinh tế cho đời sống của người dân địa phương thì việc tưới tiêu trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 là cực kỳ cần thiết. Trước đây nông dân thường tưới nhiều gấp đôi lượng nước được Bộ NN-PTNT khuyến cáo và theo ước tính có khoảng 57% tổng lượng nước được lấy từ nước ngầm chủ yếu phục vụ tưới cho cây cà phê. Do đó, Dak Lak đang phải đối mặt với vấn đề cạn kiệt nước ngầm trầm trọng trong mùa khô.
Ứng phó
Trước tình hình này, nông dân cũng như doanh nghiệp đã khá năng động để tìm ra nhiều biện pháp bảo đảm nước tưới cho cà phê. Theo Tiến sĩ Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, giải pháp để phát triển cà phê bền vững là rà soát điều chỉnh quy mô diện tích, không phát triển ở những khu vực không thích hợp có năng suất dưới 1,3 tấn, không có nguồn nước bảo đảm; không phá rừng trồng cà phê, chỉ canh tác ở những vùng có đủ điều kiện về nguồn nước, đất tốt, giảm giá thành. Sử dụng các giống/dòng cà phê mới có năng suất cao, chất lượng tốt, ít nhiễm sâu bệnh. Tuyên truyền, tập huấn cho nông dân về kỹ thuật tưới nước tiết kiệm kết hợp trồng cây che bóng và tủ gốc giữ ẩm trong mùa khô. Với kinh nghiệm của một công ty đã có thâm niên 37 năm trong sản xuất và kinh doanh cà phê, ông Nguyễn Xuân Thái, Giám đốc Công ty Cà phê Thắng Lợi cho rằng mấu chốt là phải trồng cây đai rừng chắn gió và việc sử dụng nước tưới hiệu qủa cũng liên quan rất lớn đến kinh nghiệm của người trồng cà phê. Theo ông khoảng cuối tháng 1, đầu tháng 2 kiểm tra độ ẩm của đất để quyết định mức tưới và lần tưới nước đầu tiên là quan trọng để cho hoa nở bông hết sau khi đã thật “cương”.
Thực tế, một phương pháp được sử dụng phổ biến và lâu năm trong sản xuất cà phê ở Tây Nguyên là kỹ thuật tưới gốc do chi phí mua trang thiết bị thấp nhưng chi phí nhân công vận hành cao, thao tác nặng nhọc, đòi hỏi phải tạo bồn chứa nước chung quanh gốc. Lượng nước tưới bình quân khá cao từ 400-600 lít/cây/lần. Đối với kỹ thuật tưới phun mưa, tuy là kỹ thuật được sử dụng phổ biến nhất ở các nước trồng cà phê nhưng ở Việt Nam kỹ thuật này chỉ được áp dụng khoảng 10%. Ưu điểm của phương pháp này là chất lượng nước cao, nước tưới được phân bố đều khắp tán cây; hệ thống tưới có thể hoạt động ở những nơi có địa hình phức tạp. Nhưng lại có nhược điểm là trang thiết bị tưới đắt tiền; tổn thất nước khá cao đặc biệt khi có gió lớn; tiêu tốn nhiên liệu do đòi hỏi áp lực tại vòi phun khá cao. Kỹ thuật tưới nhỏ giọt, ở Tây Nguyên chỉ mới được áp dụng trong vài năm trở lại đây, có ưu điểm là có thể tiết kiệm được 40-50% lượng nước tưới; nâng cao hiệu qủa sử dụng phân bón, chất dinh dưỡng được cấp thông qua nước tưới; chi phí vận hành thấp, có thể điều khiển bằng máy tính; hạn chế cỏ dại và sâu bệnh. Nhưng nhược điểm là thiết bị đắt tiền và đòi hỏi kỹ thuật cao; chất lượng nước tưới cao; đường ống và thiết bị hay bị hư hỏng, mất mát; cây cà phê không ra hoa tập trung. Tại Việt Nam kỹ thuật tưới này chưa được sử dụng ở quy mô thương mại. Mới đây, trên cơ sở cải tiến công nghệ tưới nhỏ giọt, Viện Khoa học kỹ thuật Nông - lâm nghiệp Tây Nguyên đã đưa ra phương pháp tưới mới có tên gọi tưới tiết kiệm nước. Theo phân tích của Viện, phương pháp tưới này sẽ tiết kiệm được toàn bộ công lao động kéo ống, cầm ống, cào lá và bón phân; lắp đặt đơn giản, sử dụng hoàn toàn nguyên vật liệu phổ thông trong nước; khắc phục được yêu cầu chất lượng nước tưới cao; đáp ứng yêu cầu lượng nước giúp cây ra hoa tập trung; phân bón được cung cấp trực tiếp và đều đặn qua nước tưới; nâng cao hiệu qủa sử dụng phân bón, giảm suy thoái và ô nhiễm môi trường.
Trước rất nhiều phương pháp tưới với những ưu nhược điểm, những người trực tiếp sản xuất cà phê mong muốn có được một bộ tiêu chuẩn để biết được những ngưỡng độ ẩm của đất, trên cơ sở đó xác định được thời điểm tưới, quyết định độ tưới, mức tưới nhằm hạn chế tổn thất nước không cần thiết, giảm chi phí nhân công và nhiên liệu. Những nghiên cứu sâu hơn để đưa ra kỹ thuật tưới phù hợp, tiết kiệm nhất đối với đặc điểm mỗi vùng trồng cà phê cũng là điều nông dân mong đợi.
Đàm Thuần - Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc