Multimedia Đọc Báo in

Tổ tự quản bảo vệ cà phê - mô hình hiệu quả ở xã Cư Êbur (TP.Buôn Ma Thuột)

10:30, 10/11/2013

Xã Cư Êbur (TP.Buôn Ma Thuột) có khoảng 100 ha cà phê, trồng tập trung chủ yếu ở thôn 2 và thôn 3. Đây là địa bàn giáp ranh với xã Ea Bar của huyện Buôn Đôn, dân cư thưa thớt, có chỗ không có nhà dân sinh sống. Vì vậy, những năm trước đây, tình hình an ninh trật tự tại khu vực này tương đối phức tạp, đặc biệt là trộm cắp hoa màu, nông sản của người dân xảy ra thường xuyên.

Chị  Trần Thị Bích Phương vui mừng vì vườn cà phê của  gia đình được  bảo vệ.
Chị Trần Thị Bích Phương vui mừng vì vườn cà phê của gia đình được bảo vệ.

Theo báo cáo của Công an xã Cư Êbur, trước đây năm nào tại khu vực này cũng xảy ra các vụ trộm cắp cà phê của bà con, có vụ bị mất cắp với số lượng lớn lên tới nửa sào cà phê. Nghiêm trọng hơn, không chỉ bị hái trộm quả, cây cà phê còn bị phá, bẻ cành ảnh hưởng lớn đến năng suất cho những vụ sau. Trước tình hình đó, dưới sự hướng dẫn, chỉ đạo trực tiếp của Công an xã Cư Êbur, trước mỗi vụ cà phê hằng năm, người dân thôn 2 và thôn 3 lại thành lập các tổ tự quản bảo vệ cà phê. Bên cạnh đó, Công an xã Cư Êbur cũng xây dựng kế hoạch phối hợp với Công an xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống trộm cắp hoa màu trên địa bàn giáp ranh 2 xã. Lực lượng chức năng cũng tăng cường tuyên truyền về ý thức pháp luật cho người dân; đề nghị các hộ buôn bán nông sản hoa màu trên địa bàn xã Ea Bar ký cam kết không thu mua hoa màu nông sản không rõ nguồn gốc hoặc nghi ngờ là hàng trộm cắp mà có. Công an xã Cư Êbur cũng đề nghị người dân khi phát hiện xảy ra việc trộm cắp hoa màu phải bình tĩnh báo với công an của hai xã để phối hợp giải quyết; đoàn kết, phối hợp với người dân xã Ea Bar khi có các vụ việc xảy ra, không vì mất nông sản hoa màu mà để xảy ra tình trạng mâu thuẫn giữa bà con nhân dân hai xã, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Song song với công tác tuyên truyền của công an hai xã, các Tổ tự quản do người dân xã Cư Êbur thành lập có từ 10-15 người/tổ, trong đó có một công an viên thay nhau tuần tra kiểm soát vào ban đêm trên toàn khu vực rẫy của người dân thôn 2 và thôn 3. Vụ cà phê năm nay, cả xã Cư Êbur đã có 10 tổ tự quản thay nhau hàng đêm đi tuần. Hầu hết các thành viên trong tổ tự quản đều tự giác ý thức được nhiệm vụ của mình, không quản ngại khó khăn vất vả mặc dù địa hình thôn 2, thôn 3 của xã Cư Êbur đi lại rất khó khăn và xa khu vực sinh sống.

Nhờ những cách làm trên, trong vài năm trở lại đây, tình trạng mất trộm cà phê ở Cư Êbur đã giảm hẳn, chỉ rải rác xảy ra một vài vụ với số lượng cà phê bị mất không nhiều. Trong vụ thu hoạch cà phê năm nay, trên địa bàn xã mới xảy ra một vụ mất trộm với số lượng cà phê bị hái khoảng 30 kg. Do nêu cao tinh thần cảnh giác nên tổ tự quản đã bắt được đối tượng trộm cắp giao cho công an xử lý. Chị Trần Thị Bích Phương có 2 ha cà phê ở thôn 2 vui mừng cho biết gia đình chị có diện tích cà phê tương đối lớn, những năm trước đây rất lo lắng bị hái trộm nhưng mấy năm nay nhờ có Tổ tự quản nên gia đình chị không bị mất cà phê nữa.

Hiện nay UBND xã Cư Êbur chỉ đạo lực lượng công an xã duy trì việc tuần tra, kiểm tra của Tổ tự quản để bảo vệ tài sản cho bà con đến hết vụ cà phê, đồng thời duy trì và phát huy hiệu quả hơn nữa hoạt động của mô hình tự quản này trên địa bàn toàn xã.

Minh Ngọc

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.