Multimedia Đọc Báo in

Triển vọng của giống cá chép V1 trong nuôi trồng thủy sản

07:58, 26/11/2013

Với diện tích nuôi trồng thủy sản 9.000 ha, Dak Lak có thế mạnh rất lớn về phát triển các loại thủy sản nước ngọt với các giống cá truyền thống như trắm, trôi, mè, chép, rô phi… Tuy nhiên, giá trị thương phẩm của các giống cá truyền thống chưa cao, chưa thúc đẩy được nghề nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh. Vì vậy, việc đưa giống cá chép lai V1 cho năng suất, chất lượng cao vào nuôi thử nghiệm tại các địa phương đã mở ra cơ hội cho nông dân đưa giống cá này vào sản xuất đại trà.

Nhiều triển vọng

Với mục tiêu đưa các giống cá lai có năng suất, chất lượng cao thay thế dần các giống cá truyền thống có giá trị thấp, Chi cục Thủy sản đã triển khai 5 mô hình nuôi thử nghiệm cá chép V1 thương phẩm làm chính trong ao bằng thức ăn viên tổng hợp tại các huyện Cư M’gar, Ea Kar, Krông Năng, M’Drak và TP. Buôn Ma Thuột. Sau 7 tháng nuôi tại 5 hộ nông dân tham gia mô hình, tỷ lệ cá sống đạt 80%, trọng lượng bình quân từ 0,8 đến 1 kg/con.

Mô hình nuôi cá chép V1 tại hộ ông Nguyễn Khuôn, thôn 1A, xã Ea M’nang (huyện Cư M’gar).
Mô hình nuôi cá chép V1 tại hộ ông Nguyễn Khuôn, thôn 1A, xã Ea M’nang (huyện Cư M’gar).

Tại hộ ông Nguyễn Khuôn, thôn 1A, xã Ea M’nang (huyện Cư M’gar) mô hình được thực hiện với diện tích  500 m2, số lượng 2.000 con cá giống (gồm 1.400 con giống cá chép V1, còn lại là các loại cá trắm, trôi, mè hoa), sau gần 7 tháng thả nuôi, loại cá chép V1 đạt trọng lượng bình quân hơn 1 kg/con. Với giá bán hiện tại gần 50.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Khuôn thu về gần 31 triệu đồng tiền lãi. Hay tại hộ ông Lê Văn Ngọc, thôn 4, xã Phú Xuân (Krông Năng), với diện tích nuôi 500 m2, cũng với thời gian 7 tháng thì trọng lượng bình quân đạt 1kg/con. Sau khi trừ chi phí hơn 36 triệu đồng, gia đình ông Ngọc lời gần 37 triệu đồng. Theo ông Ngọc, cá chép V1 có ưu điểm là ít bị bệnh, tốc độ tăng trưởng vượt trội so với giống cá chép truyền thống, và so với cá rô phi thì hiệu quả kinh tế cao hơn đến 30 triệu đồng (tính cùng trên một diện tích và sản lượng). Ông Hoàng Duy Dằng, Phó chủ tịch Hội nông dân xã Phú Xuân cho biết, tiềm năng phát triển thủy sản trên địa bàn rất lớn, với 25 hồ lớn (từ 20-60 ha), 20 hồ nhỏ (từ 5 sào trở lên); đối tượng nuôi chủ yếu là các loại trắm, trôi, mè, chép, rô phi… cũng đã mang lại thu nhập cao cho người dân trong vùng. Tuy nhiên, do nguồn cung các loại cá giống truyền thống lớn nên vào mùa thu hoạch hay bị thương lái ép giá. Việc đưa giống cá chép V1 vào nuôi sẽ là cơ hội để nông dân đa dạng hóa các đối tượng nuôi. Từ kết quả thực tế của các mô hình cho thấy: cá chép lai V1 là giống cá có đặc tính của ưu thế lai cao, chống chịu bệnh tốt, lớn nhanh và có khả năng thích nghi với điều kiện khắc nghiệt. Cá có tốc độ sinh trưởng nhanh, dễ nuôi, chất lượng thịt thơm ngon, phù hợp với khả năng tiêu dùng của phần đông người dân. Mô hình mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp, với mức lợi nhuận bình quân từ 30-36 triệu đồng/mô hình. Ngoài ra, các hộ còn tận dụng mặt nước nuôi ghép một số giống cá khác (rô phi đơn tính, cá trắm cỏ) để cải thiện, tận dụng thức ăn, tăng hiệu quả sử dụng diện tích mặt nước và tăng thêm thu nhập.

Cần nhân rộng

Theo ông Nguyễn Văn Thảo, Chi Cục phó Chi cục Thủy sản: Dak Lak có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản rất lớn, với diện tích mặt nước trên 9.000 ha, nhiều  địa phương có tốc độ phát triển thủy sản cao như Ea Súp, Krông Năng, Cư M’gar, Krông Ana, Krông Buk... Mặc dù diện tích, sản lượng liên tục tăng qua các năm nhưng sự đa dạng về đối tượng, thành phần loài được nuôi và khai thác chưa cao, đặc biệt tỷ trọng các loài có giá trị kinh tế cao còn thấp kéo theo giá trị sản xuất đạt thấp. Vì vậy, việc nuôi thử nghiệm thành công giống cá chép V1 được đánh giá mở ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả cho nông dân nuôi thủy sản, nhất là các địa phương có tiềm năng về diện tích mặt nước. Được biết, cá chép V1 là loài do Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản I tạo ra từ 3 giống là: Cá chép trắng Việt Nam, cá chép vẩy của Hungary và cá chép vàng của Indonesia. Cá chép V1 có ngoại hình khác với cá chép truyền thống là thân dài, và bầu hơn, vẩy sáng ánh vàng, đầu thuôn và cân đối. Chúng có tốc độ lớn gấp đôi so với cá chép địa phương và có thịt thơm, ngon hơn. Cá chép V1 tùy thuộc vào mật độ nuôi mà cho trọng lượng cá thể khác nhau, năng suất có thể đạt tới 2 tấn/sào. Hiện tại, đầu ra của loại cá chép này tương đối ổn định, giá bán cao hơn cá chép thường từ 5.000 – 10.000 đồng/kg nên hiệu quả kinh tế cũng cao hơn. Tại các cuộc hội thảo đầu bờ, nhiều nông dân đã hỏi mua giống để nhân rộng mô hình tại địa phương, nhưng theo ông Nguyễn Văn Thảo: con giống hiện chưa được sản xuất tại Dak Lak, nên giá bán khá cao (gần gấp đôi so với cá chép thông thường), vì vậy, người dân có nhu cầu có thể đến các cơ sở sản xuất giống có uy tín trên địa bàn đặt mua hoặc thông qua các Trạm khuyến nông, Phòng NN-PTNT để đặt hàng; không nên mua giống trôi nổi, sẽ dễ bị lừa về giống mà còn dễ mang mầm bệnh vào ao nuôi của mình. Trong thời gian tới, Chi cục dự kiến sẽ thực hiện chuyển giao công nghệ để tiến hành sản xuất giống cá chép V1 tại Dak Lak nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.